Giới tinh hoa chính trị và kinh doanh Hoa Kỳ đặt nước Mỹ sau Trung Quốc
“Chính phủ Hoa Kỳ có nên cố gắng đánh bại Đảng [Cộng sản Trung Quốc] hay không?”
Ông Isaac Stone Fish đã đặt câu hỏi trên trong cuốn sách mới của mình, có nhan đề “America Second: How America’s Elites Are Making China Stronger” (“Nước Mỹ Thứ Hai: Giới Tinh Hoa Hoa Kỳ Đang Làm Cho Trung Quốc Trở Nên Mạnh Mẽ Hơn Như Thế Nào”). Là giám đốc điều hành của công ty tư vấn chuyên về Trung Quốc Strategy Risks (Rủi Ro Chiến Lược), đồng thời là cựu phóng viên Bắc Kinh của tạp chí Newsweek, ông Stone Fish viết, “Đảng đặt ra một mối đe dọa hiện hữu đối với hệ thống do Mỹ quản lý.”
Tuy nhiên như ông Stone Fish đã chỉ ra trong cuốn sách của mình về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hoa Kỳ, đã có một xu hướng kéo dài hàng thập niên của các doanh nhân, các nhà vận động hành lang, và chính trị gia Hoa Kỳ, đặt nước Mỹ thứ hai sau những lợi ích tài chính có liên quan đến Trung Quốc độc tài.
Trong một buổi tọa đàm về sách do Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao (FPRI) — một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Philadelphia — tổ chức hôm 29/03, ông Stone Fish lưu ý rằng xu hướng này đã chứng kiến một sự đảo ngược đáng kể so với thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, vốn có cách tiếp cận cứng rắn đối với một loạt các mối đe dọa do Bắc Kinh gây ra, bao gồm cả ảnh hưởng có tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hoa Kỳ.
“Cho đến năm 2016, hoặc thậm chí người ta có thể cho rằng cho đến tận năm 2018, Hoa Kỳ có chính sách tăng cường sức mạnh cho Trung Quốc. Và những gì mọi người đã làm là tuân theo các quy chuẩn, cả thành văn và bất thành văn, rằng một Trung Quốc hùng mạnh và ổn định là có lợi cho Hoa Kỳ. Và vì vậy hiện chúng ta đang ở trong một thực tế chính sách khác,” ông Stone Fish nêu rõ trong buổi tọa đàm.
Mặc dù ông Stone Fish có quan điểm chủ yếu là chỉ trích về chính phủ cựu Tổng thống Trump trong cuốn sách của mình, nhưng ông đã khen ngợi chính phủ cựu Tổng thống Trump vì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
“Chính phủ ông Trump chắc chắn đã làm đúng trong mọi việc về Trung Quốc và có rất nhiều chính sách, cuộc tranh luận, và những công bố thực sự tốt. Tôi không muốn hạ thấp những gì họ đã làm được. Và tôi rất vui vì rất nhiều vấn đề đang được đặt ra. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng,” ông Stone Fish khẳng định.
Vào thời buổi nền chính trị Mỹ trở nên phân cực rõ rệt, ông Stone Fish viết rằng “Trung Quốc thực sự là lĩnh vực duy nhất có được sự đồng thuận lưỡng đảng” giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ tại Hạ viện và Thượng viện, vốn có chung lập trường về “sự cần thiết của việc chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh.”
“Sẽ rất sửng sốt nếu quý vị thực hiện một khảo sát về quan điểm với ông Chuck Schumer và ông Ted Cruz hoặc bà Nancy Pelosi và ông Marco Rubio, họ nghe gần như giống hệt nhau khi nói đến Trung Quốc, điều này rất, rất ấn tượng trong nền chính trị hiện tại của chúng ta,” ông Stone Fish nhận xét trong buổi tọa đàm về cuốn sách.
Tuy nhiên, tác giả này cảnh báo rằng trong các lĩnh vực khác của Hoa Kỳ, bao gồm kinh doanh, vận động hành lang, học thuật, tư vấn, và báo chí, “một số người đã chậm xoay chuyển” sang một lập trường mạnh mẽ hơn chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ “bởi vì họ không đồng ý” hoặc “bởi vì việc xoay chuyển là rất khó. Mọi thứ đang thay đổi quá nhanh và một số người chưa biết những gì mà mọi người khác đều biết,” ông Stone Fish nêu rõ.
