Người Canada gốc Hoa chia sẻ trải nghiệm bi thương về cuộc bức hại của ĐCSTQ ở Canada
Bà Trương cho biết sau khi lên tiếng công khai phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bà đã trở thành mục tiêu bị sách nhiễu trong nhiều năm.
Bà Trương Thiên Khiếu (Michelle Zhang), một người Canada gốc Hoa, đang kêu gọi chính phủ đưa ra biện pháp đối phó với hoạt động can thiệp ở ngoại quốc của Bắc Kinh. Bà cho biết bà và gia đình đã phải chịu đựng những mối đe dọa và sách nhiễu liên tục ở Canada trong 22 năm qua, điều mà bà khẳng định là cuộc đàn áp mở rộng của chính quyền này đối với việc bà thực hành môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Năm 2001, khi sống ở Vancouver, bà Trương cho biết bà đã trở thành mục tiêu trong nhiều năm sau khi lên tiếng công khai phản đối cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên Pháp Luân Công. Ví dụ, vào khoảng năm 2003, cửa sổ xe hơi của bà bị đập vỡ khi đậu qua đêm bên ngoài tòa nhà chung cư nơi bà sinh sống, và nhiều tháng sau, bà phát hiện ra ai đó đã đổ một lượng lớn chất thải ô uế lên ban công nhà bà.
“Tôi không có thù hằn với bất kỳ cá nhân nào cả và chỉ mới vừa chuyển đến căn hộ này cách đây không lâu. [Chỉ] có một vài người bạn biết nơi tôi sống. Vậy ai đã làm điều đó?” bà nói trong cuộc họp báo ở Đồi Nghị viện ở Ottawa hôm 25/10, tại đó Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada (FDAC) đã công bố một báo cáo nêu chi tiết về hoạt động can thiệp ở ngoại quốc của ĐCSTQ trong 24 năm qua nhắm vào những cư dân Canada tập Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần có nguồn gốc từ Phật gia. Môn tập này bao gồm năm bài công pháp tĩnh tại cùng với các nguyên tắc đạo đức tập trung vào nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn.” Lần đầu tiên được hồng truyền ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992, pháp môn này nhanh chóng trở nên phổ biến trong xã hội nhờ lợi ích sức khỏe mà môn tập mang lại. Dữ liệu chính thức của Trung Quốc ước tính số học viên theo tập Pháp Luân Công từ khoảng 70 triệu đến 100 triệu vào cuối những năm 1990.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân nhận thấy sự phổ biến của môn tập này là mối đe dọa đối với quyền kiểm soát toàn trị của chính quyền. Tháng 07/1999, ông ta đã phát động một chiến dịch bắt giữ và đàn áp hàng loạt học viên trên quy mô toàn quốc nhằm mục đích “xóa sổ” môn tu luyện này.
Đe dọa gia đình
Một sự việc đáng lo ngại hơn nữa đã xảy ra sau khi bà Trương chuyển đến Toronto vào tháng 06/2008.
Có một hôm bà đi ra ngoài, bà có nhờ một người bạn lớn tuổi đến nhà giúp bà trông giữ đứa con trai 4 tuổi và cô con gái 7 tuổi, bỗng nhiên một người đàn ông Trung Quốc cầm súng đến căn hộ trên tầng 18 của bà và yêu cầu bạn của bà giao nộp hai đứa bé cho ông ta. Bà Trương cho biết các con của bà đã trốn trong tủ quần áo cho đến khi người đàn ông đó bỏ đi.
Bà Trương cũng cho hay bà liên tục bị theo dõi. Bà nhận ra điều này sau khi nói chuyện với các bậc cha mẹ người Trung Quốc khác ở trường của con bà về các vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ và cuộc đàn áp Pháp Luân Công. “Không lâu sau, tôi nhận thấy một số người Trung Quốc liên tục để mắt đến tôi,” bà nói. “Họ đang theo dõi tôi từ xa.”
Những sự việc tương tự được ghi lại trong báo cáo của FDAC, trong đó nêu rõ ràng rằng “các học viên [Pháp Luân Công] luôn nằm trong tầm giám sát của các đặc vụ ĐCSTQ ở Canada.”
Báo cáo lưu ý rằng sự hiện diện liên tục của một số cá nhân ở những nơi mà các học viên thường xuyên lui tới làm dấy lên cảnh báo rằng những cá nhân này có thể “có liên quan đến các hoạt động giám sát của lãnh sự quán Trung Quốc.” Những nơi đó có thể là điểm luyện công của các học viên hoặc những địa điểm mà họ tình nguyện dành thời gian của mình để cho người qua đường biết về hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
“Ngay cả ở Canada, tôi cũng bị người của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sách nhiễu,” bà Trương cho hay.
Bà kêu gọi chính phủ Canada “chú ý nhiều hơn đến sự can thiệp của ĐCSTQ” ở Canada. Bà lưu ý rằng nếu các hoạt động của ĐCSTQ không được giải quyết, họ có thể “trở thành mối đe dọa đối với nhiều công dân Canada hơn nữa.”
