Nghiên cứu: Khẩu trang chứa vi khuẩn và nấm gây bệnh
Theo một nghiên cứu Nhật Bản được công bố trên tạp chí Scientific Reports, một số vi sinh vật gây bệnh đã được xác nhận và định lượng trên khẩu trang dùng trong đại dịch.
Nghiên cứu trên là một trong những nghiên cứu đầu tiên nhắm đến vấn đề vệ sinh gây ra do sự phát triển của vi sinh vật trên khẩu trang dùng hàng ngày ở trong cộng đồng.
Các tác giả nghiên cứu cho biết: “Vì khẩu trang có thể là nguồn lây bệnh trực tiếp cho đường hô hấp, đường tiêu hóa và da, nên điều quan trọng là cần bảo đảm vệ sinh khẩu trang để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, vốn có thể gây trầm trọng thêm tình trạng nhiễm COVID-19.”
Nghiên cứu bao gồm 109 người từ 21-22 tuổi được hỏi về loại khẩu trang thường sử dụng, thời gian sử dụng và thói quen sinh hoạt. Vi khuẩn và nấm được thu thập từ ba loại khẩu trang làm từ lưới, polyurethane và vải không dệt, trong khoảng thời gian từ tháng 09 – tháng 10 năm 2020.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mặt trong của khẩu trang có nhiều vi khuẩn hơn, trong khi mặt ngoài có nhiều nấm hơn.
Ngoài ra, việc sử dụng khẩu trang lâu dài có thể dẫn đến gia tăng các loại nấm mốc thay vì vi khuẩn, do “nấm và các bào tử có thể sống sót trong điều kiện khẩu trang khô ráo.”
Loại khẩu trang vải không dệt có số khuẩn lạc nấm ở mặt ngoài ít hơn so với hai loại còn lại. Khẩu trang vải không dệt gồm có ba lớp, hai lớp trong ngoài làm bằng vải và lớp lọc ở giữa là vải không dệt.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng không có sự khác biệt đáng kể về số lượng vi khuẩn hoặc nấm mốc trên khẩu trang có thể giặt hay tái sử dụng sau khi giặt.
Các tác giả viết: “Phương pháp làm sạch thích hợp cho khẩu trang cotton đã được đề xuất để giúp giảm tải lượng vi sinh vật trên khẩu trang. Tuy nhiên, trong các thí nghiệm hiện nay, chúng tôi không thấy việc giặt khẩu trang không mang lại sự khác biệt đáng kể nào về số lượng khuẩn lạc vi khuẩn hoặc nấm mốc.”
Thói quen sinh hoạt
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra xem một số thói quen sinh hoạt như súc miệng, tiêu thụ natto (một loại đậu tương lên men) và sử dụng các phương tiện giao thông khác nhau, như phương tiện công cộng, phương tiện cá nhân, và đi bộ/đi xe đạp, có ảnh hưởng thế nào đến số lượng vi sinh vật trên khẩu trang.
Các tác giả viết trong báo cáo: “Chúng tôi không thấy có sự khác biệt về số lượng khuẩn lạc vi khuẩn hoặc nấm mốc trên cả hai mặt khẩu trang giữa ba loại phương tiện trên.”
Đồng thời, cũng không có sự khác biệt về số lượng vi sinh vật trên khẩu trang ở những người súc miệng mỗi ngày một lần. Súc miệng là một thói quen của người Nhật giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hô hấp. Cơ quan y tế Nhật Bản khuyến nghị người dân nên kết hợp súc miệng và rửa tay thường xuyên để phòng ngừa bệnh cúm.
Một nghiên cứu từ Trường Cao đẳng Y Penn được công bố trên Tạp chí Y tế Virology vào tháng 09/2020 cho biết, một số loại nước súc miệng và nước rửa mũi rất có hiệu quả trong việc vô hiệu hóa coronavirus ở người. Các sản phẩm này có thể giúp giảm tải lượng SARS-CoV-2 trong khoang miệng. SARS-CoV-2 là virus gây ra đại dịch COVID-19.
Một nghiên cứu thử nghiệm trên quy mô nhỏ đang được tiến hành bởi Đại học California, San Francisco xem xét việc súc miệng bằng một số loại nước hoặc dung dịch khác nhau có thể làm giảm tải lượng virus ở những người mắc COVID-19 hay không. Nghiên cứu dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 09 này.
