Nghiên cứu cho thấy nhiều người Mỹ hiện đang đặt câu hỏi liệu học đại học có ‘đáng’ không
Các chuyên gia cho biết giáo dục đại học tốn kém hơn bao giờ hết nhưng mang lại ít cơ hội tài chính hơn cho những sinh viên chọn những ngành có quá nhiều sinh viên ra trường.
Một số chuyên gia cho rằng bằng cấp đại học có thể có giá trị kém hơn so với trước đây.
Và theo ông Jackson Carpenter, người sáng lập Viện Chiều hướng Văn hóa (CCI), một nhóm tiếp thị chuyên điều tra và làm việc để định hình các xu hướng trong dư luận, ngày càng nhiều người đang thắc mắc liệu giáo dục đại học có thực sự xứng đáng với thời gian, tiền bạc, và công sức bỏ ra hay không.
Ông Carpenter cho biết, trong một nghiên cứu về các cuộc tìm kiếm trên Google về các chủ đề liên quan đến đại học, CCI nhận thấy tỷ lệ tìm kiếm cho câu hỏi “Học đại học có đáng không?” tăng 1,400%.
Ông Carpenter cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng cuộc phân tích nghiên cứu về một loạt yếu tố cho thấy “bằng đại học có giá trị trong một số trường hợp riêng.”
Ông nói rằng một chương trình giáo dục đại học có thể mang lại lợi ích “nếu quý vị đang muốn tham gia một ngành kỹ thuật cao hoặc nếu quý vị được tiếp cận với một ngôi trường sẽ cho phép quý vị tiếp cận những công việc được trả lương cao nhất, ưu tú nhất với mạng lưới tốt nhất có thể.”
Ông nói, đại học cũng có thể là một lựa chọn tốt nếu “có ai khác đài thọ cho việc học.”
Nhưng dư luận có vẻ đang thay đổi, ông nói.
Nhiều người Mỹ xem học đại học là cách để bảo đảm có được một công việc tốt, ổn định về tài chính, kiến thức hữu ích, và những mối quan hệ có giá trị. Giờ thì có vẻ như họ không chắc chắn lắm.
Ông Carpenter cho biết xu hướng đặt câu hỏi việc học đại học có xứng đáng hay không bắt đầu từ năm 2004. Nghiên cứu của công ty ông cho thấy xu hướng này tăng mạnh trong cuộc suy thoái năm 2008 và một lần nữa sau đại dịch.
Các thống kê của chính phủ cho thấy từ năm 2007 đến nay, nợ sinh viên ở Mỹ đã tăng gấp ba lần, từ 516 tỷ USD lên 1.5 ngàn tỷ USD. Ông Carpenter cho biết cũng trong khoảng thời gian này, tỷ lệ tốt nghiệp đại học đã tăng gấp sáu lần.
Tuy nhiên, trong 40 năm qua, số liệu thống kê cho thấy tiền lương thực tế — tiền lương được điều chỉnh theo lạm phát — không hề tăng, ông nói.
Ông nói: “Thực tế là sinh viên đại học hiện đang phải trả nhiều tiền hơn cho việc học nhưng lại có ít cơ hội hơn.”
“Mọi người đang nhận ra thực tế này, và họ nói rằng, ‘Có cách nào khác để có được một cuộc sống như mình hằng mong ước mà không cần học đại học và gánh khoản nợ đi kèm không?’”
Những bằng cấp đáng giá
Ông Preston Cooper, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Quỹ Nghiên cứu Cơ hội Bình đẳng, đồng tình với quan điểm rằng việc theo đuổi bằng đại học là không xứng đáng với chi phí bỏ ra.
Đối với nhiều người, đó không phải là con đường dẫn đến cơ hội như trước đây, ông nói với The Epoch Times.
Tuy nhiên, ông nói thêm, vẫn có những tình huống khiến tấm bằng đại học trở nên đáng giá.