Các thành viên trong gia đình bà Trương ở Trung Quốc cũng phải chịu sự sách nhiễu của chính quyền cộng sản vì họ tu luyện Pháp Luân Công. Em rể của bà, ông Trâu Tùng Đào (Songtao Zou), bị cấm đi làm. Ông đã bị tra tấn và qua đời trong trại lao động ở Trung Quốc hồi tháng 11/2000, theo bài báo trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Em gái của bà Trương, là bà Trương Vân Hạc (Yunhe Zhang), đã bị bắt giữ vì phân phát tài liệu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Mặc dù bà đã tìm cách trốn thoát khỏi đồn công an nhưng sau đó bà đã mất tích và không còn tin tức gì kể từ năm 2001.
Can thiệp rộng khắp
Những thử thách gian nan mà bà Trương và các thành viên trong gia đình phải gánh chịu do cuộc đàn áp và bức hại xuyên quốc gia của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công nằm trong số hàng chục trường hợp được ghi lại trong báo cáo của FDAC. Báo cáo làm sáng tỏ nhiều trường hợp ở Canada, trong đó các cá nhân hoặc tổ chức tham gia công kích, uy hiếp, sách nhiễu, và xa lánh xã hội bằng cả lời nói lẫn hành động đối với những người theo tập môn tu luyện tinh thần này.
Báo cáo của FDAC tuyên bố rằng chiến dịch của ĐCSTQ nhằm xóa sổ Pháp Luân Công “kéo theo một số hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất, bao gồm cả thu hoạch nội tạng cưỡng bức, vốn được xem là cấu thành tội ác phản nhân loại và có khả năng bị khép vào tội diệt chủng.”
Ngoài ra, báo cáo lưu ý rằng, nhằm theo đuổi mục tiêu thay đổi nhận thức của công chúng về Pháp Luân Công và giảm bớt sự ủng hộ của công chúng đối với lời kêu gọi công lý và nhân quyền của các học viên, ĐCSTQ đã tham gia vào một hoạt động gây ảnh hưởng ở hải ngoại “ngày càng bành trướng và gây tác động tiêu cực đến toàn thể công chúng Canada nói chung.” Điều này bao gồm giới chính trị gia cùng nhiều khía cạnh khác của đời sống dân sự, xã hội, và chính trị ở Canada.
Đáng chú ý là, báo cáo cho biết các hoạt động can thiệp này thường có liên quan đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Trung Quốc hoặc cánh tay can thiệp ngoại quốc của nhà cầm quyền nước này, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD).
Báo cáo cho biết, “UFWD mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình bằng cách thao túng các câu chuyện trong cộng đồng Hoa kiều và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Bằng cách tận dụng các nguồn lực đáng kể, cơ quan này đã vận động các nhóm Hoa kiều khác nhau để thúc đẩy lợi ích của ĐCSTQ thông qua việc khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và thúc đẩy kết nối văn hóa, từ đó hướng họ vào các câu chuyện của ĐCSTQ.”
“Hoạt động kín đáo trong các lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc, UFWD hướng dẫn các nhóm bình phong của mình ngăn chặn tiếng nói từ các học viên Pháp Luân Công và các nhóm bất đồng chính kiến khác.”
Kêu gọi hành động
FDAC đề xướng một loạt khuyến nghị nhằm ứng phó với sự can thiệp ở hải ngoại và đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ. Điều này bao gồm việc kêu gọi chính phủ công khai lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền này và bảo đảm trách nhiệm ngoại giao bằng cách trừng phạt các nhà ngoại giao và quan chức phái đoàn Trung Quốc bị phát hiện có liên quan đến các hoạt động thâm nhập và đàn áp ở Canada.
Trong cuộc họp báo hôm 25/10, đại diện FDAC Grace Wollensak nhấn mạnh sự cần thiết của chính phủ liên bang trong việc chủ động bảo vệ công dân Canada khỏi sự can thiệp ở ngoại quốc của ĐCSTQ. Bà cho biết điều làm nên sự khác biệt của cuộc đàn áp Pháp Luân Công là trong mỗi phái bộ của Trung Quốc trên toàn thế giới đều có một “Nhóm Công tác Đặc biệt Chống Pháp Luân Công” ở quốc gia sở tại.
Các thành viên của nhóm công tác này thực hiện các hoạt động bao gồm gây áp lực lên các chính phủ và tổ chức của quốc gia sở tại để không tán dương hay công nhận Pháp Luân Công mà thay vào đó ngăn chặn những học viên của môn tập này tham gia vào các hoạt động dân sự như diễn hành. Họ cũng nỗ lực vận động những người nhập cư Trung Quốc, doanh nghiệp của họ, và sinh viên Trung Quốc ở quốc gia sở tại viết thư khiếu nại Pháp Luân Công nhằm gây ảnh hưởng đến các tổ chức và quan chức dân cử của quốc gia sở tại để họ không ủng hộ Pháp Luân Công.
Ngoài ra, họ còn kiểm soát các phương tiện truyền thông địa phương của Trung Quốc và sử dụng sinh viên Trung Quốc, thông qua ép buộc hoặc tài trợ, để vu khống và tẩy chay các học viên Pháp Luân Công cũng như thu thập thông tin tình báo từ cộng đồng Pháp Luân Công.
Bà Wollensak nói, “Việc ĐCSTQ mở rộng cuộc đàn áp Pháp Luân Công sang Canada không chỉ đe dọa đến sự an toàn và an ninh của cộng đồng Pháp Luân Công mà còn làm xói mòn các giá trị căn bản và nền quản trị tốt đẹp của xã hội Canada.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times