Nghiên cứu mới: Sự phân cực chính trị tại doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày càng trầm trọng
Theo một nghiên cứu mới từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, các nhóm điều hành của các tập đoàn lớn Hoa Kỳ ngày càng trở nên đảng phái, dẫn đến “sự phân cực chính trị của doanh nghiệp Hoa Kỳ.” Nghiên cứu cho thấy sự phân cực này cũng có tác động đến giá trị của các công ty.
Trong khi sự đa dạng nơi làm việc trong những năm gần đây đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là liên quan đến giới tính và màu da, thì sự đa dạng về chính trị rõ ràng đang đi theo hướng ngược lại.
Từ trước tới nay, nơi làm việc đa dạng hơn về mặt chính trị, tạo cơ hội cho các mối quan hệ giữa các bên nhiều hơn so với các nơi khác, chẳng hạn như gia đình, khu phố hoặc các tổ chức tình nguyện.
Nhưng theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Boston, Đại học Chicago, và Đại học Cornell, sự đa dạng chính trị không còn là trường hợp ở cấp lãnh đạo công ty. Họ đã tiến hành nghiên cứu của mình bằng cách phân tích hồ sơ ghi danh cử tri đối với các giám đốc điều hành cao cấp tại các công ty thuộc S&P 1500 từ năm 2008 đến năm 2020.
Trái ngược với các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu mới này lập luận rằng dữ liệu ghi danh cử tri, thay vì đóng góp chính trị, lại đáng tin cậy hơn để suy ra sở thích chính trị của các giám đốc điều hành.
Tính đảng phái được những nhà nghiên cứu này định nghĩa là mức độ mà một đảng chính trị duy nhất thống trị các quan điểm chính trị trong cùng một nhóm điều hành. Và họ phát hiện ra rằng trong những năm qua, nhóm các giám đốc điều hành cao cấp của các công ty đại chúng của Hoa Kỳ ngày càng bị một đảng chính trị chi phối.
Họ viết trong một bài báo, “Cụ thể hơn, thước đo đảng phái của chúng tôi là xác suất hai giám đốc điều hành được rút thăm ngẫu nhiên có liên kết với cùng một đảng chính trị. Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng tính đảng phái của các nhóm điều hành trong giai đoạn mẫu của chúng tôi là 7.7 điểm phần trăm.”
Theo các tác giả, sự gia tăng tính đảng phái chủ yếu là kết quả của việc các giám đốc điều hành có xu hướng kết giao với những người có chung niềm tin chính trị với họ.
Họ viết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy 34% các giám đốc điều hành có cùng đảng phái chính trị có nhiều khả năng làm việc trong cùng một công ty hơn.”
Hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng phần lớn các giám đốc điều hành nghiêng về Đảng Cộng Hòa.
Bài báo nêu lên, “Tỷ lệ trung bình của các giám đốc điều hành ủng hộ Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa lần lượt là 31.0% và 69.0%.”
Ngoài ra, sự phân chia đảng phái giữa các giám đốc điều hành đang gia tăng trên khắp các tiểu bang.
“Nói cách khác, các giám đốc điều hành ở Texas và Ohio đang trở nên ủng hộ Đảng Cộng Hòa nhiều hơn, còn các giám đốc điều hành ở California và New York đang nghiêng về Đảng Dân Chủ hơn.”
Chỉ các hồ sơ ghi danh cử tri từ chín tiểu bang, bao gồm California, Colorado, Illinois, Massachusetts, North Carolina, New Jersey, New York, Ohio và Texas, được sử dụng để đo lường sự liên kết về chính trị trong nghiên cứu. Những nhà nghiên cứu trên lưu ý rằng điều này là do nhiều tiểu bang hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu ghi danh cử tri.
Trong nghiên cứu của mình, họ cũng kiểm tra xem liệu sự liên kết chính trị có thể giải thích lý do tại sao các CEO hoặc các nhà quản lý hàng đầu rời bỏ vị trí của họ hay không. Và họ phát hiện ra rằng những giám đốc điều hành có niềm tin chính trị khác với đa số trong nhóm có khả năng từ bỏ công ty cao hơn những giám đốc điều hành có quan điểm chính trị phù hợp với nhóm.
Hiệu suất
Sau đó, các cổ đông được hưởng lợi từ sự ra đi của các CEO không phù hợp về mặt chính trị hay không?
Để giúp trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã phân tích hiệu suất cổ phiếu bất thường xung quanh thông báo từ chức của các giám đốc điều hành. Họ đã quan sát thấy các xu hướng cho thấy rõ ràng rằng sự ra đi của các nhà lãnh đạo không phù hợp về mặt chính trị là bất lợi cho giá trị doanh nghiệp.
Nghiên cứu kết luận, “Do đó, một số khía cạnh của sự phân cực ngày càng tăng giữa các giám đốc điều hành Hoa Kỳ có những hậu quả tiêu cực đối với các cổ đông của các công ty.”
Nói lên ý kiến chính trị
Các tác giả cũng đặt ra câu hỏi liệu các chính phủ có nên lo lắng về sự phân biệt đối xử về chính trị tại nơi làm việc hay không.
Theo truyền thống, các vấn đề phân biệt đối xử trong việc làm tập trung vào giới tính, dân tộc, khuynh hướng tính dục, và tuổi tác. Ngược lại, luật liên bang Hoa Kỳ và nhiều luật tiểu bang không cấm các công ty tư nhân phân biệt đối xử với nhân viên dựa trên quan điểm chính trị.
Một trong những tác giả của bài báo, bà Elisabeth Kempf, một nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago, cho biết các nhà điều hành ủng hộ Đảng Dân Chủ có thể đã trở nên thẳng thắn hơn về các vấn đề cấp tiến trong những năm qua.
Bà nói trong một podcast, đề cập đến các khoản quyên góp chính trị, “Ví dụ, các giám đốc điều hành ủng hộ Đảng Dân Chủ đang ngày càng tài trợ nhiều hơn cho Đảng Dân chủ.”
Bà nói thêm rằng điều này phù hợp với quan điểm “có thể các giám đốc điều hành đã trở nên thẳng thắn hơn về các vấn đề cấp tiến hoặc thể hiện là người ủng hộ Đảng Dân Chủ một cách công khai hơn.”
Ngày nay nhiều doanh nghiệp không kiềm chế khi đưa ra tuyên bố công khai về các sự kiện chính trị hiện tại.
Ví dụ, gần đây các công ty lớn của Hoa Kỳ đã tham gia vào cuộc tranh luận phá thai sau phán quyết của Tối cao Pháp viện về việc lật ngược vụ Roe kiện Wade. Ngày càng có nhiều giám đốc điều hành thông báo rằng họ đang thay đổi kế hoạch bảo hiểm y tế để chi trả cho việc phá thai bên ngoài tiểu bang của nhân viên.
Hoạt động chính trị ở nhóm các giám đốc điều hành cao cấp đôi khi có thể có những tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, như đã chứng kiến trong ví dụ về Công ty Walt Disney. Công ty này bị mất đặc quyền ở Florida sau khi Giám đốc điều hành Disney Bob Chapek chỉ trích công khai luật Giáo dục mới về Quyền của cha mẹ của tiểu bang “cấm các lớp học giảng dạy về khuynh hướng tính dục hoặc bản dạng giới ở lứa tuổi mẫu giáo đến lớp 3.”
Giá trị cổ phiếu của công ty này đã giảm mạnh gần 40% từ đầu năm đến nay một phần do xung đột chính trị, trở thành một trong những công ty thua lỗ hàng đầu của Dow Jones Industrials trong năm nay.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.