Người cao niên ở Hoa Kỳ cảm thấy bị lừa dối khi lạm phát xóa nhòa những năm tháng vàng son của họ
Đối với gần 47 triệu người Mỹ, về hưu là thời điểm tốt nhất, và cũng là thời điểm tồi tệ nhất. Thật vậy, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện thời đang gây thiệt hại cho hàng triệu người cao niên trên toàn quốc đã buộc nhiều người phải nhìn lại những lựa chọn mà họ đã thực hiện trong suốt những năm làm việc chính thức của mình.
Họ đã tiết kiệm và đầu tư đủ chưa? Họ đã làm việc đủ giờ trong suốt sự nghiệp của mình chưa? Họ có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn phòng khi hữu sự không?
Lần lạm phát gần đây nhất ở mức cao như thế này, ông Dennis O’Connor, một người về hưu 82 tuổi ở Temecula, California, nói rằng ông và các đồng nghiệp của mình đã có thể vượt qua cơn bão giá tăng. Tuy nhiên, ngày nay họ có ít sự lựa chọn hơn.
“Khi sự kiện cuối cùng xảy ra cách đây 40 năm, chúng tôi có việc làm. Mối quan tâm lớn hơn cả là chúng tôi không thể lên kế hoạch nghỉ hưu lần thứ hai,” ông nói với The Epoch Times. “Khi quý vị trẻ hơn và đang làm việc, quý vị có thể hồi phục. Những người về hưu sẽ không bao giờ có sự lựa chọn đó.”
Trước khi về hưu, ông O’Connor từng là ủy viên hội đồng và là thị trưởng của Thành phố Oak Forest. Ông cũng từng là một giám đốc điều hành cao cấp của một số dự án lớn về cơ sở hạ tầng và môi trường của California.
Ông nói: “Giống như hầu hết những người về hưu, chúng tôi thuộc thế hệ Thầm lặng và Bùng nổ Trẻ sơ sinh, và nhiều người là con em của Thế hệ Vĩ đại nhất đã trải qua Đệ Nhị Thế chiến và cuộc Đại Khủng hoảng kinh tế.”
Ông lưu ý rằng, “Chúng tôi được yêu cầu tiết kiệm cho việc về hưu, đừng phụ thuộc vào An sinh Xã hội vì nhiều khi khoản tiền đó sẽ không tồn tại khi quý vị cần, đóng góp vào chương trình hưu trí 401(k) của một công ty nào đó hoặc là dành dụm tiền.”
Nhiều người về hưu phụ thuộc vào một khoản thu nhập cố định từ kế hoạch lương hưu của họ hoặc từ các tấm chi phiếu An sinh Xã hội và các khoản đầu tư cũng như dự trữ khẩn cấp của họ đang bị lạm phát tác động.
Ông O’Connor nói thêm rằng, “Giống như hầu hết những người về hưu ở Mỹ, tôi rất lo sợ,” khi lưu ý rằng nhiều người cao niên không có kinh nghiệm ứng phó với lạm phát và suy thoái trong thời gian về hưu.
Ông đặc biệt lo lắng về những người phụ nữ cùng thế hệ với mình.
“Họ gặp nhiều khó khăn hơn vì lương thấp hơn, thiếu các kế hoạch về hưu sẵn có, và hoàn cảnh gia đình tan vỡ.”
Ngoài ra, thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã có một năm khó khăn, và có thể phải mất một thời gian nữa thì các nhà đầu tư mới nhìn thấy danh mục đầu tư của họ phục hồi. Thị trường giá xuống đã dẫn đến việc định giá đầu tư giảm tới 20% đối với ông O’Connor. Các quỹ đầu tư tăng trưởng chủ động (aggressive fund) của ông đã giảm từ 35% đến 40%.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Hưu trí tại Đại học Boston, người Mỹ đã mất 1.4 ngàn tỷ USD trong các tài khoản 401 (k) và thêm 2 ngàn tỷ USD trong các tài khoản hưu trí cá nhân (IRA) trong nửa đầu năm nay.
Giờ đây, bóng ma suy thoái bao trùm cả nước, nên các thị trường càng gặp nhiều bất ổn hơn.
Ông O’Connor nói: “Đáng buồn thay, tôi và hầu hết những người đã về hưu đều nghĩ rằng tương lai của chúng tôi sẽ thoải mái, nhưng giờ đây điều đó đang bị nghi ngờ.”
Một cuộc khảo sát gần đây của Allianz cho thấy hơn một nửa số người Mỹ đang bị buộc phải giảm hoặc ngừng đóng góp vào các khoản tiết kiệm hưu trí của họ. 43% trong số những người này nói rằng họ đã dùng đến tiền tiết kiệm, trong khi 72% người Mỹ thuộc Thế hệ Bùng nổ Trẻ sơ sinh lo ngại rằng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch về hưu của họ.
