Nghiên cứu mới: Thực vật có thể nói chuyện ở tần số con người không nghe thấy
Từ xưa có câu nói lưu truyền rằng: “Cầm hữu cầm ngôn, thú hữu thú ngữ” (Chim có tiếng chim, thú có tiếng thú), có nghĩa là động vật có ngôn ngữ giao tiếp riêng của chúng, chỉ là con người không thể hiểu được mà thôi. Còn thực vật, chúng giao tiếp với nhau như thế nào?
Một nghiên cứu mới gần đây cho biết thực vật cũng có thể “nói chuyện,” hơn nữa có thể nói ra những ngôn ngữ rất phức tạp.
Trong một luận văn nghiên cứu được công bố vào ngày 30/03/2023 trên tạp chí Cell, các khoa học gia giải thích rằng: Khi thực vật đối mặt với các tình huống khác nhau, chẳng hạn như thiếu nước, gặp sâu bệnh hoặc sự hiện diện của các loài thực vật tương tự gần đó v.v., chúng sẽ phát ra các sóng siêu âm có tần số và đặc điểm khác nhau, thể hiện thông tin tương tự cảm xúc của con người như sợ hãi, thích thú v.v.
Tần số âm thanh mà tai người có thể nghe được thông thường nằm trong khoảng từ 20Hz đến 20,000Hz. Sóng hạ âm dưới 20Hz và sóng siêu âm trên 20000Hz thì tai người không thể nghe thấy.
Các nhà nghiên cứu mô tả trong luận văn của họ rằng, họ đã sử dụng micrô để ghi lại sóng siêu âm di chuyển trong không khí được phát ra từ thực vật. Các loại cây được chọn cho nghiên cứu là cà chua và thuốc lá. Những cây này phát ra sóng siêu âm có tần số khác nhau khi chúng thiếu nước hoặc cành của chúng bị cắt.
Các nhà nghiên cứu còn tổng kết “ngôn ngữ siêu âm” của các loài thực vật khác, họ phát hiện ra rằng thực vật có thể nói ra những ngôn ngữ rất phức tạp và phong phú.
Tạp chí “National Geographic” cho biết, theo các nghiên cứu này, thực vật thực sự biết “nói chuyện,” mặc dù ngôn ngữ mà chúng nói ra là sóng siêu âm và con người không thể nghe thấy.
Thực vật sẽ hét lên “Cứu mạng!”, “Trồng ở đây đi,” “Đi đi,” “Trái của tôi đã chín và có thể ăn rồi” v.v.
Từ một mảnh rêu cho đến một cây hồng sam khổng lồ cao hơn 100 mét, chúng đều có thể giao tiếp với con người. Hơn nữa chúng có rất nhiều cách để giao tiếp, có thể mùi cỏ cắt từ đồng cỏ mà bạn vừa ngửi thấy chính là cách thực vật giao tiếp với bạn.
Cô Mamta Rawat, nhà vi trùng học kiêm Giám đốc Chương trình tại Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF) cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang quan sát khả năng giao tiếp ở thực vật, vốn cũng phức tạp như ở động vật”; “Có quá nhiều thứ để nghiên cứu, và những gì chúng ta biết được chỉ là rất ít mà thôi.”
Cấu tạo của thực vật rất khác so với động vật và con người. Thực vật có rễ, thân, lá, hoa, trái, hạt v.v., nhưng không có các sợi thần kinh như hệ thần kinh của con người. Vậy thực vật phản ứng với thế giới bên ngoài như thế nào?
Ông Simon Gilroy, Giáo sư thực vật học tại Đại học Wisconsin-Madison giải thích rằng, thực vật sử dụng hệ mạch trong cơ thể của chúng để truyền đạt thông tin.
Các hệ thống mạch này có thể được ví như các hệ thống ống phức tạp trong nhà của chúng ta, chẳng hạn như hệ thống thoát nước, hệ thống điện, hệ thống thông gió v.v.
Bà Courtney Jahn, nhà sinh vật học tại NSF giải thích thêm rằng, các hệ thống mạch trong cơ thể thực vật có thể truyền đi tín hiệu hóa học, thực vật có thể sử dụng tín hiệu hóa học để chuyển đổi và truyền tín hiệu điện. Khi rễ cảm thấy khô, chúng sẽ gửi tín hiệu hóa học về tình trạng thiếu nước, tín hiệu này sau đó được truyền đến lá để lá giảm sự thoát nước nhằm tiết kiệm lượng nước tiêu thụ trong cơ thể.
Trên thực tế, các khoa học gia đã quan sát thấy rằng thực vật cũng có khả năng truyền tín hiệu điện. Ví dụ, Giáo sư Simon nói rằng khi một cây bị thương, vết thương sẽ phát ra tín hiệu điện và thông tin sẽ được gửi đến đồng loại xung quanh nó.
Hành động khép lá lại để bắt côn trùng của cây bắt ruồi cũng là một ví dụ về tín hiệu điện của thực vật.
Tạp chí “National Geographic” cho biết, không chỉ cây cà chua mà rất nhiều loại thực vật khác, chẳng hạn như cây xương rồng, cũng có thể phát ra sóng siêu âm. Hơn nữa, các động vật xung quanh như bướm đêm, dơi hoặc chuột có thể nghe được những âm thanh này.
Con người chúng ta thì không thể nghe thấy, chúng ta chỉ cảm nhận được mùi hương của cây cỏ mà không biết được những thông tin sâu xa ẩn chứa trong những mùi này. Thế nhưng, sâu bướm thì lại biết, chúng có thể “đọc được” ý nghĩa từ mùi của thực vật phát ra.
Những mùi vị này của thực vật được các khoa học gia định nghĩa là “chất bay hơi” (volatile). Mỗi loại thực vật đều có “chất bay hơi” độc đáo của riêng mình, tức là mùi vị khác nhau.