Người Mỹ được khuyến nghị rời khỏi Belarus khi căng thẳng giữa nước này và các quốc gia đồng minh NATO gia tăng
Căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Belarus, một đồng minh chủ chốt của Nga, và các thành viên NATO là Lithuania, Ba Lan, và Latvia sau một loạt các hoạt động khai triển quân sự và đóng cửa biên giới gần đây.
Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang gia tăng, tuần này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã kêu gọi công dân Mỹ ở Belarus rời khỏi nước này “ngay lập tức.”
Một khuyến nghị do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Minsk đưa ra hôm 21/08 ghi rằng, “Cân nhắc di chuyển qua các cửa khẩu biên giới còn lại với Lithuania và Latvia, hoặc bằng phi cơ.”
Cảnh báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi thành viên NATO Lithuania đóng cửa hai trong số sáu cửa khẩu biên giới với Belarus vì điều mà họ gọi là “những hoàn cảnh địa chính trị.”
Vilnius không nói chi tiết về bản chất của những hoàn cảnh đó. Nhưng hành động đóng cửa biên giới này diễn ra sau sự xuất hiện gần đây của các chiến đấu cơ thuộc Tập đoàn Wagner của Nga ở Belarus, nơi nhóm này được cho là đang huấn luyện cho các đơn vị của quân đội Belarus.
Là một công ty quân sự tư nhân có quan hệ với Điện Kremlin, Tập đoàn Wagner đóng vai trò hàng đầu — cho đến gần đây — trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.
Nhằm đáp trả các hành động đóng cửa biên giới gần đây, chính phủ Belarus tuyên bố rằng Lithuania đang sử dụng “các mối đe dọa an ninh bị cáo buộc” — bao gồm cả sự hiện diện của Wagner — như một “cái cớ” để ngăn chặn hoạt động qua lại xuyên biên giới.
Trong một tuyên bố, Lực lượng Biên phòng Belarus cáo buộc Vilnius dựng nên “hàng rào nhân tạo” dọc biên giới “để phục vụ nghị trình chính trị của mình.”
Các quốc gia NATO củng cố biên giới
Căng thẳng dọc biên giới của Belarus với các thành viên NATO là Latvia và Ba Lan cũng gia tăng đáng kể trong những ngày gần đây.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia đã ra lệnh cho quân đội tới trợ giúp bảo vệ khu vực biên giới. Để biện minh, ông dẫn ra việc những người di cư ngoại quốc gia tăng nỗ lực để vào được nước này một cách bất hợp pháp.
Latvia hiện có hai cửa khẩu biên giới vẫn đang mở với Belarus.
Trong một tuyên bố hôm 15/08, Lực lượng Biên phòng Latvia tuyên bố có thông tin về “khả năng gia tăng các mối đe dọa hỗn hợp,” bao gồm cả những nỗ lực được cho là của chính phủ Belarus nhằm giúp đỡ những người di cư không có giấy tờ tùy thân vào được Latvia.
Hành động của Latvia trùng hợp với các hành động tương tự của Ba Lan, quốc gia này, xuất phát từ sự hiện diện ngay bên cạnh của Wagner, cũng đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình dọc biên giới với Belarus.
Sau một vài đợt khai triển quân đội mặc dù nhỏ hơn, hôm 10/08 Warsaw đã công bố kế hoạch gửi thêm 10,000 quân tới biên giới.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết hành động này nhằm “xua đuổi quân xâm lược để họ không dám tấn công chúng ta.”
Các quan chức Ba Lan khẳng định rằng các chiến binh Wagner ở Belarus — đóng quân cách biên giới chỉ một quãng ngắn — đe dọa không chỉ Ba Lan mà toàn bộ “sườn phía đông” của NATO.
Giống như những người đồng cấp Latvia của mình, các quan chức Ba Lan cũng nói rằng việc khai triển quân đội ở biên giới nhằm mục đích hạn chế số lượng đang gia tăng của những người di cư đang cố gắng vào nước này một cách bất hợp pháp.
Trong khi đó, các quan chức Belarus và Nga nói rằng việc tăng cường biên giới đang diễn ra của Ba Lan là bằng chứng về “sự chuẩn bị” của Warsaw cho “các hành động gây hấn trên quy mô lớn hơn.”
Gần đây, đặc phái viên của Moscow tại Minsk cảnh báo rằng Nga và Belarus sẵn sàng chống lại “bất kỳ mối đe dọa nào” đối với an ninh chung của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 17/08, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết: “Nếu hành động xâm lược đất nước chúng tôi bắt đầu từ phía Ba Lan, Lithuania, hoặc Latvia, thì chúng tôi sẽ đáp trả ngay lập tức bằng mọi thứ chúng tôi có.”
Cái bóng của Moscow, Bắc Kinh
Từ năm 1999, Nga và Belarus bị ràng buộc bởi hiệp ước “Nhà nước Liên minh” nhằm thắt chặt mối bang giao song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng.
Mùa thu năm ngoái, Nga đã gửi binh lính và thiết bị quân sự tới Belarus dưới sự bảo trợ của hiệp ước Nhà nước Liên minh.
Đầu năm nay, Moscow tiết lộ các kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus. Hồi tháng Sáu, ông Lukashenko tuyên bố rằng một số trong số vũ khí hạt nhân của Nga — ông không cho biết có bao nhiêu — đã có mặt ở nước này.
Để đối phó với các hoạt động khai triển quân đội ở biên giới gần đây của Ba Lan, Moscow cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào Belarus — “của Ba Lan hoặc bất kỳ kẻ xâm lược nào khác” — sẽ được xem là một cuộc tấn công vào chính nước Nga.
Liên minh lâu bền của Minsk với Moscow dường như cũng đang đưa Belarus vào quỹ đạo địa chính trị đang mở rộng của Trung Quốc.
Sau chuyến thăm Nga hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã đến thăm Minsk, tại đây ông bày tỏ Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường liên kết quân sự với Belarus.
Bắc Kinh duy trì liên hệ kinh tế, chính trị, và thương mại chặt chẽ với Moscow.
Liên kết này ngày càng trở nên thân thiết kể từ tháng Ba, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Moscow để hội đàm với người đồng cấp Nga.
Tại một cuộc gặp gỡ hôm 17/08 với ông Lukashenko ở Minsk, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho biết chuyến thăm của ông nhằm “thực hiện các thỏa thuận quan trọng … và tăng cường hơn nữa hợp tác quân sự song phương.”
Không bên nào cung cấp chi tiết về những gì mà sự hợp tác đó sẽ đòi hỏi. Nhưng hai nước này được cho là đã đồng ý tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung vào một thời điểm nào đó trong năm tới.
Yếu tố Ukraine
Bất chấp liên minh với Nga, Belarus vẫn chưa đóng vai trò tích cực trong cuộc xâm lược vào miền đông Ukraine của Moscow.
Ông Lukashenko nói rằng hợp tác quân sự Trung Quốc-Belarus được đề xướng không nhằm chống lại bất kỳ nước thứ ba nào.
“Nếu người Ukraine không vượt qua biên giới của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không bao giờ tham gia vào cuộc chiến này,” ông nói hôm 17/08. “Nhưng chúng tôi sẽ luôn giúp đỡ Nga; họ là đồng minh của chúng tôi.”
Belarus có chung biên giới với cả Ukraine và Nga, ngoài ra còn có Ba Lan, Lithuania, và Latvia.
Trong khi đó, Hoa Thịnh Đốn cáo buộc Belarus vừa tiếp tay cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga vừa đàn áp những người bất đồng chính kiến trong nước.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times