Người dân các khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông, và châu Âu đón giao thừa
Cầu Cảng Sydney đã trở thành tâm điểm của màn trình diễn ánh sáng và pháo hoa nửa đêm nổi tiếng.
Những người ra ngoài vui chơi đã tham gia đếm ngược đến thời khắc nửa đêm giao thừa Năm Mới trên khắp các khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông, và châu Âu, nơi pháo hoa và ánh đèn lễ hội mang đến một khởi đầu đầy hy vọng cho năm 2024 đối với một số người, ngay cả khi các cuộc xung đột đang diễn ra trên toàn cầu làm dấy lên lo ngại về an ninh và dẫn đến lễ hội kém vui hơn hoặc bị hủy bỏ hoàn toàn.
Ở Úc, hơn 1 triệu người đã tới xem màn trình diễn pháo hoa gần Cầu Cảng Sydney, đứng chật cứng bờ biển và trên tàu thuyền cập bến cảng — số lượng khán giả tương đương với ⅕ cư dân toàn thành phố.
“Ở đây thật điên rồ,” du khách người Đức Janna Thomas, người đã xếp hàng chờ từ 7 giờ 30 phút sáng để giành được vị trí đắc địa bên bờ sông, cho biết.
Còn ở thành phố New York, người dân đã xếp hàng từ sớm để giành một chỗ ở Quảng trường Thời Đại cho buổi lễ thả cầu lúc giao thừa. Các quan chức và nhà tổ chức sự kiện vui chơi này cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng để giữ an toàn cho hàng chục ngàn người đến tham dự ở trung tâm Manhattan, vì thành phố này đã chứng kiến các cuộc biểu tình gần như hàng ngày do cuộc chiến Israel-Hamas gây ra.
Pháo hoa thắp sáng màn đêm
Những màn pháo hoa tuyệt đẹp đã nở rộ tại các địa điểm mang tính biểu tượng như Acropolis ở Athens, Hy Lạp, những bức tường kính bóng loáng của tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa, ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), cùng với những tiếng reo hò đồng thanh tràn ngập trong không khí ở Nairobi, Kenya.
Trung Quốc ăn mừng năm mới tương đối lặng lẽ, với hầu hết các thành phố lớn cấm bắn pháo hoa vì lo ngại về an toàn và ô nhiễm.
Tại Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan, không khí có vẻ lạc quan khi người dân ra ngoài tụ tập để xem màn trình diễn pháo hoa tại tòa cao ốc Đài Bắc 101 được xây theo hình cây tre, cũng như tại các buổi hòa nhạc và các sự kiện khác được tổ chức trên toàn thành phố.
Đối với Ấn Độ, hàng ngàn người đến từ trung tâm tài chính Mumbai đã ngắm mặt trời lặn trên Biển Ả Rập. Ở New Delhi, pháo hoa làm dấy lên mối lo ngại rằng thủ đô vốn nổi tiếng về chất lượng không khí kém này sẽ bị khói mù độc hại bao phủ vào buổi sáng đầu tiên của năm mới.
Trên khắp Nhật Bản, người dân đã tề tựu tại các ngôi chùa, chẳng hạn như Đền Tsukiji ở Tokyo, nơi khách tới thăm được phục vụ sữa nóng và súp bắp miễn phí khi họ đứng xếp hàng để đánh một chiếc chuông lớn.
Chiến tranh ở Gaza và Ukraine tiếp diễn
Tại Nga, các hành động quân sự của nước này ở Ukraine đã làm lu mờ dịp lễ kỷ niệm cuối năm, với việc bắn pháo hoa và tổ chức hòa nhạc thông thường trên Quảng trường Đỏ ở Moscow đã bị hủy bỏ, giống như năm ngoái. Ngay cả khi không có lễ hội, thì người dân vẫn tập trung tại quảng trường và một số người reo hò và đưa điện thoại hướng đến một chiếc đồng hồ đếm ngược những giây cuối cùng của năm.
Sau khi pháo kích vào thành phố biên giới Belgorod của Nga hôm thứ Bảy (30/12/2023) khiến 24 người thiệt mạng, một số quan chức địa phương trên khắp nước Nga cũng hủy bỏ các màn trình diễn pháo hoa thông thường của họ, kể cả ở Vladivostok. Hàng triệu người dự kiến sẽ theo dõi bài diễn văn năm mới được ghi âm từ trước của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông khẳng định không có thế lực nào có thể chia rẽ người Nga và ngăn cản sự phát triển của đất nước.
Các tòa nhà cao ốc ở Tel Aviv đã được thắp sáng màu vàng để kêu gọi thả các con tin bị những kẻ khủng bố người Palestine giam giữ ở Gaza trong hơn 80 ngày.
Bà Moran Betzer Tayar, dì của ông Yagev Buchshtab, một con tin 34 tuổi, cho biết: “Trong khi quý vị đang đếm ngược đến năm mới, thì thời gian và cuộc sống của chúng tôi đã dừng lại.”
Tại Dải Gaza, những người Palestine di tản tụ tập quanh đống lửa trong một trại tị nạn tạm bợ.
“Từ mức độ đau đớn mà chúng tôi đang sống, chúng tôi không cảm thấy rằng sẽ có một năm mới,” anh Kamal al-Zeinaty, người đã mất nhiều thành viên trong gia đình trong cuộc xung đột, cho biết. “Tất cả mọi ngày đều như nhau.”
Tại Pakistan, quốc gia có phần lớn dân số theo đạo Hồi, chính phủ đã cấm tất cả các hoạt động tổ chức đêm giao thừa để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine.
Căng thẳng toàn cầu thúc đẩy nâng cao an ninh
Thị trưởng New York Eric Adams cho biết “không có mối đe dọa cụ thể nào” đối với lễ đón giao thừa hàng năm của thành phố. Cảnh sát cho biết họ sẽ mở rộng phạm vi an ninh xung quanh bữa tiệc, tạo ra một “vùng đệm” cho phép họ ngăn chặn các cuộc biểu tình có thể xảy ra. Trong bữa tiệc năm ngoái, một người đàn ông cầm dao rựa đã tấn công ba sĩ quan cảnh sát cách Quảng trường Thời Đại vài dãy nhà.
An ninh cũng được tăng cường trên khắp các thành phố ở châu Âu vào Chủ Nhật (31/12/2023).
Chính phủ Đức cho biết họ đã bắt giữ thêm ba người liên quan đến một mối đe dọa được loan báo về một cuộc tấn công của những kẻ cực đoan Hồi Giáo vào Nhà thờ lớn Cologne nổi tiếng thế giới trong đêm giao thừa.
Tại Berlin, dự kiến khoảng 4,500 cảnh sát sẽ giữ trật tự và tránh để bạo loạn xảy ra như một năm trước đây. Cảnh sát thủ đô nước Đức đã ban hành lệnh cấm sử dụng pháo nổ truyền thống trên một số đường phố trên khắp thành phố. Họ cũng cấm một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở khu phố Neukoelln của thành phố, nơi đã chứng kiến một số cuộc bạo loạn ủng hộ người Palestine.
Tại Paris, các quan chức hàng đầu cho biết hơn 1,5 triệu người dự kiến sẽ tham dự lễ kỷ niệm trên đại lộ Champs-Elysees, với khoảng 90,000 nhân viên chấp pháp được khai triển trên toàn quốc. Lễ kỷ niệm ở thủ đô của Pháp sẽ tập trung vào Thế vận hội Olympic Paris 2024, có nhạc DJ, pháo hoa, và trình chiếu video trên Khải Hoàn Môn.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times