Ngô trạng nguyên phẩm hạnh thanh cao, dùng lòng chí thành đối đãi với bằng hữu
Ngô Khoan có vài khoảnh ruộng, từng dùng để cứu giúp những bằng hữu thân thích có hoàn cảnh khó khăn. Ông dùng tấm lòng chí thành để đối đãi với bằng hữu, trong dòng sông dài của lịch sử cũng đã lưu lại không ít câu chuyện được người đời ca tụng.
Trong số các Trạng Nguyên thời nhà Minh có một vị tên gọi là Ngô Khoan, tự Nguyên Bác, hiệu là Bào Am, người vùng Trực Lệ, huyện Trường Châu (nay là thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô). Ông thuở trẻ đã ham học, không sách nào chưa từng đọc qua, kiến thức vô cùng uyên bác. Ông đặc biệt yêu thích “Tả truyện”, “Hán thư” và các tản văn của các tác gia nổi tiếng thời Đường – Tống, ông cũng rất yêu thích văn chương của Tô Thức. Ngô trạng nguyên còn giỏi thư pháp, có sở trường mô phỏng phong cách thư pháp “mộc mạc đoan chính, tao nhã phong phú” của Tô Thức.
Dưới thời Minh Hiến Tông, năm Thành Hóa thứ 8 (năm 1472), Ngô Khoan với tài học xuất chúng đã lần lượt đỗ đầu các kỳ thi Hội và thi Đình, trở thành vị trạng nguyên thứ 2 đến từ Tô Châu dưới triều đại nhà Minh. Ông từng làm thầy dạy của hai đời vua Minh Hiếu Tông và Minh Vũ Tông, về sau làm quan đến chức Lễ bộ thượng thư. Vào năm Hoằng Trị thứ 7 (năm 1504), Ngô Khoan đã 70 tuổi và qua đời lúc đang tại chức. Minh Hiếu Tông sau khi hay tin thì phái quan viên đến lo liệu việc tang lễ, truy tặng chức Thái tử thái bảo, thụy hiệu là “Văn Định”.
“Minh sử” đánh giá Ngô Khoan là người có phẩm hạnh thanh cao, không bị dao động bởi những lời gièm pha của người khác, đối với bản thân lại vô cùng nghiêm khắc. Gia cảnh giàu có dư dả, phụ thân muốn ông ngồi xe ngựa đến trường tư cách xa nhà để học tập, nhưng mỗi lần như vậy ông đều từ chối, từ đầu chí cuối đều đi bộ. Từ lúc chưa đỗ đạt Trạng nguyên, tài văn chương của Ngô Khoan đã nổi tiếng khắp xa gần, hơn nữa còn được các quan lại quý nhân hết sức sùng bái. Tuy nhiên, khi được họ mời gặp mặt thì Ngô Khoan đa phần đều từ chối.
Ngô Khoan có vài khoảnh ruộng, từng dùng để cứu giúp những bằng hữu thân thích có hoàn cảnh khó khăn. Ông dùng tấm lòng chí thành để đối đãi với bằng hữu, trong dòng sông dài của lịch sử cũng đã lưu lại không ít câu chuyện được người đời ca tụng.
Sau khi Ngô Khoan đỗ đạt Trạng nguyên thì làm quan tại kinh thành. Người bạn đồng hương của ông là Hạ Kỳ Vinh từng đỗ Giải nguyên trong kỳ thi Hương, nhưng mấy lần tham gia kỳ thi Hội đều không đỗ đạt. Hạ Kỳ Vinh do đó mà trường kỳ lưu lại kinh thành, không muốn trở về nhà.
Một ngày, Hạ Kỳ Vinh đột nhiên mắc phải bệnh lao, bệnh tình vô cùng nghiêm trọng. Ngô Khoan sau khi hay tin vội đón Hạ Kỳ Vinh đến tư dinh của mình, đồng thời chuẩn bị thuốc thang giường đệm riêng cho Kỳ Vinh. Mỗi ngày ông đều đến thăm hỏi, dốc hết khả năng để giúp Kỳ Vinh sớm khỏi bệnh.
