Hãng dược phẩm Moderna trình bày dữ liệu tích cực về vaccine ung thư mRNA, vẫn còn mối lo ngại về an toàn
Một loại vaccine mRNA thử nghiệm đã làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát ung thư da và tử vong ở bệnh nhân khi kết hợp với liệu pháp miễn dịch mà Keytruda, Moderna và Merck đã công bố trong tháng 12/2022.
Ung thư da là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, trong đó ung thư tế bào hắc tố melanoma là loại nghiêm trọng nhất.
Thử nghiệm: 44% bệnh nhân giảm tái phát ung thư hoặc tử vong
Thử nghiệm ngẫu nhiên bao gồm 157 bệnh nhân bị u ác tính giai đoạn III hoặc IV đã trải qua phẫu thuật trước đó, theo dữ liệu được cung cấp bởi các nhà sản xuất thuốc.
Một nhóm bệnh nhân được chích 9 liều vaccine mRNA thử nghiệm (mRNA-4157/V940) do Moderna sản xuất và thuốc trị liệu miễn dịch Keytruda, do Merck sản xuất, cứ ba tuần một lần trong khoảng một năm. Một nhóm khác chỉ được cho Keytruda.
Vaccine ung thư mRNA được sử dụng để kích thích phản ứng miễn dịch bằng cách tạo ra các phản ứng tế bào T cụ thể dựa trên các đặc điểm độc nhất của khối u của bệnh nhân. Keytruda là một kháng thể đơn dòng làm tăng khả năng phát hiện và chống lại các tế bào khối u của hệ miễn dịch.
Họ phát hiện ra rằng sự kết hợp giữa Keytruda và vaccine mRNA giúp giảm 44% nguy cơ tái phát ung thư hoặc tử vong so với chỉ sử dụng Keytruda.
“Kết quả ngày hôm nay rất đáng khích lệ đối với lĩnh vực điều trị ung thư,” ông Stéphane Bancel, giám đốc điều hành của Moderna, cho biết trong một thông cáo báo chí. “mRNA đã được biến đổi đối với COVID-19, và bây giờ, lần đầu tiên, chúng tôi đã chứng minh khả năng mRNA có tác động đến kết quả trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên ở khối u ác tính.”
Kết quả sơ bộ của thử nghiệm giai đoạn IIb đã được các công ty chia sẻ trong thông cáo báo chí. Kết quả chưa được công bố hoặc bình duyệt.
Hai hãng dược Merck và Moderna cho biết nghiên cứu giai đoạn III ở bệnh nhân u ác tính sẽ bắt đầu vào năm tới và các công ty sẽ xem xét thêm các loại khối u khác.
mRNA – Một ‘bước nhảy vọt về phía trước’ với những hạn chế
Bác sĩ Sanjay Philip Oommen, chuyên khoa ung thư huyết học tại Texas Oncology và là thành viên của đội ngũ nhân viên y tế tại Bệnh viện Texas Health Harris Methodist Hospital Fort Worth, nói với The Epoch Times rằng liệu pháp miễn dịch là dấu ấn trong điều trị khối u ác tính tiến triển để cải thiện khả năng sống sót và ngăn ngừa tái phát.
Ông nói thêm rằng việc có một loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA là “một bước tiến vượt bậc” để điều trị cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn III và IV.
Vaccine điều trị ung thư dựa trên mRNA đã được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng nhỏ trong nhiều năm, nhưng những nỗ lực trước đó đã bị hạn chế do tính không ổn định của thuốc, khả năng kích thích phản ứng miễn dịch kém và việc vận chuyển vật liệu di truyền vào cơ thể không hiệu quả.
Dược sĩ Eric Maroyka, BCPS, giám đốc cấp cao, Trung tâm Tiến bộ Thực hành Dược phẩm tại Hiệp hội Dược sĩ Hệ thống Y tế Hoa Kỳ (ASHP) giải thích: vaccine ung thư mRNA của Moderna được sử dụng kết hợp với Keytruda vì các khối u lớn hơn hoặc nặng hơn tỏ ra khó loại bỏ nếu chỉ sử dụng một vaccine.
Theo ông Maroyka, những thách thức để tìm ra vaccine ung thư hiệu quả bao gồm:
- Tế bào ung thư ức chế hệ thống miễn dịch.
- Ung thư bắt đầu từ các tế bào bình thường, khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch có thể khó phát hiện.
- Những người bị ung thư có phản ứng miễn dịch suy yếu.
“Đặc biệt là những người lớn tuổi,” ông nhấn mạnh. Điều này có nghĩa là họ không thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh sau khi chích vaccine.
Công nghệ vaccine ung thư mà Moderna thử nghiệm là nền tảng để phát triển vaccine COVID mRNA của họ.
Gần 15% gặp tác dụng phụ trầm trọng
Một số lượng đáng kể những người tham gia thử nghiệm đã trải qua các tác dụng phụ liên quan đến điều trị.
Trong quá trình thử nghiệm, các tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến điều trị đã xảy ra ở 14.4% bệnh nhân sử dụng cả vaccine mRNA và liệu pháp miễn dịch. Các phản ứng bất lợi đã ảnh hưởng đến 10%những người chỉ nhận được Keytruda, các công ty cho biết.
Ông Maroyka cho biết: “Vaccine điều trị ung thư có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau.
Những tác dụng phụ này có thể phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của một người trước khi điều trị, loại ung thư, mức độ tiến triển của bệnh cũng như loại và liều lượng vaccine điều trị đã nhận.
Hãy lạc quan một cách thận trọng khi nói về công nghệ biến đổi mRNA
Bác sĩ Robert Malone đã cảnh báo rằng dữ liệu ngắn hạn có thể gây hiểu nhầm. Tiến sĩ Malone là người đầu tiên phát minh ra công nghệ vaccine mRNA, vaccine DNA và nhiều công nghệ phân phối nền tảng DNA và RNA/mRNA phi virus.
Ông nói: “Quý vị thực sự phải theo dõi các kết quả lâu dài hơn, đặc biệt là khi vaccine có các hạt nano mang một số “độc tính nội tại.”
“Đó chính là trường hợp này,” bác sĩ Malone nói.
Về lĩnh vực vaccine ung thư, bác sĩ Malone cho biết ông đã theo dõi “chu kỳ khoảng 8 hoặc 10 lần hiện nay với nhiều bước đột phá được cho là khác nhau” thường là những bước đệm nhưng không nhất thiết phải là những bước đột phá mà người ta đang khoe khoang ngoài kia.
“Vì vậy, tôi khuyên quý vị nên thận trọng trong những phát biểu về vaccine này,” ông nói. “Hãy duy trì sự lạc quan, có lẽ đôi khi, lạc quan thái quá, nhưng tránh tin vào những thổi phồng quá mức mà những ông lớn dược phẩm này có xu hướng hướng tới.”
Nhìn chung, công nghệ nền tảng [mRNA] này dường như đang phát triển, nhưng có nhiều trở ngại đối với kết cục thành công, lâu dài và mạnh mẽ.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times