Kinh doanh và vận động hành lang
Trong cuốn sách của mình, ông Stone Fish nêu chi tiết có bao nhiêu đại diện chính phủ và quan chức ở Hoa Kỳ đã theo “mô hình sống trong một cánh cửa xoay giữa chính phủ và vận động hành lang cho Trung Quốc,” trong đó bắt đầu với cựu Ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger.
Ông Kissinger, người đã gặp gỡ các lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai vào những năm 1970 và đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng sản, đã thành lập trong năm 1982 Kissinger Associates, một công ty tư vấn mà thông qua đó ông đã mở ra cánh cửa quyền lực cho các khách hàng của mình ở Trung Quốc.
Ông Stone Fish cho hay ông Kissinger đã đưa một trong những khách hàng của mình là giám đốc điều hành JPMorgan đương thời, ông William B. Harrison Jr., đến Bắc Kinh năm 2003. Tại thời điểm đó, JPMorgan muốn tư vấn và bảo lãnh việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, một trong những ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc do nhà nước sở hữu. Ông Stone Fish lưu ý rằng, trong một cuộc họp tại Bắc Kinh với Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Đường Gia Triền (Tang Jiaxuan), ông Đường đã thuyết phục ông Kissinger và ông Harrison Jr. phản đối nền độc lập của Đài Loan — một lời nhắc nhở họ rằng việc ủng hộ nghị trình chính trị của ĐCSTQ là cần thiết để hoạt động thành công tại thị trường Trung Quốc.
Trình bày chi tiết công việc kinh doanh của ông Kissinger với Trung Quốc trong cuốn sách của mình, ông Stone Fish viết, “Cách chính xác nhất để mô tả ông Kissinger, từ khi ông thành lập công ty tư vấn của mình vào năm 1982 cho đến nay, là ông trong tư cách một tác nhân gây ảnh hưởng của Trung Quốc.”
Trước chất vấn từ ông Stone Fish, người đại diện của ông Kissinger đã phủ nhận ông Kissinger là nhân vật gây ảnh hưởng của Trung Quốc, và gọi cáo buộc này là phỉ báng, bôi nhọ.
Trong cuốn ‘Nước Mỹ Thứ Hai’, trong khi ông Kissinger được thể hiện nổi bật nhất trong số các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đã tham gia vào các hoạt động vận động hành lang lớn liên quan đến Trung Quốc, ông Stone Fish cũng viết về nhiều người khác, bao gồm cả các cựu Ngoại trưởng Al Haig và Madeleine Albright, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Brent Scowcroft, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen, và các ông Prescott Bush Jr. và Neil Bush, lần lượt là anh trai và con trai của cựu Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush. Một chi tiết thu hút sự quan tâm được nêu bật trong cuốn sách là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Cohen được cho là đã thành lập công ty tư vấn của mình, Cohen Group, chỉ vài ngày sau khi rời nhiệm sở vào tháng 01/2001. “Chúng tôi rời Ngũ Giác Đài vào thứ Bảy và mở cửa kinh doanh vào thứ Hai,” ông Cohen khoe trong một câu nói được cuốn sách ‘Nước Mỹ Thứ Hai’ trích dẫn.
Khi được hỏi về đóng góp của giới tinh hoa chính trị Hoa Kỳ trong vấn đề làm cho Trung Quốc mạnh hơn với cái giá mà Mỹ phải trả, ông Stone Fish cho rằng một nhân tố chính quan trọng là việc các cựu quan chức và chính trị gia tham gia vào lĩnh vực tư vấn và kinh doanh, và sau đó hành động y như thể họ không vụ lợi khi ủng hộ các giao dịch hoặc chính sách có lợi cho Trung Quốc. Theo ông Stone Fish, có những quy định nghiêm ngặt về xung đột lợi ích ở Wall Street và trong lĩnh vực pháp lý, nhưng những quy định tương tự đó chưa được phát triển trong lĩnh vực chính sách ngoại giao.
