Người đứng đầu NATO đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra ‘cuộc chiến lớn’ với Nga
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo về một “khả năng thực sự” là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ mười, có thể kéo liên minh gồm 30 thành viên này vào một “cuộc chiến lớn.”
“Tôi sợ rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và lan rộng thành một cuộc chiến lớn giữa NATO và Nga,” ông Stoltenberg nói với kênh truyền hình NRK của Na Uy trong một cuộc phỏng vấn hôm 10/12 được một số hãng thông tấn trích dẫn.
Ông Stoltenberg, người đã từng giữ chức Thủ tướng Na Uy, cho biết: “Nếu mọi chuyện trở nên tồi tệ, họ có thể trở nên sai lầm khủng khiếp.”
Những tuyên bố của người đứng đầu NATO được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi ba căn cứ không quân của Nga — nằm sâu trong lãnh thổ Nga — bị các phi cơ không người lái tấn công, khiến ba quân nhân thiệt mạng, làm hư hại hai phi cơ, và dấy lên các lo ngại bị Moscow trả đũa. Ukraine đã bác bỏ trách nhiệm về những vụ không kích này.
Một trong những căn cứ này được cho là có các oanh tạc cơ chiến lược tầm xa có thể được trang bị để mang các đầu đạn hạt nhân.
Ngày hôm sau, một phi trường quân sự gần thành phố Kursk của Nga là mục tiêu của một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái tương tự khiến một tàu chở dầu bốc cháy.
Tuy rằng Kyiv đã không nhận trách nhiệm về những cuộc tấn công này, nhưng các quan chức quân đội Ukraine đã hoan nghênh một cách rộng rãi những cuộc tấn công.
Những cuộc tấn công vào căn cứ không quân nói trên diễn ra ngay trước chuyến thăm hai ngày tới Kyiv của bà Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề chính trị. Chuyến thăm của bà Nuland, một nhà phê bình lâu năm đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã làm dấy lên đồn đoán rằng Hoa Thịnh Đốn đã cho phép Kyiv tiến hành những cuộc tấn công này.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price đã nhanh chóng bác bỏ một tình huống như vậy. Hôm 06/12, ông đã khẳng định với các phóng viên rằng Hoa Thịnh Đốn “không cho phép cũng không khuyến khích” Ukraine tấn công các mục tiêu bên ngoài biên giới của mình.
Ông cho biết thêm, đã không có xác nhận rằng quân đội Ukraine đã thực hiện những cuộc không kích này.
Hoa Kỳ từ chối ‘việc tán thành’
Hôm 09/12, công chúng hết sức ngạc nhiên khi tờ The Times, một nhật báo nổi tiếng của Anh, tuyên bố rằng Ngũ Giác Đài đã “ngầm tán thành” các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các mục tiêu bên trong nước Nga.
Để củng cố cho lập luận của mình, tờ The Times đã trích dẫn “các nguồn tin quốc phòng Hoa Kỳ” và ông Eric Edelman, từng là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ kiêm chuyên gia chính sách tại Ngũ Giác Đài đồng thời cũng là người đã kêu gọi trang bị vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ được nhìn nhận như “một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột này” nếu Hoa Kỳ cung cấp cho Kiev các vũ khí tầm xa có khả năng tấn công lãnh thổ Nga.
Hôm 11/12, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby đã nhắc lại quan điểm của ông Price.
Ông Kirby nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, “Chúng tôi đang không … khuyến khích hoặc tạo thuận lợi cho các hoạt động của Ukraine bên trong nước Nga.”
Theo bản ghi chép cuộc phỏng vấn chính thức nói trên của ABC, ông cho biết thêm, “Chúng tôi đang cố gắng bảo đảm rằng họ có thể bảo vệ lãnh thổ của họ, giành lại lãnh thổ của họ ở Ukraine.”
Hồi giữa tháng Mười Một, hãng thông tấn Associated Press đã dẫn lời một “quan chức tình báo cao cấp Hoa Kỳ” ẩn danh cho biết rằng các lực lượng Nga đã bắn một hỏa tiễn vào lãnh thổ Ba Lan, một thành viên NATO.
Hóa ra tuyên bố nói trên là sai sự thật, nhưng đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc đụng độ sắp xảy ra giữa Nga và NATO, vốn có nghĩa vụ bảo vệ các quốc gia thành viên nếu họ bị tấn công.
Sau đó, The Associated Press đã sa thải phóng viên chịu trách nhiệm về điều mà tờ báo này mô tả là một sai lầm “nghiêm trọng.”
Vương quốc Anh xem xét vũ khí tầm xa
Bất chấp những cảnh báo của Nga và các lo ngại ngày càng tăng về leo thang chiến tranh, Vương quốc Anh dường như đang xem xét việc cung cấp các hệ thống vũ khí tầm xa cho quân đội Ukraine.
Khi được hỏi trực tiếp về vấn đề này hôm 12/12, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết ông “rất cởi mở” với ý tưởng này.
Ông Wallace nói với các thành viên Quốc hội: “Tôi liên tục xem xét về những hệ thống vũ khí mà chúng tôi có thể cung cấp.”
Ông cho biết, Vương quốc Anh có “các hệ thống vũ khí tiềm năng xa hơn, và nếu người Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự và cố gắng phá vỡ các Công ước Geneva đó, thì tôi sẽ sẵn sàng xem chúng tôi sẽ làm gì tiếp theo.”
Kể từ khi Moscow bắt đầu xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, Vương quốc Anh đã viện trợ cho Ukraine tổng cộng 4.65 tỷ USD, bao gồm vũ khí, huấn luyện quân sự, và cứu trợ nhân đạo.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times