Bài viết chuyên sâu: Sự can thiệp bí mật và ngày càng gia tăng của ĐCSTQ ở Canada
Báo cáo do Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada công bố nêu chi tiết các chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để can thiệp ở ngoại quốc.
Khi sự can thiệp của Trung Quốc vào Canada ngày càng thu hút sự giám sát, một báo cáo mới nêu chi tiết cách chế độ cộng sản này gây ảnh hưởng đến các chính trị gia và đè bẹp các nhóm bị đàn áp. Đáng chú ý, Báo cáo nêu bật những nỗ lực không ngừng nhằm trấn áp sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công cũng như nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công nhằm chấm dứt cuộc đàn áp, vốn bắt đầu từ năm 1999, đối với môn tu luyện tâm linh này.
Báo cáo dài 130 trang do Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada (FDAC) công bố hôm 25/10, nêu chi tiết các chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc can thiệp tới ngoại quốc, chủ yếu nhắm vào các học viên Pháp Luân Đại Pháp, còn gọi là Pháp Luân Công, ở Canada.
Chủ yếu là các phái bộ ngoại giao của Trung Cộng sẽ thực hiện các thủ đoạn này. Họ ép buộc các chính trị gia, truyền bá thông tin sai lệch, mạo danh các học viên Pháp Luân Công để làm mất uy tín của nhóm này, theo dõi các học viên Pháp Luân Công, và tìm cách loại họ khỏi các sự kiện cộng đồng. Họ cũng tổ chức các cuộc tấn công mạng, cũng như quấy rối, đe dọa, và hành hung các học viên Pháp Luân Công.
Báo cáo nhấn mạnh sự thay đổi dần trong các thủ đoạn của ĐCSTQ trong hai mươi tư năm qua. Báo cáo cho biết FDAC đã “quan sát thấy cách tiếp cận thẳng thừng trước đây của phái bộ Trung Cộng đối với các chính trị gia và quan chức Canada nay đã trở nên tinh vi và bí mật hơn.”
Báo cáo trích dẫn những sự kiện quan trọng thúc đẩy sự thay đổi này. Năm 2004, Phó Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Toronto Phan Tân Xuân (Pan Xinchun) bị buộc tội phỉ báng một học viên Pháp Luân Công trên tờ Toronto Star. Năm 2005, đơn vị chống thù ghét của Cảnh sát Edmonton đã thừa nhận các tài liệu do Lãnh sự quán Trung Quốc ở Calgary phát tán là những tài liệu tuyên truyền thù hận và đề nghị truy tố hai nhà ngoại giao có liên quan vì “cố ý kích động thù hận” nhắm vào Pháp Luân Công.
Báo cáo cho biết một yếu tố góp phần vào sự thay đổi này là sự phản kháng công khai của các quan chức Canada khi họ chứng kiến sự can thiệp của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công.
FDAC báo cáo rằng, trong nỗ lực trốn tránh sự giám sát, các phái bộ Trung Cộng ngày càng đưa nhiều các đặc vụ và tay chân của mình để thâm nhập vào các cơ quan chính trị ở quốc gia sở tại, gây ảnh hưởng đến các chính trị gia, và phát tán các thư điện tử giả mạo, giả dạng là các học viên Pháp Luân Công.
Những thủ đoạn của phái bộ Trung Cộng
Báo cáo của FDAC cho biết, các nhà ngoại giao Trung Cộng đã rất nỗ lực để định hình quan điểm của các chính trị gia Canada về Pháp Luân Công, thường đưa ra những lời đe dọa rằng việc không tuân thủ theo yêu cầu của chế độ này có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ thương mại Canada-Trung Quốc.
Chẳng hạn như, vào năm 2003, Đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Canada Chu Quang Hữu (Chu Guangyou) được cho là đã viết thư cho Dân biểu Đảng Tự do Canada Jim Peterson. Bức thư đó có nội dung được cho là đã truyền tải sự nhạy cảm của vấn đề Pháp Luân Công và ảnh hưởng tiềm tàng của môn tu luyện này đối với quan hệ Canada-Trung Quốc. Ông Chu tuyên bố: “Tôi hy vọng các ngài và chính phủ của các ngài sẽ hiểu lập trường của chúng tôi và cảnh giác trước mọi nỗ lực của Pháp Luân Công nhằm gây nguy hiểm cho mối quan hệ song phương của chúng ta,” theo một bài báo hồi năm 2004 trên tờ National Post mà FDAC trích dẫn trong báo cáo của mình. Được biết, bức thư này còn kèm theo một một kiện hàng chứa các tài liệu chống Pháp Luân Công.
