Người dân Trung Quốc: Huyện nông thôn có hơn 1,000 người tử vong trong đợt bùng phát mới đây
Trong khi các trường hợp tử vong ở các thành phố lớn của Trung Quốc thường xuyên được truyền thông đưa tin, thì tình hình đại dịch ở các vùng nông thôn và vùng hẻo lánh của đất nước này lại ít được chú ý.
Các bài đăng và video trực tuyến gần đây, vốn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn do bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm duyệt thông tin một cách nghiêm ngặt, cho thấy một thực trạng đáng buồn ở nông thôn.
Trong một đoạn video mà The Epoch Times đã xem, hàng chục linh cữu được xếp thành hàng trong một hội trường, chờ được đưa đến các nghĩa trang địa phương. Dòng người chen chúc trên một con đường quê, xếp thành hàng dài không thấy điểm cuối. Người ta nghe thấy có người nói bằng thổ ngữ địa phương: “Mọi người ơi, không có gì phải gấp gáp!”
Trong một video ngắn khác cho thấy cảnh thân nhân thuộc các gia đình khác nhau trong các tang lễ, nhóm này theo sát nhóm kia.
Người dân khẳng định những khung cảnh trong những video clip này gần đây đã trở nên phổ biến ở các huyện và khu vực nông thôn của Thiệu Dương.
Người dân cho biết nhiều cụ cao niên đã qua đời
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 18/01, ông Tang Ling, cư dân của Thiệu Dương, một thành phố ở tỉnh Hồ Nam miền trung Trung Quốc, cho biết rằng, “Tại thành phố nhỏ này của chúng tôi, kể từ tháng 12/2022 có hơn 1,000 người đã qua đời, và trong số họ có nhiều người là người cao niên.”
Theo trang web chính thức của Thiệu Dương, đây là một thành phố cấp huyện miền núi nằm ở phía tây nam của tỉnh, quản lý ba quận, hai thành phố cấp huyện, và bảy huyện, và có dân số 8.223 triệu người vào cuối năm 2021.
Ông Tang sống ở một huyện có khoảng 600,000 cư dân. Ông nói rằng tổng số 1,000 người qua đời chỉ là một con số ước tính bởi vì chính quyền không công bố con số thực tế. Theo ông Tang, người dân không bao giờ biết thật sự có bao nhiêu người tử vong và con số thực tế có thể nhiều hơn so với ước tính.
Ông Tang nói, “Ngày nào chúng tôi cũng thấy cảnh người ta khiêng các cỗ quan tài lên ngọn đồi để đến nghĩa trang địa phương; và giá quan tài tăng ít nhất gấp đôi so với trước kia, thậm chí có nơi cao gấp bốn lần so với trước khi dịch bệnh bùng phát gần đây.”
Ông kể rằng ông được biết một gia đình nọ có hai anh em ngoài 50 tuổi đã qua đời và một gia đình khác mất cha mẹ và một đứa con trai. Ông Tang nói thêm rằng có lúc ông chứng kiến ít nhất bốn gia đình trên cùng một con đường tổ chức tang lễ.
Ông Tang nói rằng người dân địa phương vẫn làm theo các phong tục cổ xưa chôn cất những thân nhân của họ thay vì hỏa táng.
Theo trang web chính thức của chính quyền địa phương, Thiệu Dương là nơi có 44 dân tộc cùng sinh sống. Trong một báo cáo công việc năm 2021, phòng dân sự thành phố thừa nhận rằng “rất khó để thay đổi các phong tục chôn cất truyền thống” và tuy rằng khuyến khích hỏa táng, nhưng họ cũng phải “tôn trọng phong tục mai táng của 10 dân tộc thiểu số bao gồm người Hồi (Hui), Duy Ngô Nhĩ (Uygur), Kazakh, Kirgiz, Uzbek, Tajik, Thát Đát (Tatar), Salar, Đông Hương (Dongxiang), và Bảo An (Bao’an).”