Ông Cooper nói: “Nếu quý vị học đại học, quý vị theo học tại một trường không thu học phí quá cao, quý vị tốt nghiệp đúng hạn, và quý vị theo học một chuyên ngành đáp ứng thị trường lao động, như kỹ thuật, điều dưỡng, kinh tế hoặc kinh doanh, thì quý vị có thể sẽ nhận được sự đền đáp cho khoản đầu tư của mình.”
Ông cho biết, những sinh viên không đáp ứng được tất cả những tiêu chí này trong quá trình theo học có thể rơi vào khó khăn tài chính vì học đại học.
“Nếu quý vị chỉ so sánh mức lương trung bình mà một sinh viên tốt nghiệp đại học nhận được với mức lương trung bình mà một sinh viên tốt nghiệp trung học nhận được thì người tốt nghiệp đại học đó kiếm được nhiều hơn một chút,” ông Cooper nói. “Nhưng vấn đề với việc nhìn vào mức lương trung bình là quý vị không xét đến việc dữ liệu có thể trải rộng hơn so với giá trị trung bình.”
Ông nói, những chuyên ngành đại học tốt nhất để kiếm tiền là những chuyên ngành có thể trực tiếp dẫn đến việc làm. Ông nói, những ngành đó bao gồm khoa học máy điện toán, điều dưỡng, kinh tế, kinh doanh, khoa học chính trị, và một số ngành khoa học xã hội.
Ông nói, các bằng cấp về tâm lý học, triết học, nghệ thuật, âm nhạc, và nhân văn thường không đem lại thu nhập xứng đáng.
“Các trường đại học hiện nay đang đào tạo quá nhiều sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp trong các lĩnh vực này so với số lượng việc làm hiện có.”
Việc đào tạo nhân lực ít được trợ giúp
Ông Cooper cho biết, nguồn tài trợ của liên bang dành cho trường đại học đã khuyến khích việc đào tạo quá nhiều sinh viên tốt nghiệp.
Ông nói: “Nếu quý vị muốn theo học tại một trường đại học bốn năm truyền thống, thì quý vị có thể nhận được rất nhiều tiền từ chính phủ liên bang.”
“Nhưng nếu quý vị muốn tham gia một chương trình đào tạo nhân lực, thì nguồn tài trợ dành cho quý vị sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều, cả ở cấp liên bang lẫn tiểu bang.”
Nếu sinh viên đam mê cống hiến cuộc đời mình cho một lĩnh vực có nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn và ít việc làm hơn, thì ông Cooper cho biết ông sẽ không khuyên họ từ bỏ. Nhưng ông cho biết nếu họ không theo đuổi một trong những ngành nghề đó, thì việc theo đuổi một tấm bằng mang tính thị trường hơn sẽ là điều khôn ngoan hơn.
Cả ông Cooper và ông Carpenter đều cho biết số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học đã tăng lên nhiều đến mức các nhà tuyển dụng đã nâng cao yêu cầu về trình độ đại học đối với những người mới được tuyển dụng mà không tăng lương.
Và điều đó đã tạo ra một “thế giới nơi chúng ta chạy nhanh hơn chỉ để giữ nguyên vị trí,” ông Cooper nói.
Ông nói, một trở ngại đối với một số sinh viên là chủ nghĩa cực đoan ngày càng gia tăng do văn hóa chính trị thiên tả ở nhiều trường đại học. Xu hướng này đã khiến vào đại học trở thành một lựa chọn không hấp dẫn đối với nhiều người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống.
Nhưng hiện nay không chỉ một bên trong quang phổ chính trị đang đặt câu hỏi liệu có đáng học đại học hay không.
Theo nghiên cứu của CCI, bảy trong số 10 tiểu bang có tần suất tìm kiếm cao nhất với câu hỏi “Học đại học có đáng không?” là các tiểu bang từng bỏ phiếu cho Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020.
Chạy đua vũ trang về giáo dục
Ông Carpenter cho biết, các nhà tuyển dụng thường xem tấm bằng đại học là một dấu hiệu cho thấy người tìm việc thông minh, chăm chỉ, và có động lực. Ông nói, lối suy nghĩ đó là đúng trong một thế giới mà chỉ một nhóm nhỏ những người tài năng mới vào được đại học.
