Thành phần ‘có vai vế’ và phe liên minh ủng hộ ‘nước Mỹ trước tiên’ trong Đảng Cộng Hòa – Phần 1
Cuộc chiến chính trị giành quyền kiểm soát bên trong Đảng Cộng Hòa
Theo phán đoán chung hiện nay thì Đảng Cộng Hòa (ĐCH) sẽ giành quyền kiểm soát Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng Mười Một tới đây. Nhiều bản tin và ý kiến bình luận đều tập trung vào các cuộc thăm dò về sự ủng hộ nhìn chung ngày càng giảm đối với Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân Chủ.
Tuy nhiên, bên trong câu chuyện này còn có một câu chuyện chính: cuộc chiến giành quyền kiểm soát Đảng Cộng Hòa giữa thành phần ‘có vai vế’ được đại diện bởi Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) và phe liên minh ‘Nước Mỹ Trước Tiên’ của cựu Tổng thống Donald Trump.
Hãy cùng xem xét chi tiết chủ đề này.
Phần này của loạt bài gồm hai phần tập trung vào thành phần ‘có vai vế’ trong ĐCH, trong đó ông McConnell là thành viên nổi bật nhất. Phần hai sẽ đề cập đến phe liên minh ‘Nước Mỹ Trước Tiên’ trong ĐCH vốn ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.
Thành phần ‘có vai vế’ trong ĐCH
Thành phần này bao gồm các thành viên Đảng Cộng Hòa được các doanh nghiệp hậu thuẫn, vốn nhận được phần lớn sự hỗ trợ từ các quỹ của Ủy ban Thượng viện Đảng Cộng Hòa Quốc gia (NRSC), Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC), và các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa được tài trợ dồi dào ở các vị trí lãnh đạo, những người chia tiền cho các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đương nhiệm khác. Các doanh nghiệp lớn và các tổ chức có liên quan là nguồn tài trợ chính của họ.
Đặc biệt, trong những năm qua, NRSC đã bị ông McConnell lợi dụng để giúp bầu chọn các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa có cùng quan điểm và đặt họ vào các vị trí lãnh đạo. Danh sách đó và các chức năng chính của họ được tóm tắt dưới đây:
Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện: Hội nghị Đảng Cộng Hòa, nhiều người trong số họ chịu ơn NRSC do ông McConnell kiểm soát và bản thân ông McConnell vì những đóng góp trong chiến dịch tranh cử, đã bầu ông McConnell vào vị trí này. Ông McConnell thiết lập nghị trình, thông điệp, và chiến lược của Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện. Ông là người điều hành Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện.
Phó lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện thuộc Đảng Cộng Hòa kiêm Phó lãnh đạo Đảng Cộng Hòa: ông John Thune (Cộng Hòa-South Dakota) đảm nhiệm vị trí lãnh đạo thứ hai này. Công việc chính của ông là kiểm phiếu và thuyết phục các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa ủng hộ quan điểm của Hội nghị Đảng Cộng Hòa về tất cả các cuộc bỏ phiếu.
Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện: ông John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming) chiếm vị trí lãnh đạo thứ ba. Nhiệm vụ chính của ông là truyền đạt các quan điểm của Hội nghị Đảng Cộng Hòa về luật pháp và các vấn đề cho giới truyền thông và công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những nỗ lực của Đảng Cộng Hòa nhằm truyền đạt các quan điểm cho quốc gia là rất ít, thiếu phối hợp, và không hiệu quả.
Chủ tịch Ủy ban Chính sách Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện: ông Roy Blunt (Cộng Hòa-Missouri) đảm nhiệm vị trí này và chịu trách nhiệm điều phối việc phát triển và thực thi chính sách cho Hội nghị Đảng Cộng Hòa.
Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Đảng Cộng Hòa Quốc gia: ông Rick Scott (R-Florida) chịu trách nhiệm gây quỹ hỗ trợ các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa. Ông McConnell quyết định xem ai là người nhận được tiền từ quỹ NRSC. Trong vòng bầu cử năm 2020, NRSC đã gom tiền từ các nhà tài trợ và giải ngân cho các ứng cử viên Thượng viện Đảng Cộng Hòa hơn 270 triệu USD.