FDAC đã ghi nhận nhiều vụ việc trong đó các tài liệu tương tự đã được phân phát cho các chính trị gia Canada khác.
Năm 2001, một Dân biểu tỉnh bang British Columbia đã viết thư cho ông Mai Bình (Mei Ping), đại sứ Trung Quốc lúc bấy giờ tại Canada, để bày tỏ mối lo ngại về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Đáp lại, vị dân biểu này đã nhận được một bức thư dài ba trang có nội dung phỉ báng và các tài liệu chống Pháp Luân Công khác từ ông Mai. Báo cáo của FDAC bao gồm một bản sao của bức thư này, được đóng dấu khi gửi tới Hạ viện vào ngày 14/06/2001. Danh tính của vị dân biểu đã được che đi trong bản đệ trình.
Nhóm công tác chống Pháp Luân Công của ĐCSTQ
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tâm linh bắt nguồn từ những truyền thống của Phật gia. Ngoài năm bài tập thiền định, môn tu luyện còn nhấn mạnh đến việc phát triển nhân cách đạo đức, tập trung vào các nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn.”
Nhờ mang lại cho người tập luyện những lợi ích về sức khỏe, Pháp Luân Công đã nhanh chóng trở nên phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc sau khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992. Dữ liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc ước tính rằng có khoảng 70 triệu đến 100 triệu công dân Trung Quốc tập luyện Pháp Luân Công vào cuối những năm 1990.
Tuy nhiên, ông Giang Trạch Dân, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ, nhận thấy sự phổ biến của môn tập luyện này là mối đe dọa đối với quyền kiểm soát độc tài của chế độ Trung Cộng. Vào tháng 07/1999, ông đã phát động một chiến dịch bắt giữ và đàn áp hàng loạt trên toàn quốc với mục đích xóa sổ môn tu luyện này. Để thực hiện chiến dịch này, ĐCSTQ đã thành lập các cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, đặc biệt là Phòng 610, với nhiệm vụ cụ thể là tiêu diệt Pháp Luân Công.
Dưới sự quản lý của Phòng 610, một nhóm công tác đặc biệt chống Pháp Luân Công cũng được thành lập với nhiệm vụ cụ thể là đàn áp các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc.
Như được trích dẫn trong báo cáo của FDAC, nhà ngoại giao trước đây của Trung Quốc Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), một người đào tẩu nổi tiếng từng giữ chức vụ cao cấp trong Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, Úc, trước khi đào tẩu vào năm 2005, đã ra làm chứng về sự tồn tại của nhóm công tác này.
Trong bản khai hữu thệ năm 2008 được đệ trình lên Tòa án Tối cao British Columbia, ông Trần tiết lộ rằng nhóm công tác này có mặt trong mọi lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc ở các quốc gia trên thế giới, nơi có các học viên Pháp Luân Công. Ông cũng xác nhận bản thân ông là thành viên của nhóm công tác trong thời gian làm quan chức phụ trách các sự vụ chính trị tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney.
Ông Trần cho biết, các nhà ngoại giao Trung Quốc trong đơn vị đặc biệt này được giao trách nhiệm gây áp lực lên các chính trị gia ở quốc gia sở tại để họ tránh tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công, tránh đưa ra sự tán thành hoặc tuyên bố công khai ủng hộ Pháp Luân Công, và loại các học viên khỏi các sự kiện dân sự.
Trích dẫn hồ sơ từ một cuộc họp của nhóm công tác vào tháng 02/2001, được đính kèm với bản khai của mình, ông Trần chỉ ra rằng đơn vị đặc biệt này sử dụng một số chiến thuật khác để nhắm vào cộng đồng Pháp Luân Công ở Úc. Các chiến thuật đó là huy động cộng đồng người Hoa ở địa phương, các doanh nghiệp, và sinh viên viết thư cho chính phủ, sở cảnh sát, Bộ Ngoại giao và các bộ thương mại Úc để khiếu nại về các cuộc biểu tình của Pháp Luân Công được tổ chức trước Lãnh sự quán Trung Quốc nhằm kêu gọi công lý.