Trở lại công việc
Thế hệ những người về hưu ngày nay đang chứng kiến mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ bị suy giảm bởi lạm phát dai dẳng và trên diện rộng. Giá xăng, giá tại các cửa hàng bách hóa, và hóa đơn tiền điện đều đã tăng hai con số trong năm nay.
KT Hundsen — bà đã chọn dùng một bí danh để bảo vệ danh tính của mình — 62 tuổi, sống ở ngoại ô Minneapolis, Minnesota. Bà và người chồng đã gắn bó với bà hơn ba thập niên sống rất trách nhiệm. Họ thanh toán các hóa đơn vào cuối mỗi tháng và không mang nợ. Cặp vợ chồng này đã trả hết khoản nợ vay vào mùa hè năm ngoái và tiết kiệm tiền trong khi không bao giờ bị bội chi.
Ông Hundsen nói với The Epoch Times: “Chúng tôi đã làm công việc tốt nhất có thể để chuẩn bị cho những năm tháng về già.”
Gia đình bà sống dựa vào một số nguồn thu nhập, trong đó có An sinh Xã hội, lương hưu của chồng bà, và một khoản niên kim mà hàng năm ông rút ra một số tiền nhất định từ đó. Vấn đề là thu nhập đã ít hơn họ dự đoán vì sự điều chỉnh chi phí sinh hoạt không gắn liền với lương hưu.
Chồng bà, 67 tuổi, đã về hưu hồi mùa hè năm ngoái. Nhưng nền kinh tế lạm phát đã buộc ông phải trở lại làm một người lao công tại nhà thờ. Mặc dù ông dự định chỉ làm việc 8 đến 10 giờ mỗi tuần, nhưng ông đã tăng gấp đôi số giờ làm của mình để giúp trang trải chi phí bảo hiểm sức khỏe 600-USD-mỗi-tháng của vợ mình.
Năm nay, khái niệm “không về hưu” đã trở nên phổ biến. Giống như chồng bà, nhiều người Mỹ cao niên đang quay trở lại lực lượng lao động hoặc từ bỏ hoàn toàn khái niệm về hưu. Theo dữ liệu do công ty quảng cáo tuyển dụng Bayard Advertising thu thập, 64% người trưởng thành từ 55 đến 64 tuổi đã quay trở lại lực lượng lao động trong mùa xuân vừa rồi. Một nghiên cứu của BlackRock phát hiện rằng khoảng 1/3 số người cao niên nghĩ rằng họ sẽ làm việc đến 70 tuổi hoặc không bao giờ về hưu.
Trong khi số tiền tăng thêm đã giúp ích rất nhiều cho gia đình bà Hundsens, thì họ còn nhận được một số đặc quyền khác từ nhà thờ.
Bà nói: “Nếu họ có thêm một gallon sữa, thì ông ấy có thể mang về nhà, và sau đó tôi sẽ làm pho mát.”
Bà cũng cảm thấy rằng mình nên làm việc, nhưng triển vọng việc làm với những kinh nghiệm bà có thì rất khó để tìm việc.
Trong khi đó, để đối phó với chi phí thực phẩm ngày càng tăng, bà Hundsen đang thực hiện những thay đổi khác, đặc biệt là sau khi chứng kiến sự tăng giá ổn định tại siêu thị. Bà thường mua thịt gà tây, nhưng giá thịt gà tây là 11.99 USD một pound tại cửa hàng bán đồ ăn nhanh, “vì vậy tôi đã không mua nó.” Bà đang thường xuyên chăm sóc vườn tược hơn và đóng hộp các thứ vào lọ.
“Tôi đang làm nhiều việc hơn những gì tôi trước đây từng làm,” bà nói. “Nhưng có giới hạn về những điều chỉnh mà chúng tôi có thể thực hiện.”
Khi thuế địa ốc tăng, giá xăng dầu tăng, và các chi phí cố định hàng tháng khác liên tục tăng, thì mọi thứ bắt đầu tăng lên.
Làm đúng mọi việc
Theo ước tính từ các kinh tế gia Bloomberg, chi phí lạm phát đã thêm hơn 5,000 USD mỗi năm vào ngân sách của các gia đình điển hình.
“Tôi cảm thấy rất bối rối vì chúng tôi nghĩ rằng mình đã làm đúng mọi việc,” bà Hundsen nói. “Chúng tôi không xa hoa. Chúng tôi không mua sắm quá nhiều. Chúng tôi đã lái xe hơi của mình trong 15 năm hoặc 20 năm. Chúng tôi không làm bất cứ điều gì cầu kỳ. Và, tôi chẳng hiểu tại sao nữa, thật khó tin.”
Bà nói thêm, “Nhưng tôi chắc rằng có những người còn trong tình cảnh tồi tệ hơn chúng tôi rất nhiều.”
