Ngoại trưởng Blinken: Hoa Kỳ hiện không thảo luận về thỏa thuận hạt nhân với Iran
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ hiện không thảo luận về các vấn đề hạt nhân với Iran.
Iran, một đối thủ địa chính trị hàng đầu của Hoa Kỳ chỉ sau Nga và Trung Quốc, từ lâu đã được xem là một nguy cơ cao đối với việc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận với Iran, với tên gọi “Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung” (JCPOA), mà ông Obama và những người ủng hộ khác cho biết sẽ bảo đảm rằng chương trình hạt nhân của Iran vẫn tương đối kém phát triển. Mục tiêu của JCPOA là bảo đảm Iran bị hạn chế năng lượng hạt nhân bằng cách giữ uranium được làm giàu ở mức độ cao, vốn có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân với số lượng lớn, ngoài tầm tay của quốc gia Hồi Giáo cách mạng này.
Những người phản đối nói rằng thỏa thuận này là không đủ để phòng ngừa rủi ro nói trên.
Trong bối cảnh Đảng Cộng Hòa phản đối mạnh mẽ và liên tục thỏa thuận năm 2015, vào năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận. Vào thời điểm đó, ông Trump gọi đây là “một trong những giao dịch tồi tệ nhất và phiến diện nhất mà Hoa Kỳ từng tham gia,” đồng thời nói rằng Iran đã vi phạm thỏa thuận trên “tinh thần” thông qua việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, bằng chứng cho thấy Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân trong vòng 12 tháng, và các hành vi khác mà ông Trump cho là vi phạm thỏa thuận.
Tổng thống Joe Biden đã tìm cách đưa Hoa Kỳ trở lại thỏa thuận với Iran, nhưng vẫn chưa thành công do bị đối thủ này trì hoãn.
Trong lần xuất hiện hôm 23/07 trên chương trình “Fareed Zakaria GPS” của CNN, ông Blinken thú nhận rằng, bất chấp kỳ vọng của ông Biden về việc tái tham gia thỏa thuận, Hoa Kỳ hiện không theo đuổi các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Ông Blinken cho rằng đó là do Iran ngoan cố và ông Trump đã rút khỏi hiệp ước mà không thảo luận về vấn đề này.
“Hãy để tôi hỏi ông về Iran,” ông Zakaria nói trong cuộc phỏng vấn với ông Blinken. “Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden nói (nguyên văn) sẽ quay lại thỏa thuận với Iran. Ông đã không làm điều đó. Ông đã cố gắng tìm kiếm … một thỏa thuận tốt hơn, nhưng điều đó chẳng đi đến đâu. Tại thời điểm này, theo một số ước tính, chẳng bao lâu nữa Iran sẽ có khả năng làm giàu uranium, đặt nước này vào con đường dẫn đến … khả năng vũ trang hóa hạt nhân. Ông đã từng chỉ trích ông Donald Trump vì đã để Iran đi đến gần mức đó. Đó không phải là một lời chỉ trích công bằng đối với ông và chính phủ của ông sao, ông đã không làm được gì để rút ngắn điều đó?”
Ông Blinken đáp lại bằng cách chỉ trích ông Trump, nói rằng: “Đầu tiên, việc rút khỏi thỏa thuận đó là một sai lầm khủng khiếp, bởi vì chúng tôi đã đặt chương trình hạt nhân của Iran vào tình thế khó khăn. Bây giờ, ông nói hoàn toàn đúng, chương trình đó đã không bị kiềm chế.”
Ông Zakaria đặt thêm một câu hỏi về việc Hoa Kỳ có tham gia lại thỏa thuận năm 2015 hay không.
“Đó chính là những gì chúng tôi muốn làm. Và chúng tôi đã làm việc, tham gia tích cực,” ông Blinken trả lời và nêu lên các nỗ lực quốc tế có sự tham gia của Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, và Nga “để xem liệu chúng ta có thể quay lại cùng nhau tuân thủ JCPOA hay không.”
“Nhưng công bằng mà nói, ông đã yêu cầu những điều kiện mới,” ông Zakaria nói.
“Thực ra, không … về căn bản, những gì chúng tôi cố gắng làm là quay trở lại thỏa thuận hiện có với một số sửa đổi khiêm tốn. Một thỏa thuận đã được thảo luận. Iran có thể nói đồng ý hoặc không.”