Các quan điểm chính sách được RNC và lãnh đạo Thượng viện ủng hộ vào năm 2022 là gì và thông điệp chính trị của họ là gì? Trang web của Ủy ban Chính sách Đảng Cộng Hòa cung cấp một danh sách các tài liệu chính sách và các vấn đề thảo luận không gì hơn ngoài việc phản đối luật do Đảng Dân Chủ và ông Biden ủng hộ mà không có bất cứ chi tiết cụ thể nào về những gì Đảng Cộng Hòa sẽ làm nếu họ có các cuộc biểu quyết.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng RNC đã tiếp tục cương lĩnh của Đảng Cộng Hòa năm 2016 đến năm 2020 mà không có bất kỳ thay đổi nào. Đây chính xác là điều mà thành phần ‘có vai vế’ của ĐCH mong muốn: xóa sổ nhiệm kỳ tổng thống Trump như một sai lầm kéo dài bốn năm để trở lại hoạt động kinh doanh như bình thường: thương mại tự do, giảm thuế doanh nghiệp, biên giới mở trên thực tế (đặc biệt là hỗ trợ thị thực H-1B), chỉ nói suông mà không thực hiện theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, tiếp tục các cuộc chiến tranh ở ngoại quốc và thỏa hiệp với đảng của chính phủ (Đảng Dân Chủ).
Lưu ý rằng không có thượng nghị sĩ nào trong thành phần ‘có vai vế’ của ĐCH ủng hộ các cuộc điều tra những cáo buộc đáng tin cậy về gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử năm 2020 và đã nhanh chóng chứng nhận ông Biden là người chiến thắng.
Tương tự, RNC đã thu được hàng triệu USD tiền quyên góp từ những người dân Mỹ vốn mong đợi RNC điều tra hành vi gian lận này. Tuy nhiên, các luật sư của RNC đã im lặng về tính liêm chính của cuộc bầu cử từ tháng 11/2020 cho đến nay. Các nhà lãnh đạo Thượng viện của Đảng Cộng Hòa như McConnell và ông Thune thẳng thừng phủ nhận (mà không xem xét bằng chứng) rằng gian lận bầu cử đã tới mức đủ để khiến thay đổi kết quả. Có lẽ bộ phim tài liệu “2000 Kẻ buôn lậu” (2000 Mules) của True the Vote sẽ thay đổi suy nghĩ của họ.
Ông McConnell đã từ bỏ đối trọng chính trị của mình khi đồng ý với nghị quyết trị giá 1.5 nghìn tỷ USD đang được thực hiện của Đảng Dân Chủ và dự luật cơ sở hạ tầng đầy rẫy những khoản tài trợ cho các khu vực bầu cử của Đảng Dân Chủ. Chi tiêu là một yếu tố chính dẫn đến tình trạng lạm phát tràn lan mà người Mỹ hiện đang phải gánh chịu.
Bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ, Đảng Cộng Hòa không có kế hoạch nhất quán nào từ các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa RNC và Thượng viện ngoại trừ [câu] “hãy bỏ phiếu cho chúng tôi, không phải cho Đảng Dân Chủ.” Phần lớn công chúng chưa biết đến những chính sách mà ông McConnell và những người khác sẽ theo đuổi vào năm 2023 nhưng gần như chắc chắn chúng đã được các nhà tài trợ doanh nghiệp của thành phần ‘có vai vế’ trong GOP tỏ tường. Chiến lược của ông McConnell là hỗ trợ và bầu chọn các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa có cùng chí hướng, bao gồm cả việc bảo vệ những người như ông Thune sắp được đưa ra để bầu lại.
Đặc điểm nổi bật khác là thành phần ‘có vai vế’ của ĐCH đều chống ông Trump, nhưng không nhất định [hô hào] là “Không bao giờ là Trump.” Họ tìm cách để ngỏ những lựa chọn chính trị của mình giống như những kẻ thỏa hiệp vô đạo đức theo đúng bản chất của họ.