Theo nền tảng nghiên cứu quốc tế Statista, vào năm 1965, khoảng 5.92 triệu người Mỹ đã vào đại học. Công ty này nhận thấy rằng vào năm đó, nước Mỹ có dân số 199 triệu người. Điều đó có nghĩa là sinh viên đại học chiếm 2.9% dân số.
Statista nhận thấy vào năm 2020, khoảng 19.02 triệu trong số 331 triệu cư dân của đất nước đang theo học đại học. Con số đó đại diện cho 5.7% dân số Hoa Kỳ.
Theo số liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, ngày nay, 36% người Mỹ đã từng học đại học.
“Nếu quý vị muốn học đại học thì quý vị sẽ được học thôi,” ông Carpenter nói. “Quý vị sẽ tìm thấy một trường chấp nhận quý vị và nhận tiền của quý vị.”
Ông Carpenter cho biết, ở một phương diện nào đó, trường đại học đã trở thành một trường trung học kiểu mới. Và khi mọi người đều có trình độ học vấn cao hơn, thì sinh viên sẽ thấy mình đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang về giáo dục để có được những tấm bằng thậm chí còn gây ấn tượng hơn.
Ông nói: “Rốt cuộc quý vị sẽ gặp phải kết cục là lực lượng lao động có trình độ cao mà không có nhiều kinh nghiệm thực tế” và khoản nợ sinh viên tăng vọt.
Nhưng đại học không phải lúc nào cũng quá đắt đỏ đối với sinh viên, ông Carpenter nói. “Không phải lúc nào chúng ta cũng tốn nhiều tiền đến thế để đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp đại học.”
Ông quy trách nhiệm cho những trường học tài trợ có một bộ máy quan liêu ngày càng mở rộng và không cần thiết.
Một nghiên cứu của Các Ủy viên Hội đồng Trường và Cựu Sinh viên Hoa Kỳ (ACTA) cho thấy chi phí hành chính trong giáo dục đại học ngày càng tăng, trong khi chi tiêu cho giảng dạy thì dậm chân tại chỗ.
Tuy nhiên, ông Carpenter cho biết, mặc dù chi phí hoạt động tăng lên nhưng chất lượng giáo dục do các trường đại học mang lại có thể đã giảm. Vì vậy, sinh viên phải trả nhiều tiền hơn để nhận được ít hơn từ chương trình giáo dục.
Ông Carpenter cho biết, chi phí giáo dục cao và nợ nần kéo dài cũng có thể khiến một số sinh viên tốt nghiệp đại học kém thích nghi với một nền kinh tế luôn thay đổi.
Ông nói: “Nếu quý vị đã đầu tư sáu con số vào một chương trình giáo dục và do đó quý vị phải trả nhiều khoản nợ nần, để rồi làm việc trong một ngành không liên quan đến bằng cấp của mình thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều.”
Ông nói, ngay cả yếu tố văn hóa của trường đại học cũng không còn giá trị nữa.
Các trường đại học từng được xem là các trung tâm văn hóa kết nối giới trẻ với những ý tưởng mới.
Nhưng ông cho biết thời nay, “thay vì mọi người tìm đến chương trình giáo dục đại học để truyền đạt văn hóa cho họ, thì họ đang tìm đến các nhóm người có ảnh hưởng và các tổ chức trên mạng,” và những người mà họ có thể kết nối và liên kết.
Ông Carpenter hy vọng các doanh nghiệp sẽ bắt đầu chuyển dịch nhiều hơn sang một mô hình đào tạo nghề để thanh niên có thể học một nghề nào đó. Và ông nói, cha mẹ nên dạy trẻ em xác định và theo đuổi các cơ hội, thay vì tự động kỳ vọng các em vào đại học.
Ông Carpenter nói: “Thế hệ của tôi lớn lên với câu chuyện rằng nếu quý vị tuân theo các quy tắc, đi theo lộ trình đặt ra trước mặt, lấy được một tấm bằng trong bất cứ ngành nghề nào, thì quý vị sẽ có được một công việc tốt.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times