Súc miệng bằng nước diệt khuẩn là một phần trong phác đồ của Front Line COVID-19 Critical Care Alliance (Liên minh FLCCC) giúp “phòng ngừa tái nhiễm kinh niên và tránh mắc bệnh” sau khi tiếp xúc với virus
Liên minh FLCCC là một tổ chức phi lợi nhuận gồm các chuyên gia chăm sóc tuyến đầu, những người đã dành thời gian để phát triển các quy trình điều trị nhằm “ngăn ngừa sự lây truyền COVID-19 và cải thiện các kết cục cho người mắc bệnh.”
Về việc tiêu thụ natto, một loại đậu nành lên men với vi khuẩn bacillus subtilis (B. subtilis), các nhà nghiên cứu cho biết những người thường xuyên tiêu thụ “có tỷ lệ xuất hiện các khuẩn lạc B. subtilis lớn màu trắng ở cả hai mặt khẩu trang cao hơn đáng kể so với những người không tiêu thụ.
Vi khuẩn B. subtilis là loại vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước, xác thực vật phân hủy và không khí. N.subtilis được sử dụng cho “ngành công nghiệp sản xuất protease, amylase, kháng sinh và hóa chất đặc biệt” và “không được coi là nguồn gây bệnh hoặc chất độc hại đối với động vật, thực vật và con người,” theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (pdf).
Vi khuẩn gây bệnh
Trong khi hầu hết vi khuẩn và nấm mốc ở khẩu trang là vô hại với con người, một số vi khuẩn có thể gây bệnh cơ hội hoặc gây bệnh trực tiếp (như vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm và nhiễm khuẩn tụ cầu), và một số loại nấm có thể gây bệnh hắc lào, nấm da chân và ngứa vùng bẹn.
Từ phát hiện trên, các tác giả nghiên cứu đề xuất những người suy giảm miễn dịch nên “tránh sử dụng khẩu trang nhiều lần để phòng nhiễm trùng do vi sinh vật.”
CDC nói rằng những người suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng nên đeo khẩu trang hoặc dùng mặt nạ phòng hơi khi COVID-19 đang lan rộng trong cộng đồng.
Cơ quan y tế CDC đã không trả lời yêu cầu bình luận của The Epoch Times về những phát hiện trên của nghiên cứu Nhật Bản.
Bằng chứng khoa học
Những người ủng hộ việc đeo khẩu trang trong đại dịch nói rằng khẩu trang giúp ngăn ngừa hoặc giảm sự lây truyền bệnh SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Paul Alexander, một nhà dịch tễ học và nghiên cứu, không đồng ý với quan điểm này. Ông nói, có hơn 150 nghiên cứu và bài báo đã kết luận rằng việc đeo khẩu trang y tế và khẩu trang vải không có hiệu quả trong việc làm giảm lây lan COVID-19, mà gây hại nhiều hơn.
“Cho đến nay, đã có bằng chứng chắc chắn và rõ ràng về việc khẩu trang không có tác dụng kiểm soát virus và có thể có hại, đặc biệt đối với trẻ em,” Alexander viết trong một ấn bản tháng 02 cho The Epoch Times.
Trong một đánh giá quan trọng (pdf) về khẩu trang vải dùng trong đại dịch, tác giả cho biết các bằng chứng không hề ủng hộ mọi người đeo khẩu trang vải để hạn chế lây lan virus.
“Các bằng chứng lâm sàng hiện nay cho thấy hiệu quả của khẩu trang là rất thấp. Các bằng chứng mạnh nhất hầu hết không cho thấy hiệu quả, với mười bốn trong số mười sáu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng không tìm thấy lợi ích có ý nghĩa thống kê trong phân bổ ngẫu nhiên ban đầu, khi so sánh việc dùng khẩu trang và không dùng khẩu trang,” các tác giả viết.
“Mặc dù thiếu bằng chứng chắc chắn về việc loại bỏ các hành động phòng ngừa khi đối mặt với các sự kiện chưa từng có như đại dịch COVID-19. Nhưng theo nguyên tắc đạo đức, độ mạnh của bằng chứng và các đánh giá tốt nhất về lợi ích của khẩu trang cần được thông báo trung thực trước công chúng,” họ nói thêm.
Trước đại dịch, vào năm 2008, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng quy mô nhỏ trên các nhân viên y tế Nhật Bản, để xem liệu khẩu trang y tế có làm giảm tỷ lệ mắc bệnh cảm cúm thông thường hay không.
Họ phát hiện ra rằng những người sử dụng khẩu trang “có nhiều khả năng bị đau đầu hơn trong suốt thời gian nghiên cứu”. Từ đó kết luận rằng, “việc đeo khẩu trang ở nhân viên y tế không được chứng minh là có lợi khi bị cảm lạnh hoặc có triệu chứng cảm lạnh.”