Ông Blinken nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ thể hiện sức mạnh trong các cuộc đàm phán này khi cho biết họ sẽ không “thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào” không “đáp ứng các mục tiêu an ninh [và] lợi ích của chúng ta.” Nhưng ông nói rằng Iran đã từ chối quay trở lại thỏa thuận.
“Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện một nỗ lực hết sức thiện chí cùng họ để trở lại tuân thủ các quy định đó. Họ đã không thể hoặc không làm điều đó.”
Ông Blinken nói: “Chúng ta đang ở trong tình cảnh mà chúng ta đang không bàn luận về thỏa thuận hạt nhân.” Ông nói rằng Hoa Kỳ đang thực hiện một cách tiếp cận rộng rãi hơn để làm dịu mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Iran thông qua ngoại giao và giảm leo thang.
“Chúng tôi đang truyền đạt rất rõ ràng với họ rằng họ cần thực hiện các hành động giảm leo thang, chứ không phải làm leo thang những căng thẳng vốn có trong mối bang giao của chúng ta trên nhiều phương diện,” ông Blinken nói. “Chúng ta sẽ xem liệu họ có làm như vậy không. Có lẽ chúng ta sẽ có một môi trường mà chúng ta có thể quay lại một cuộc thảo luận về chương trình hạt nhân của họ. Nhưng ngay bây giờ, chúng ta không nằm trong môi trường như thế.”
Tuy nhiên, ông nói rằng Bộ Ngoại giao và các quan chức quốc phòng khác đang tiếp tục hành động “để đưa ra mọi phương án khả thi nhằm giải quyết một vấn đề … nếu phương pháp đó cho thấy hiệu quả.”
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi JCPOA, Iran đã làm dấy lên tranh cãi với các bên ký kết khác về việc phát triển công nghệ máy ly tâm vốn cho phép làm giàu uranium-235.
Uranium được làm giàu ở mức thấp, với ít hơn 20% uranium-235, thì gây ra ít mối đe dọa vũ khí hơn. Nhưng uranium ở mức độ làm giàu cao hơn có thể tạo ra phản ứng phân hạch mạnh hơn nhiều.
Theo báo cáo năm 2020 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Iran nắm giữ lượng uranium làm giàu cao gấp 12 lần so với lượng mà JCPOA cho phép. Ngoài ra, báo cáo cho thấy Iran đang xây dựng các cơ sở mới dưới lòng đất gần Natanz, nơi đặt cơ sở làm giàu hạt nhân chính của nước này.
Iran cũng gợi ý rằng họ hy vọng sẽ xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân cỡ trung bình trong tương lai và mở rộng các hoạt động khai thác uranium.
Nhưng ông Blinken đã đánh giá thấp những lo ngại này, nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của họ tin tưởng rằng, mặc dù Iran có thể đang gia tăng làm giàu uranium nhưng nước này không theo đuổi các vũ khí hạt nhân thực sự.
“Tất nhiên, hãy nhớ rằng vật liệu phân hạch — vốn là mục đích của thỏa thuận này — là một phần quan trọng,” ông Blinken nói, đề cập đến vật liệu ở các mức làm giàu đủ cao để trải qua quá trình phân hạch hạt nhân, quá trình được sử dụng trong vũ khí hạt nhân. “Việc vũ trang hóa [hạt nhân], thực sự có một thiết bị nổ, lại là chuyện khác.”
“Theo đánh giá tốt nhất của chúng tôi và của nhiều nơi khác, họ đã không theo đuổi công việc đó trong một số năm.”
“Nếu họ khởi động lại phần đó của chương trình và hai điều này kết hợp với nhau, thì sẽ trở thành một vấn đề thậm chí còn cấp bách hơn,” ông thừa nhận. “Nhưng chúng tôi đang thực hiện một loạt các nỗ lực để đẩy lùi họ nhằm bảo đảm rằng chúng tôi có khả năng răn đe mạnh mẽ, để bảo đảm rằng chúng tôi gây ra áp lực thích hợp và sau đó để xem liệu chúng tôi có quay lại cơ hội để có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân hay không.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times