Theo cô Clara Del Villar, giám đốc các sáng kiến cao cấp tại FreedomWorks Foundation, 40% người Mỹ không có tiền tiết kiệm khi về hưu.
“Vì vậy, điều đó có nghĩa là trong những thời điểm đầy biến động này và trong thời kỳ lạm phát, họ phải quay trở lại làm việc,” cô nói với The Epoch Times. “Kỹ năng của họ có thể không được cập nhật. Vì vậy, quý vị sẽ thấy họ xuất hiện nhiều hơn ở Walmart hoặc các cửa hàng bán lẻ lớn khác.”
Mặc dù bà Hundsen hy vọng tình trạng sẽ khá dần hơn, nhưng bà không lạc quan về khoản nợ mà chính phủ Hoa Kỳ đã dồn lên hai con trai bà và gia đình họ trong nhiều năm tới.
“Không có giải pháp tốt. Điều đó sẽ rất đau đớn,” bà Hundsen nói. “Thật chán nản khi nghĩ tới chuyện này, làm thế nào chúng ta có thể tự thoát ra khỏi cái hố đó?”
Gần đây, nợ quốc gia đã lên tới 31 ngàn tỷ USD, trong khi các khoản thanh toán lãi vay xấp xỉ 400 tỷ USD hồi năm ngoái. Nói cách khác, mỗi người nộp thuế phải trả khoảng 248,000 USD cho khoản nợ, và mỗi người trưởng thành phải chịu trách nhiệm cho gần 14,000 USD trong tổng số tiền lãi phải trả.
Những người Mỹ bị lãng quên
Mặc dù những câu chuyện của họ đều quá phổ biến trong môi trường này, nhưng ông O’Connor cảm thấy những người về hưu là những người bị lãng quên vì những khó khăn trong cuộc sống của họ không được các nhà bình luận tin tức, các biên tập viên, các nhà hoạch định chính sách, và đám đông mạng xã hội hiểu rõ.
“Chúng tôi không có phát ngôn viên nào hiểu được sự thiếu kiểm soát mà những người về hưu đang phải đối mặt,” ông nói. “Chúng tôi không được phép sai sót, và làm thế nào để quý vị định giá cho rất nhiều vấn đề liên quan đến cảm xúc?”
Ông O’Connor nói thêm: “Thật không may khi chúng tôi có các nhà lãnh đạo chính trị và giới truyền thông ít quan tâm đến giá trị của chúng tôi.”
Cô Del Villar cho biết thêm, chính thái độ thờ ơ này — và sau đó là một số [tâm lý khác] — đang được cảm nhận trên khắp đất nước.
“Tôi nghĩ rằng có nhiều sự tức giận hơn ở ngoài kia, điều này đang bị xem nhẹ trong giới truyền thông,” cô giải thích. “Tôi nghĩ rằng giới truyền thông đang thực sự hạ thấp sức tàn phá của lực lượng lạm phát này.”
Những người nhận An sinh Xã hội sẽ nhận được khoản phúc lợi tăng hơn 8% trong năm tới. Thật không may, theo cô Del Villar, điều này vẫn sẽ không giúp được những người cao niên hoặc những người về hưu, đặc biệt là trong những tháng mùa thu và mùa đông, vì chi phí năng lượng chung được dự báo sẽ tăng 20% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Đánh giá lại việc về hưu
Ông Laurence Kotlikoff, một giáo sư kinh tế tại Đại học Boston và là tác giả sách bán chạy nhất của New York Times, cho biết tình cảnh tuyệt vọng này khiến nhiều người cao niên gặp khó khăn và điều đó có thể dẫn đến một cuộc tranh luận rộng rãi hơn về tình hình về hưu.
Dù đó là tác động của thuế đối với các chi phiếu An sinh Xã hội hay công chúng không kiểm tra đầy đủ chương trình hưu trí 401 (k) của người sử dụng lao động của họ, đó đã là “một thử nghiệm thất bại” đối với quá nhiều người.
Xét đến việc dự trữ tiền mặt của Sở An sinh Xã hội dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2034 và các khoản nợ chưa có nguồn thanh toán vượt quá 163 ngàn tỷ USD, thì cuộc thảo luận đó có thể cần phải diễn ra sớm hay muộn mà thôi.
Lạm phát có mặt trong hầu hết mọi thành phần của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cổ phiếu bị mắc kẹt trong thị trường giá xuống, nền kinh tế sau đại dịch đang chậm lại, và thuế ngày càng tăng.
Những đặc điểm này của bối cảnh kinh tế hiện tại khiến quá nhiều người Mỹ cao niên đang xoay sở để tồn tại. Khoảng thời gian mà lẽ ra nên dành cho việc thư giãn, làm những điều họ yêu thích, và dành thời gian cho cháu chắt giờ đây đang được hàng triệu người về hưu hoặc sắp về hưu sử dụng để quay lại lực lượng lao động hoặc vắt kiệt từng xu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times