Nhiều trường cao đẳng Hoa Kỳ ngày càng gặp khó khăn về tuyển sinh và tài chính
Theo trung tâm nghiên cứu National Student Clearinghouse, trong thập niên qua, số lượng tuyển sinh đại học và cao đẳng đã giảm khoảng 1.5 triệu sinh viên, tương đương với 7.4%.
Trước khi trường Cao đẳng Cazenovia ở ngoại ô New York đóng cửa hồi tháng 05/2023 do số lượng tuyển sinh sụt giảm và các vấn đề về tài chính, sinh viên đã được phát cho một danh sách các trường trong cùng khu vực có thể sánh ngang với trường cao đẳng này, với mức học phí, các khóa học chuyên ngành, các chương trình trợ giúp tài chính, và chương trình thể thao tương đương.
Một trong những trường trong danh sách đó, Cao đẳng Wells, đã đóng cửa một năm sau đó vì những lý do tương tự — số lượng tuyển sinh thấp (354 sinh viên) và các vấn đề tài chính.
“Thật là vô lý khi sự việc như vậy lại xảy ra với hai trường trong hai năm,” anh Carter Matus, một sinh viên đã chuyển từ Cao đẳng Cazenovia sang Cao đẳng Elmira, cho biết. Một số bạn cùng lớp của anh đã cân nhắc đến Cao đẳng Wells nhưng lại chọn trường khác.
“May là họ không phải trải qua chuyện này một lần nào nữa,” anh nói.
Những gì anh Matus đã trải qua chỉ là một câu chuyện nhất thời nhưng “gần như khá căng thẳng” khi tìm kiếm một cơ sở giáo dục đại học nhỏ khác với chi phí tương đương có thể chấp nhận tín chỉ của anh và để anh được tiếp tục chơi trong đội bóng chày của trường. Anh đã đổi chuyên ngành của mình từ nghệ thuật sang kinh doanh và vẫn duy trì công việc vẽ tranh theo đơn đặt hàng của mình, sở hữu trang web “Art by Carter J. Matus.”
“Đó là một trải nghiệm cũng ổn thôi,” anh nói với The Epoch Times hôm 25/06, “nhưng tôi nhớ cảm giác sống gần một thành phố [Syracuse] hơn.”
“Nếu được làm lại từ đầu, có lẽ tôi sẽ ở lại Florida.”
Đây là thời buổi bất ổn đối với các trường cao đẳng ở ngoại ô. Cùng với Wells, trường Cao đẳng Saint Rose ở Albany và khuôn viên Staten Island của Đại học St. John cũng đã cấp bằng tốt nghiệp cho các khóa học cuối cùng hồi tháng Năm. Đại học Medaille ở Buffalo đã đóng cửa vào mùa hè năm ngoái (2023). Cao đẳng Cộng đồng Clinton chỉ tồn tại được bằng cách đóng cửa khuôn viên trường và sử dụng không gian tại Đại học SUNY Plattsburgh lân cận. Một số trường khác, cả tư thục lẫn công lập, đã cắt giảm mạnh ngân sách.
Sự suy thoái như vậy không chỉ giới hạn ở Tiểu bang Đế chế (Empire State, tên gọi khác của tiểu bang New York).
Theo trung tâm nghiên cứu National Student Clearinghouse, trong thập niên qua, số lượng tuyển sinh đại học và cao đẳng đã giảm khoảng 1.5 triệu sinh viên, tương đương với 7.4%.
Các trường đóng cửa đáng chú ý ở các vùng khác của đất nước trong năm nay bao gồm Cao đẳng Notre Dame ở Ohio, Cao đẳng Birmingham-Southern ở Alabama, Đại học Saint Katherine ở California, và Đại học Hodges ở Florida.
Theo ông Adam Kissel, học giả vãng lai của Trung tâm Chính sách Giáo dục thuộc Quỹ Di Sản, lý do chủ yếu là tỷ lệ sinh giảm, do vậy sẽ không có đủ sinh viên cho mọi trường học.
Ông cho rằng những người ra quyết định ở trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc chắc hẳn đã biết về xu hướng dân số này từ 20 năm trước, nhưng ít ai đại diện cho các trường tư thục lại bàn luận về việc sáp nhập hoặc chia sẻ dịch vụ để tồn tại.
“Có quá nhiều trường đại học thoái thác việc này,” ông Kissel nói.
Các yếu tố khác góp phần vào xu hướng này
Theo ông Kissel, có một số yếu tố khác góp phần vào những xu hướng tuyển sinh này, và có lẽ sẽ có thêm nhiều khuôn viên trường nữa phải đóng cửa.
Ngày càng nhiều người Mỹ đang đặt câu hỏi liệu một tấm bằng đại học có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không, vào thời điểm mà ngày càng nhiều người quan tâm đến các ngành nghề cũng như các chương trình giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp, vốn đòi hỏi ít cam kết hơn về thời gian và tiền bạc.
