Nghiên cứu: Giá phân bón tăng vọt theo sau chiến sự Nga-Ukraine có thể khiến thêm một triệu người tử vong
Tình trạng giá phân bón tăng do chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra có thể khiến một triệu người trên toàn cầu tử vong, cũng là một nguyên nhân chính gây ra lạm phát lương thực trong năm nay, đồng thời ảnh hưởng đến hầu hết các tầng lớp nghèo khó hơn trong xã hội.
“Đây có thể là sự kết thúc của kỷ nguyên thực phẩm giá rẻ. Mặc dù hầu hết mọi người sẽ cảm nhận được tác động của thực trạng đó đối với việc mua sắm hàng tuần của họ, nhưng chính những người nghèo nhất trong xã hội, những người có thể đã phải chật vật mới mua được đủ thực phẩm tốt cho sức khỏe, mới là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất,” Tiến sĩ Peter Alexander, trích dẫn một nghiên cứu do Trường Khoa học Địa chất của Đại học Edinburgh dẫn đầu cho biết. “Mặc dù giá phân bón đang giảm so với mức đỉnh của đầu năm nay, nhưng vẫn ở mức cao, và điều này vẫn có thể dẫn đến lạm phát giá cả lương thực cao liên tục vào năm 2023.”
Sử dụng các mô phỏng mô hình điện toán, nhóm nghiên cứu này ước tính rằng tác động tổng hợp gồm giá phân bón tăng, chi phí năng lượng tăng, và những hạn chế xuất cảng có thể đẩy chi phí lương thực lên 81% vào năm 2023 so với năm 2021. Các nhà nghiên cứu nhận thấy không phải những hạn chế xuất khẩu mà là giá phân bón sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến giá lương thực.
Nếu giá phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao, nghiên cứu này ước tính rằng có thể có thêm một triệu người tử vong và thêm 100 triệu người bị suy dinh dưỡng. Số ca tử vong tăng cao nhất như vậy được dự đoán sẽ xảy ra ở Bắc Phi, Phi Châu cận Sahara, và Trung Đông.
Mặc dù việc ngừng xuất cảng từ Ukraine và Nga sẽ chỉ làm tăng chi phí lương thực lên 2.6% vào năm 2023, nhưng giá năng lượng và phân bón tăng sẽ gây ra mức tăng 74%.
Chi phí phân bón và thực phẩm
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi năm ngoái (2022), các chuyên gia lương thực đã cảnh báo về tác động thảm khốc mà giá phân bón cao sẽ gây ra đối với vấn đề an ninh lương thực.
Đa phần các thành phần để sản xuất phân bón hiện đại đến từ Ukraine và Nga. Moscow là nhà sản xuất chính các chất dinh dưỡng như phốt phát và kali vốn là thành phần chủ yếu để sản xuất phân bón.
Chi phí phân bón tăng mạnh sẽ dẫn đến việc nông dân ít sử dụng các sản phẩm này hơn. Phân bón là giải pháp để tạo ra năng suất cao. Nếu không có phân bón thì người ta sẽ cần thêm điền thổ để sản xuất lương thực cho thế giới.
Theo phân tích do Đại học Edinburgh thực hiện, các mô phỏng của họ cho thấy rằng tình trạng thiếu phân bón có thể làm tăng diện tích điền thổ lên tương đương với diện tích của phần lớn Tây Âu.
Các nhà nghiên cứu cho biết điều này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với nạn phá rừng, đa dạng sinh học, và lượng phát thải carbon.
Khủng hoảng phân bón
Một nghiên cứu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) được công bố hồi tháng Mười Một đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng phân bón này. Nghiên cứu này dự đoán tình trạng thiếu phân bón sẽ kéo dài vào năm 2023.
Điều này sẽ đe dọa an ninh lương thực và sản xuất nông nghiệp nói riêng ở Phi Châu, vì nông dân của châu lục này phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập cảng đầu vào nông nghiệp.
Nghiên cứu này cho thấy 19 thành viên WTO đã đưa ra 41 biện pháp liên quan đến phân bón từ ngày 01/01/2021 đến ngày 15/10/2022, với 75% trong số đó ở dạng các biện pháp chính sách thương mại.
Theo một thông cáo báo chí của WTO hôm 14/11, “Các biện pháp hạn chế xuất cảng chiếm tới 41% trong tổng số các biện pháp liên quan đến phân bón trong khi việc tăng thuế quan và trợ cấp nội địa đã gây thêm áp lực tăng giá phân bón quốc tế, đặc biệt là kể từ cuối năm 2021.”
Nghiên cứu này yêu cầu Nhóm 20 quốc gia (G20) khai triển tất cả các biện pháp chính sách hiện có để đối phó với thực trạng phân bón này.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times