Ngô Khoan còn sáng tác bài văn “Cẩn tật châm” cho Hạ Kỳ Vinh, khuyên nhủ Hạ Kỳ Vinh nên quý tiếc thân thể, bởi vì thân này là “phụ mẫu để lại”, là “nơi nương tựa của thê tử”. Ngô Khoan nhắc nhở Kỳ Vinh nên tránh xa vấn đề sắc dục và dục vọng ăn uống; cần học cách dưỡng khí, bởi vì “đa ngôn tắc thương khí” (Tạm dịch: nói nhiều sẽ làm tổn thương nguyên khí), vì vậy “dục dưỡng khí giả ngôn bất phí” (tạm dịch: người muốn dưỡng khí thì không nói lời thừa thãi), cần ít nghĩ ngợi, bởi vì “đa tư tắc tổn huyết” (tạm dịch: suy nghĩ nhiều sẽ tổn thất lượng máu). Ngoài ra, trong lòng không được tích tụ lo âu, không được hành lạc quá độ, cơ thể không được quá lao lực, ít sử dụng tinh khí thần.
Cuối cùng, trong bài châm, Ngô Khoan đã nhắc đến phương pháp phòng bệnh của Khổng Tử, đó chính xem việc phòng bệnh như đánh trận. “Phỉ tật thị cẩn, duy đức chi sùng. Cẩn tật chi thuật, cẩn đức chi công”, tức là để phòng bệnh tật, thì nên tôn sùng đạo đức; phương pháp phòng bệnh đó chính là chú trọng vào việc đề cao phẩm đức của tự thân.
Để bằng hữu được khỏi bệnh, Ngô Khoan đã cân nhắc đến mọi phương diện. Tuy nhiên, Hạ Kỳ Vinh vẫn qua đời vì bệnh, Ngô Khoan đã ra mặt xuất tiền tài để cử hành tang lễ, mua sắm tang phục và quan tài cho Hạ Kỳ Vinh theo lễ nghi. Mỗi khi có khách đến chia buồn, Ngô Khoan đều đích thân đáp tạ. Trong thời gian khâm liệm, Ngô Khoan sớm tối ra vào hành lễ trước linh cửu, hơn nữa còn phục tang cho Hạ Kỳ Vinh suốt một tháng.
Trong thời gian này, Ngô Khoan còn thu dọn sắp xếp di vật của Hạ Kỳ Vinh rồi niêm phong kỹ càng, đợi đến sau khi tang sự hoàn tất thì đích thân hộ tống linh cửu và đưa di vật trở về quê hương.
Việc Ngô Khoan dùng tấm lòng chí thành để đối đãi với bằng hữu không chỉ thể hiện trong câu chuyện trên đây, mà trong sử sách còn ghi chép một câu chuyện khác.
Hà Canh là một tiền bối từng có mối quan hệ giao du qua lại với Ngô Khoan. Lúc Hà Canh làm quan tri huyện tại huyện Lạc Hội, Hải Nam thì bị bãi chức, vì túng thiếu nên không cách nào quay trở về quê nhà, chỉ có thể phiêu bạt tại vùng Hải Nam. Lúc này, ông không biết rằng em trai và cháu mình ở Tô Châu vì để giúp đỡ ông đã nợ quan phủ rất nhiều tiền. Quan Tuần phủ Mưu Bổng đã ra hịch văn kết tội Hà Canh.
Sau khi Hà Canh trải qua những tháng ngày nguy nan, ở vùng đất viễn phương hoang vắng, vượt mấy nghìn dặm đường quay trở về quê nhà thì bị bắt giam vào ngục.
Ngô Khoan sau khi về nhà thì biết được chuyện này, ông đích thân đến quan phủ thỉnh cầu, hy vọng có thể miễn trừ hình phạt đòn roi cho Hà Canh, hơn nữa còn dốc hết của cải và thu gom thêm một ít tiền để thay Hà Canh trả khoản nợ cho quan phủ, Hà Canh nhờ vậy mà được phóng thích. Sau khi Hà Canh gặp được Ngô Khoan đã cảm kích đến rơi lệ. Biết được Hà Canh muốn đón vợ con đến Hải Nam, Ngô Khoan lại lần nữa khẳng khái giúp đỡ.
Quả thật, rộng rãi và chân tình đối với bằng hữu như vậy, có được một người bằng hữu như Ngô Khoan, thật là may mắn biết bao!
Lý Tinh Thành biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