Đây là những ưu thế đáng kể mà thành phần ‘có vai vế’ của ĐCH sở hữu khi bước vào cuộc bầu cử vào tháng Mười Một sắp tới:
Tổ chức Đảng: RNC và các tổ chức cấp quốc gia khác đều do thành phần ‘có vai vế’ của ĐCH kiểm soát, và hầu hết các tổ chức của ĐCH ở cấp tiểu bang và cấp quận cũng như vậy.
Khoản dự trữ tiền mặt lớn: Thành phần ‘có vai vế’ của ĐCH có thể dựa vào các khoản đóng góp lớn của các doanh nghiệp.
Nhiệm kỳ phục vụ: Những người đương nhiệm rất khó bị đánh bại, đặc biệt là trong một cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa. Họ được hưởng sự công nhận về tên tuổi, các đặc quyền được gửi thư miễn bưu phí cho các cử tri và người ủng hộ mình, và lợi thế gây quỹ so với những đối thủ khác. Đa số các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa ra tái tranh cử trong vòng bầu cử này là các thành viên Đảng Cộng Hòa Chỉ Trên Danh Nghĩa (RINO).
Các vị trí còn trống sau khi năm thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa sắp về hưu nằm trong danh sách dưới đây, cùng với những đối thủ thuộc Đảng Cộng Hòa của 21 thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ ra tái tranh cử, mang đến cơ hội thực sự duy nhất cho các ứng viên không thuộc thành phần ‘có vai vế’ của ĐCH trong năm nay. Một số thượng nghị sĩ đương nhiệm, chẳng hạn như bà Lisa Murkowski, năm nay phải đối mặt với những đối thủ mạnh trong vòng bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, hầu hết các nhân vật trong danh sách dưới đây đang vận động tái tranh cử, thì hoặc là không có đối thủ hoặc họ cạnh tranh với những đối thủ chiếu lệ của Đảng Cộng Hòa.
Alabama: Richard Shelby (Sắp về hưu)
Alaska: Lisa Murkowski
Arkansas: John Boozman
Florida: Marco Rubio
Idaho: Mike Crapo
Indiana: Todd Young
Iowa: Chuck Grassley
Kansas: Jerry Moran
Kentucky: Rand Paul
Louisiana: John N. Kennedy
Missouri: Roy Blunt (Sắp về hưu)
North Carolina: Richard Burr (Sắp về hưu)
North Dakota: John Hoeven
Ohio: Rob Portman (Sắp về hưu)
Oklahoma: James Lankford
Pennsylvania: Pat Toomey (Sắp về hưu)
South Carolina: Tim Scott
South Dakota: John Thune
Utah: Mike Lee
Wisconsin: Ron Johnson
Tóm tắt Phần 1
Vòng bầu cử năm 2022 liên quan đến cuộc chiến giành quyền kiểm soát của Đảng Cộng Hòa. Thành phần ‘có vai vế’ của ĐCH do ông McConnell lãnh đạo, trong khi phe liên minh “Nước Mỹ Trước Tiên” do ông Trump lãnh đạo. Phần này đã tóm tắt các quan điểm chính sách của ĐCH, xác định các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa được đưa ra bầu lại vào tháng Mười Một tới (và năm người về hưu), và mô tả những vốn liếng đáng kể mà thành phần ‘có vai vế’ của ĐCH sẽ sử dụng để duy trì quyền kiểm soát đảng.
Phần hai sẽ thảo luận về phe liên minh “Nước Mỹ Trước Tiên” và phân tích sự cạnh tranh giữa hai phe này trong thời gian trước khi diễn ra các cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng Mười Một sắp tới.
Đọc phần 2 tại đây.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Stu Cvrk đã nghỉ hưu với tư cách là một thuyền trưởng sau 30 năm phụng sự trong Hải quân Hoa Kỳ ở nhiều vị trí chính quy và dự bị khác nhau, cùng với kinh nghiệm hoạt động đáng kể ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm của một nhà phân tích hệ thống và nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục tự do chính thống đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho các bài bình luận chính trị của ông.