Các trường đại học và các tổ chức tư vấn
Ông Stone Fish cho rằng các trường đại học và các tổ chức tư vấn Hoa Kỳ đang đặt ra một vấn đề đặc biệt, liên quan đến những cách mà họ đã khiến Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn với cái giá mà Mỹ phải trả, bởi vì họ được coi là những người cung cấp sự thật một cách trung thực, không thiên vị, ngay cả khi đó thường không phải là sự thật khi nói đến Trung Quốc.
“Giới tinh hoa chính trị và kinh doanh, chúng ta đã quen với việc họ kiểm duyệt, nói quanh co. Đó là những gì các doanh nghiệp làm và đó là những gì các chính trị gia làm. Việc một chính trị gia bị phát hiện nói dối hoặc một tập đoàn bị phát hiện nói dối, không phải là một điều gì đó quá ngạc nhiên, nhưng các tổ chức tư vấn và đặc biệt là các trường đại học có tiêu chuẩn về sự thật cao hơn nhiều,” ông Stone Fish nêu rõ và lưu ý rằng tài trợ là một vấn đề chủ chốt. “Nhiều chuyên gia tư vấn dành nhiều thời gian gây quỹ và điều đó ảnh hưởng đến kết quả đầu ra của quý vị… điều đó thay đổi cách quý vị viết, thay đổi những kết luận mà quý vị có.”
Trong cuốn sách của mình, ông Stone Fish trích dẫn một ví dụ là một báo cáo mà Viện Brooking, một tổ chức tư vấn của Mỹ, công bố vào tháng 10/2017. Báo cáo này đã ca ngợi đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei. Báo cáo này được tài trợ bởi Huawei, vốn từ lâu đã bị các quan chức và chuyên gia coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Một vấn đề mà ông Stone Fish lưu ý trong cuốn sách của mình về các trường đại học — vốn thường nhận được nguồn tài trợ đáng kể thông qua học phí của sinh viên Trung Quốc — là việc “sinh viên và giảng viên Trung Quốc đôi khi theo dõi các sinh viên Trung Quốc khác, và theo dõi các giáo sư Mỹ nhưng ở một mức độ thấp hơn” như một phần của các hoạt động tình báo và hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc của Trung Quốc. Ông Stone Fish viết trong cuốn sách của mình về một người Trung Quốc tốt nghiệp tiến sĩ tại một trường đại học Hoa Kỳ. Người này đã kể với ông rằng họ đã tiếp cận cô khi cô còn là một sinh viên tốt nghiệp tại một trường đại học Trung Quốc, và hỏi liệu cô ấy có muốn làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, cơ quan tình báo cấp cao nhất của nhà cầm quyền không, vì cô ấy đã nhận được một lời đề nghị theo học tại một trường đại học của Mỹ.
“Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của các trường đại học để tìm hiểu xem, ‘làm thế nào để chúng ta không tuyển dụng người của PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc]? Làm thế nào để chúng ta kỷ luật hoặc đuổi học những học sinh… những người đang theo dõi các học sinh khác?’” ông Stone Fish nói. “Tôi nghĩ rằng có rất nhiều trường hợp mà các trường đại học Mỹ không đặt mức độ thẩm tra đối với sinh viên Trung Quốc hoặc các giáo sư Trung Quốc tương tự như cách mà họ làm ở nơi khác, hoặc là họ chỉ đánh giá theo vẻ bề ngoài… Người ta nhận ra rằng họ có thể làm nhiều điều sai trái mà không bị phát hiện hoặc bị trừng phạt bởi vì họ không bị kiểm tra.”
Việc mất tự do học thuật và tự kiểm duyệt liên quan đến Trung Quốc, cũng là những vấn đề mà các trường đại học phải đối mặt. “Nếu quý vị có một lớp học với năm sinh viên Trung Quốc và quý vị lo lắng rằng một trong số họ sẽ tố giác bốn người kia, và quý vị muốn có một cuộc tranh luận về Tân Cương, quý vị sẽ làm gì? Quý vị sẽ có một cuộc tranh luận gay gắt hay quý vị tự kiểm duyệt vì quý vị cảm thấy điều đó là quan trọng để bảo vệ các sinh viên của mình?” ông Stone Fish hỏi.