Một đơn vị tương tự của ĐCSTQ hoạt động ở Canada đã bị vạch trần vào tháng 04/2007. Bà Trương Kế Diên (Zhang Jiyan) một người đào thoát và là vợ của một nhà ngoại giao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa, đã tiết lộ sự tồn tại của một nhóm 10 người có nhiệm vụ “chống Pháp Luân Công” ở Canada. Báo cáo của FDAC cho biết nhóm này hoạt động dưới sự lãnh đạo của một tham tán công sứ chính trị của Trung Cộng.
Tìm kiếm sự ủng hộ của các chính trị gia
FDAC đã bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” liên quan đến một số chính trị gia Canada mà họ cho rằng đã đồng hành với những nỗ lực của chính quyền Trung Cộng nhằm gạt bỏ cộng đồng Pháp Luân Công ở Canada.
Báo cáo đề cập đến nhiều bài báo truyền thông nêu bật về ông Michael Chan, cựu Dân biểu của Ontario hiện đang giữ chức phó thị trưởng Markham, Ontario, là một chính trị gia được coi là “thân cận với chế độ Trung Quốc.” Ông Chan đã lên tiếng ủng hộ việc Bắc Kinh đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông. Theo tờ The Globe and Mail, ông Chan cũng được cho là đã gặp các đặc vụ tình báo Trung Quốc bị nghi ngờ tham gia các hoạt động liên quan đến chiến dịch bầu cử liên bang năm 2019 và 2021 của Canada.
Một chính trị gia khác được nhắc đến trong báo cáo của FDAC là Dân biểu của Ontario, ông Vincent Ke. Theo báo cáo, ông Ke bị cáo buộc đã ngăn cản các dân biểu khác bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công. Thông tin này được một dân biểu khác của Ontario tiết lộ cho các thành viên của cộng đồng Pháp Luân Công vào đầu năm 2023.
Vào tháng 03/2023, ông Ke đã từ chức khỏi nhóm họp kín của Đảng Bảo thủ Cấp tiến cầm quyền ở Ontario sau khi một bài báo trên Global News cáo buộc rằng ông là một phần trong mạng lưới can thiệp bầu cử của Trung Quốc ở Canada. Ông Ke đã phủ nhận các cáo buộc và đã khởi kiện Global News về tội phỉ báng.
Mạo danh
Theo báo cáo của FDAC, một chiến thuật gần đây hơn được ĐCSTQ áp dụng để làm mất uy tín của Pháp Luân Công là việc mạo danh những người theo môn tập này để gửi những thư điện tử kỳ quái và đôi khi mang tính đe dọa hoặc xúc phạm đến các chính trị gia và doanh nghiệp Canada.
Báo cáo của FDAC lưu ý rằng những quan chức Canada ít hiểu biết hoặc ít tiếp xúc với cộng đồng Pháp Luân Công là những người dễ bị ảnh hưởng nhất trước các chiến dịch đe dọa và thông tin sai lệch của ĐCSTQ. Ngược lại, báo cáo nêu rõ rằng “các quan chức nắm rõ hơn về Pháp Luân Công có thể nhận ra sự giả dối và bản chất tuyên truyền trong nội dung những bức thư đó và sẽ tìm kiếm thông tin rõ ràng và kịp thời từ các học viên.”
Theo trích dẫn trong báo cáo của FDAC, những chính trị gia đã nhận được “thư điện tử giả” từ các cá nhân mạo danh học viên Pháp Luân Công bao gồm Dân biểu Đảng Tự do Judy Sgro, người đồng chủ trì nhóm hữu nghị quốc hội Những Người bạn của Pháp Luân Công trong Nghị viện Canada; Dân biểu Đảng NDP Peter Julian; Dân biểu Đảng Bảo thủ Scott Reid; và cựu Thủ hiến tỉnh bang Alberta, ông Jason Kenney. Bà Chrystia Freeland, Bộ trưởng Ngân khố kiêm Phó Thủ tướng, cũng được cho là đã nhận được một thư điện tử tương tự vào năm 2017 trong nhiệm kỳ của bà khi đang là bộ trưởng ngoại giao.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times