Nghiên cứu: Cryptotanshinone có thể điều trị bệnh ung thư dạ dày do trào ngược dịch mật
Một nghiên cứu của khoa Trung Y, Đại học Baptist Hồng Kông (HKBU) đã cho thấy hợp chất cryptotanshinone chiết xuất từ cây đan sâm (Salvia miltiorrhiza) có khả năng điều trị và ngăn ngừa bệnh ung thư dạ dày do trào ngược dịch mật.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng trào ngược acid mật có thể khiến vi khuẩn gây viêm phát triển, từ đó dẫn đến căn bệnh ung thư dạ dày. Các kết quả nghiên cứu liên quan đã được công bố trên Advanced Science, một tập san khoa học quốc tế.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích mẫu dịch vị của 50 bệnh nhân viêm dạ dày do trào ngược dịch mật, 50 bệnh nhân ung thư dạ dày và 45 người trong nhóm đối chứng. Họ nhận thấy mẫu dịch vị của nhóm viêm dạ dày do trào ngược dịch mật và ung thư dạ dày có lượng acid mật cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng.
Acid mật là những acid yếu chảy vào dạ dày và làm đảo lộn sự cân bằng acid-base thông thường của dịch vị.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra 145 mẫu dịch vị nói trên và phát hiện thấy ở nhóm viêm dạ dày do trào ngược dịch mật và ung thư dạ dày, nồng độ cytokine lipopolysaccharide (một chất gây viêm) cao hơn so với nhóm đối chứng. Số lượng vi khuẩn tiết ra lipopolysaccharide cũng cao hơn đáng kể. Trong đó, số lượng vi khuẩn Prevotella melaninogenica chiếm tỷ lệ cao nhất.
Nhóm nghiên cứu cho rằng trào ngược dịch mật đã gây ra những thay đổi đáng kể ở môi trường bên trong dạ dày, dẫn đến sự thay đổi vi hệ dạ dày, từ đó phát triển thành bệnh viêm dạ dày và ung thư dạ dày.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên chuột. Phân tích tế bào và phân tử cho thấy vi khuẩn Prevotella melaninogenica có thể kích thích quá trình viêm trong dạ dày chuột bằng cách kích hoạt con đường IL-6/JAK1/STAT3. Đây là chuỗi phản ứng giữa một loạt các protein trong tế bào, liên quan đến khả năng miễn dịch, phân chia tế bào, chết tế bào và hình thành khối u.
Cryptotanshinone chiết xuất từ rễ cây đan sâm là một chất ức chế con đường tín hiệu STAT3. Các nhà nghiên cứu đã gây trào ngược dịch mật ở chuột thí nghiệm bằng phẫu thuật. Trong một nhóm tám con chuột không được dùng cryptotanshinone, ba con đã bị tổn thương dạ dày 50 tuần sau phẫu thuật. Trong nhóm sáu con chuột khác được chích cryptotanshinone, không quan sát thấy tổn thương dạ dày rõ ràng.
Nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng kết quả cho thấy cryptotanshinone có thể loại bỏ sự kích hoạt con đường IL-6/JAK1/STAT3 do lipopolysaccharide và acid taurodeoxycholic.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times