Nghiên cứu mới nhất đặt thêm dấu hỏi về hiệu quả của thuốc trị cúm
Theo nghiên cứu mới đây nhất, một trong những loại thuốc trị cúm phổ biến hiện nay không có hiệu quả tốt trong việc phòng ngừa các biến chứng nặng dẫn đến nhập viện.
Tiến sĩ Emily McDonald và các nhà nghiên cứu Canada khác đã xem xét dữ liệu từ 15 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, trong đó có 8 thử nghiệm được thực hiện bởi nhà sản xuất thuốc Roche nhưng không được công bố. Họ đã phân tích để trả lời xem liệu thuốc oseltamivir (Tamiflu), có liên quan đến tỷ lệ nhập viện thấp hơn ở những bệnh nhân ngoại trú bị nhiễm cúm hay không.
Trong khi một số thử nghiệm cho kết quả ủng hộ thuốc Tamiflu, những thử nghiệm khác lại không. Nhiều thử nghiệm cho thấy loại thuốc này ít hoặc không có tác dụng. Nhìn chung, rất ít người phải nhập viện trong các nghiên cứu, kể cả những người tham gia không dùng Tamiflu.
Phân tích gộp mới nhất chủ yếu nghiên cứu số lần nhập viện, vì bất kỳ nguyên nhân và hướng nào, đến bệnh viện hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá sự xuất hiện của các tác dụng phụ và phát hiện thấy những người dùng thuốc phải đối mặt với các nguy cơ buồn nôn, nôn và rối loạn tiêu hóa cao hơn đáng kể, mặc dù họ cũng có nguy cơ bị tiêu chảy thấp hơn. Buồn nôn, nôn và nhức đầu được liệt kê là tác dụng phụ trên nhãn của thuốc tamiflu.
Bà McDonald, thuộc Khoa Truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Đại học McGill và Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Kết quả, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Tác hại của việc dùng thuốc vượt quá lợi ích đối với hầu hết bệnh nhân. Dựa trên kết quả của nghiên cứu, tôi sẽ không kê toa Tamiflu cho nhóm bệnh nhân ngoại trú khỏe mạnh. Ngay cả với những bệnh nhân có nguy cơ cao, hiệu quả vẫn chưa được chứng minh và nếu có bất kỳ ảnh hưởng nào thì cũng rất nhỏ.”
Bà McDonald vẫn sẽ kê toa Tamiflu cho những người có nguy cơ rất cao, chẳng hạn như những người mắc bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch.
Tiến sĩ Adam Urato, một bác sĩ ở New Jersey, cho biết trên Twitter rằng những phát hiện trong nghiên cứu “nên là cái đinh đóng vào quan tài cho Tamiflu.” Trong khi đó, Tiến sĩ Adam Urato, một bác sĩ ở Massachusetts, nói rằng công chúng được cho biết thuốc an toàn và hiệu quả nhưng “điều này thường hóa ra là sai,” liệt kê Tamiflu và Vioxx làm ví dụ.
Nghiên cứu được công bố bởi Tập san JAMA Internal Medicine vào ngày 12/06.
Bối cảnh của Tamiflu
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận Tamiflu vào năm 1999 là phương pháp điều trị cho người lớn bị cúm. Kể từ đó, thuốc đã được mở rộng chỉ định cho trẻ sơ sinh từ hai tuần tuổi trong vòng hai ngày kể từ khi các triệu chứng xuất hiện và là thuốc phòng ngừa cho người từ 1 tuổi trở lên. Các cơ quan quản lý Nhật Bản và Âu Châu đã sớm làm theo Hoa Kỳ. Về sau, các quốc gia khác như Canada cũng chấp thuận sử dụng loại thuốc này.
Hầu hết các nghiên cứu ủng hộ việc cấp phép được tài trợ bởi Roche, công ty sản xuất thuốc. FDA cho biết thử nghiệm ban đầu cho thấy những người được điều trị bằng Tamiflu có thời gian bị bệnh ngắn hơn.
Theo FDA, việc điều trị có thể bắt đầu trong vòng 48 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến nghị mọi người nên dùng thuốc kháng virus như Tamiflu nếu họ nghi ngờ và được xác nhận bị bệnh cúm và phải nhập viện, bị bệnh nặng hoặc có nguy cơ cao bị biến chứng.
Khoảng 2.8 triệu bệnh nhân đã dùng Tamiflu vào năm 2020 tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cùng với các quốc gia khác đã dự trữ thuốc trong trường hợp nguồn cung cạn kiệt.
Bà McDonald và các đồng nghiệp lưu ý rằng các nghiên cứu đã báo cáo thời gian có triệu chứng giảm đi. Họ viết: “Liệu mức giảm này có ý nghĩa hay không khi so sánh với chi phí thuốc men, sự gia tăng các tác dụng phụ không nghiêm trọng và chi phí cơ hội của bỏ lỡ việc khám phá ra các liệu pháp hiệu quả hơn là một chủ đề nghiên cứu dành cho các nhà kinh tế y học và có thể được thảo luận trên cơ sở từng bệnh nhân.”
Các phân tích gộp trước đó
Một phân tích gộp do Roche tài trợ năm 2003 đã kết luận tamiflu này làm giảm các biến chứng và tỷ lệ nhập viện ở người lớn, kể cả người lớn khỏe mạnh.
Một phân tích tổng hợp vào năm 2014 lần đầu tiên bao gồm dữ liệu chưa được báo cáo từ các thử nghiệm ban đầu, đã kết luận rằng Tamiflu làm giảm thời gian có triệu chứng nhưng không ảnh hưởng đến việc nhập viện. Bài phân tích cũng phát hiện một số tác dụng phụ, bao gồm tăng nguy cơ buồn nôn và nôn.
“Nên cân nhắc giữa lợi và hại khi đưa ra quyết định sử dụng oseltamivir (tamiflu-ND) để điều trị, dự phòng hoặc dự trữ,” các tác giả cho biết vào thời điểm đó.
Một năm sau, một phân tích tổng hợp khác cho thấy loại thuốc này làm giảm thời gian có triệu chứng và thời gian nhập viện, mặc dù thuốc cũng làm tăng nguy cơ buồn nôn và nôn.
Trong phân tích tổng hợp mới đây, có một số thử nghiệm do Roche tài trợ, ngoài ra còn có bốn thử nghiệm đã báo cáo kết quả nhưng chưa được đưa vào phân tích tổng hợp trước đó.
Trong bốn thử nghiệm này, một nghiên cứu kết thúc vào năm 2017 cho thấy Tamiflu làm giảm sự phát tán virus nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến thời gian có triệu chứng. Một nghiên cứu khác kết thúc vào năm 2016 cho thấy một phương pháp điều trị mới hơn có tên baloxavir marboxil vượt trội hơn Tamiflu. Một nghiên cứu kết thúc vào năm 2018 cho thấy Tamiflu dẫn đến thời gian có triệu chứng ngắn hơn nhưng lại làm gia tăng tình trạng nôn mửa và buồn nôn. Nghiên cứu thứ tư cho thấy baloxavir marboxil tạo ra kết quả tương tự như oseltamivir.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times