Với các nghi lễ chôn cất, người dân địa phương thường tổ chức một lễ an táng kéo dài từ ba đến năm ngày cho những thân quyến đã khuất của họ, sau đó họ khiêng linh cữu của người đã khuất đến mộ phần do một thầy phong thủy lựa chọn trên một ngọn đồi gần đó.
Ông Tang cho biết ông đã chứng kiến nhiều bệnh nhân vùng quê bị nhiễm COVID trong bối cảnh đợt bùng phát gần đây đang nằm chờ lịm dần theo đúng nghĩa đen do thiếu nguồn lực y tế và bảo hiểm y tế. Ông lo lắng rằng, trong lúc Tết Nguyên Đán đang cận kề, những người làm việc ở các thành phố lớn sẽ hồi hương để đoàn tụ gia đình trong kỳ nghỉ lễ năm mới, có thể dẫn đến một đỉnh điểm dịch bệnh khác.
Người dân: Trong huyện này có quá nhiều người qua đời
Quê hương của ông Tang nằm trong số những vùng ở tỉnh Hồ Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt đại dịch càn quét mới đây.
Ông Li Chun, một cư dân ở ngôi làng hẻo lánh của Thiệu Dương, nói rằng huyện của ông chỉ có khoảng 100,000 người dân. Hôm 17/01, ông Li nói với The Epoch Times, “Nhưng chúng tôi thấy rất nhiều người ở huyện của chúng tôi qua đời mỗi ngày, từ sáu đến tám người.” Ông nói rằng tại đỉnh điểm số ca tử vong, trong khu vực trung tâm thành phố của huyện đó, các lều trại dùng để tổ chức tang lễ chỉ cách nhau khoảng 600 feet (180 mét).
Ông Li cho biết gia đình ông từng có 5 cha mẹ già. Anh rể của ông vừa mất đi người mẹ vài ngày trước. Ông Li cho biết cha ông Li phải nhập viện và phổi của cụ đã mất hết chức năng.
Ông Li buồn bã nói: “Cha tôi hiện đang dựa vào liệu pháp oxy để duy trì sự sống; cụ có thể qua đời bất cứ lúc nào.”
Ông Li nói với The Epoch Times rằng với rất nhiều ca tử vong gần đây, chính quyền huyện không còn đủ đất để đáp ứng nhu cầu xây cất mộ ngày càng tăng và hiện đang xây dựng một lò hỏa táng địa phương để thiêu tử thi.
Người dân: Ác cảm với ĐCSTQ vì thiên vị về các nguồn lực y tế
Ông Li Xiang, một cư dân của thành phố Thiệu Dương, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng hôm 17/01 rằng các thành phố nhỏ hơn được cấp ít nguồn lực y tế hơn nhiều, vì vậy các ngôi làng và vùng nông thôn có thể sẽ bị đối xử theo cách như vậy. Ông đã chỉ trích chế độ cộng sản này vì mức độ chăm sóc sức khỏe ở nông thôn khác biệt so với thành thị.
Ông Li nói: “Dân chúng Trung Quốc ngày càng oán hận [đối với chế độ cộng sản này]. Ngay cả các nhân viên chính quyền cũng có một mối ác cảm với các biện pháp hạn chế COVID kéo dài ba năm qua vì chính gia đình họ cũng phải chịu đựng những đợt phong tỏa này và cha mẹ họ đã qua đời trong ba năm này.”
Ông Li nói thêm: “Tôi có một người bạn là một quan chức chính quyền, ông ấy đã nói với tôi rằng ‘Đảng cộng sản [Trung Quốc] sẽ sớm sụp đổ thôi.’”
Kế hoạch tập trung các nguồn lực của chế độ cộng sản Trung Quốc, bao gồm các nguồn lực y tế, giáo dục, và phúc lợi đã không tương xứng với người dân nông thôn.
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm và Dịch Như
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times