Người điều hành buổi tọa đàm về cuốn sách, ông Jacques deLisle, giám đốc chương trình Á Châu tại FPRI và là giáo sư luật tại Đại học Pennsylvania, đã đưa ra một kịch bản giả định mà các giảng viên đại học phương Tây có thể phải đối mặt.
“Tôi có thể ngồi lại với các đồng nghiệp của mình và nói, ‘Vâng nếu chúng ta làm điều này, vốn là điều đúng đắn cần làm về tự do đặt câu hỏi và… nếu chúng ta có một chi nhánh đại học [ở Trung Quốc] để đến, chúng ta sẽ nói về ‘Ba chữ T’, Tibet [Tây Tạng], Taiwan [Đài Loan] và Tiananmen [Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn] mà không bị người khác chi phối, mặc dù nó sẽ làm nổ tung mọi thứ [vì nó sẽ khiến ĐCSTQ tức giận].’ Đó sẽ là một cách tiếp cận khó thuyết phục người khác,” ông deLisle nhận định.
Báo chí
Từng làm việc với tư cách là một ký giả, ông Stone Fish cũng viết về việc tự kiểm duyệt báo chí có lợi cho ĐCSTQ, và trong nỗ lực thúc đẩy sự thay đổi tích cực, ông đã công khai về việc bản thân mình từng mắc lỗi khi thực hiện hành vi này.
“Đã có rất nhiều lần tôi tự kiểm duyệt bản thân với tư cách là một ký giả và mọi người luôn hỏi tôi, họ sẽ nói, ‘Ồ, ông làm việc cho Newsweek ở Trung Quốc, có phải điều đó có nghĩa là ông luôn bị kiểm duyệt?’ Và tôi sẽ luôn nói ‘không hề,’” ông Stone Fish nói. “Và theo một cách nào đó, tôi nghĩ câu trả lời đó là thật, bởi vì tôi chính là người tự làm việc kiểm duyệt.”
Trong cuốn sách, ông Stone Fish viết, “Tôi tự kiểm duyệt. Đôi khi tôi kiềm chế những lời phê bình của mình để tránh làm mất lòng những người ủng hộ Đảng hơn. Tôi cũng đã lấy tiền từ các tổ chức có mối liên hệ với Đảng, và tư vấn cho các tập đoàn vốn đang tìm cách duy trì quyền tiếp cận với Trung Quốc… hành động phi đạo đức nhất của tôi là tội không hành động trước điều sai trái chứ không phải là tội thực hiện hành vi phạm tội. Những câu chuyện quan trọng nào mà tôi đã né tránh vì muốn bảo toàn quyền tiếp cận của mình? Sự thật nào tôi đã không nói ra vì sợ hãi hay tham lam? Tôi đã không hỏi những người có quyền lực những câu hỏi quan trọng nào vì tôi đã sợ xúc phạm họ?”
Lấy một ví dụ, ông Stone Fish nói, “Tôi đã trở lại Thượng Hải vào năm 2019, nhìn thấy [tạp chí] Bloomberg Businessweek và ngạc nhiên, ‘Ồ, tôi tự hỏi họ phải kiểm duyệt đến mức nào để được có mặt ở thị trường Trung Quốc.’ Nhưng tôi cũng đang làm việc cho những chương trình được đón nhận nhiều nhất của Bloomberg [TV], và tôi lo lắng về việc bảo vệ Bloomberg và gây nguy hại cho những chương trình được đón nhận nhiều nhất đó, vì vậy tôi đã không mua tạp chí và cũng không xem nó.”
Ông Stone Fish nói thêm, “Tôi có thể nói, ‘Ồ, đó không phải là kiểm duyệt, đó chỉ là thực dụng.’ Nhưng khi đó tôi đang nói dối quý vị và tôi đang nói dối chính mình.”
Ông Adam Michael Molon là một nhà văn kiêm ký giả người Mỹ. Ông có bằng thạc sĩ báo chí của Đại học Columbia và bằng đại học về tài chính và ngôn ngữ tiếng Hoa của Đại học Indiana-Bloomington.
Thu Thủy biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: