Nghiên cứu mới: Loại sơn vừa lọc không khí, vừa tự làm sạch
Các chất ô nhiễm trong không khí không chỉ có hại cho sức khỏe con người mà còn có thể để lại vết ố trên bề mặt công trình. Một nhóm các nhà hóa học đã phát minh ra một loại sơn mới có khả năng phản ứng với các chất ô nhiễm trong không khí, không chỉ làm sạch không khí mà còn có thể tự làm sạch bản thân lớp sơn.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tập san hóa học ACS Publications đã trình bày về công nghệ này. Các nhà nghiên cứu cho biết, dưới bức xạ tia cực tím, loại sơn mà họ phát minh ra sẽ phát sinh phản ứng hóa học với các chất ô nhiễm trong không khí để tạo ra những chất không gây ô nhiễm như nước và carbon dioxide. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu nói rằng loại sơn này có thể được tạo ra bằng cách tái sử dụng phế liệu.
Nhà hóa học Qaisar Maqbool của Đại học Công nghệ Vienna, một trong những nhà nghiên cứu, nói với Scientific American rằng: “Một trong những mục tiêu của chúng tôi là sử dụng càng ít thuốc thử tổng hợp càng tốt. Chúng tôi tạo ra loại sơn này từ chất hữu cơ như chất thải công nghiệp titan và lá rụng.”
Thông qua quá trình quang xúc tác, tia cực tím sẽ kích thích các electron trong hạt nano titan dioxide, khiến chúng tương tác với các phân tử nước trong không khí để tạo ra các gốc hydroxyl có hoạt tính cao. Những chất này không ổn định và có xu hướng phản ứng với các chất gây ô nhiễm tiếp xúc với bề mặt sơn, biến chúng thành những chất ít độc hại hơn như carbon dioxide và nước, v.v.
Các nhà nghiên cứu cũng bổ sung các nguyên tố như phosphor, nitơ, carbon, v.v. vào các hạt nano để giảm năng lượng cần thiết nhằm kích hoạt các phản ứng hóa học, giúp chúng có thể phản ứng dưới ánh sáng tự nhiên. Nghiên cứu cho biết, trong môi trường phòng thí nghiệm, các hạt nano đã loại bỏ 96% chất gây ô nhiễm tiếp xúc với bề mặt sơn.
Một nhà nghiên cứu khác, nhà hóa học Antonio Nieto-Márquez Ballesteros của Đại học Kỹ thuật Madrid, cho biết: “Môi trường trong phòng thí nghiệm rất nhỏ, hơn nữa mọi điều kiện đều được kiểm soát chặt chẽ, cho dù là nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ dòng phản ứng hay nồng độ chất ô nhiễm, v.v. Vì vậy, những kết quả tốt như thế có thể không đạt được trong môi trường tự nhiên.”