“Quý vị nghe được về khoản nợ sinh viên kếch xù, và rất nhiều người trong số họ [các sinh viên tương lai] đang nói, ‘Tôi có thể đi làm công việc sửa điện nước,” ông nói. “‘Sao tôi lại cần bằng cử nhân cho công việc đó chứ?’”
Ngoài ra còn có những thay đổi về văn hóa trên khắp các khuôn viên đại học ở Hoa Kỳ. Văn hóa uống rượu và tiệc tùng ở trường đại học không còn hấp dẫn như trước nữa. Ông Kissel cho biết, khi sinh viên nhận thức được về chi phí học tập tại các trường cao đẳng và đại học, và trở nên nghiêm túc hơn với các khóa học của mình, thì ngày càng có nhiều người chán ngấy với những hệ tư tưởng cấp tiến vốn đã trở nên phổ biến trong giáo dục đại học.
Năm 2022, tờ báo sinh viên Harvard Crimson đưa tin rằng 80% giảng viên của trường đại học này tự nhận mình là theo khuynh hướng tự do thiên tả về mặt chính trị. Hồi tháng 09/2023, Inside Higher Education đã phát hành một bài bình luận có tiêu đề “Giáo dục Đại học Không thể Giải quyết được Vấn đề Thiên vị Cánh tả” (Higher Ed Can’t Afford its Left-Wing Bias Problem).
“Sinh viên tự hỏi liệu họ có muốn ở trong môi trường đó hay không,” ông Kissel nói. “Nhiều người không còn tin tưởng các trường đại học có thể giáo dục tốt cho sinh viên nữa.”
Ông nói, sự kiện đóng vai trò “giọt nước làm tràn ly” là việc phát hành chậm Đơn đề nghị Tài trợ Sinh viên Liên bang Miễn phí (Free Application for Federal Student Aid, FAFSA) niên học 2024–2025, ảnh hưởng đến 1.8 tỷ USD tiền tài trợ sinh viên liên bang và khiến một số sinh viên không được ghi danh vào đại học do không nộp đơn đề nghị tài trợ này. Ông Kissel cho rằng sự thất bại này sẽ khiến thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học vốn đang gặp khó khăn phải đóng cửa vào năm 2025.
Theo College Board, tùy thuộc vào tiểu bang và loại trường, tổng chi phí gồm học phí, phí ăn ở, và lệ phí hàng năm trên toàn quốc trong năm học vừa qua dao động từ 11,000 USD đến hơn 80,000 USD. Tuy nhiên, phần chi phí mà sinh viên trả được sau khi đã nhận học bổng và tham gia các sáng kiến vừa học vừa làm có thể chỉ là một phần nhỏ trong số đó.
Ông Andrew Smalley, Chuyên gia Chính sách Cấp cao của Hội nghị Quốc gia các Cơ quan Lập pháp Tiểu bang (NCSL), ước tính rằng số lượng cơ sở giáo dục đại học đóng cửa ở Hoa Kỳ trong năm nay cao tới mức “mỗi tuần một trường,” mặc dù con số đó cũng bao gồm một lượng rất nhỏ các chương trình học lấy bằng hoặc chứng chỉ trực tuyến không có khuôn viên ngoài đời thực.
Chia sẻ trong chương trình podcast hôm 16/06 của NCSL với chủ đề “Giúp Giáo dục Đại học Trở nên Có trách nhiệm” (Making Higher Education Accountable), ông Smalley cho biết dữ liệu vẫn chứng minh rằng những người có bằng đại học kiếm được nhiều tiền hơn những người có bằng trung học trung bình 30,000 USD mỗi năm.
Ông cho biết mối lo ngại cấp bách là chưa đến 20% sinh viên sẽ thực sự hoàn thành một chương trình cấp bằng hoặc chứng chỉ tại một trường khác sau khi trường đang theo học đóng cửa.
“Đây là một sự lệch hướng nghiêm trọng đối với sinh viên, và có rất nhiều tiểu bang có thể cân nhắc xoay quanh các thủ tục giám sát tài chính, sáp nhập, hợp nhất, và đóng cửa nếu một trường đóng cửa,” ông Smalley nói. “Và các tiểu bang thực sự đang cân nhắc phải nhìn nhận về những thách thức đó như thế nào, và những gì họ có thể làm để trợ giúp sinh viên lấy được chứng chỉ hoặc bằng cấp từ các trường đó.”
Giống như những sinh viên đã chuyển trường do các trường cao đẳng và đại học ở tiểu bang New York đóng cửa gần đây, các giảng viên và nhân viên cũng phải trở nên linh hoạt và năng động nếu muốn tiếp tục niềm đam mê giáo dục của mình.
Ông David Rufo là một giáo sư chuyên ngành giáo dục mầm non tại Cao đẳng Cazenovia trước khi trường thông báo đóng cửa. Ông từng hy vọng được bổ nhiệm làm giảng viên chính ngạch và nghĩ rằng cuối cùng ông cũng đã tìm được công việc hoàn hảo thích hợp trong một cộng đồng gắn kết chặt chẽ có nhiều quyền tự do học thuật sau những công việc trước đây tại Đại học Syracuse và Đại học Fordham ở thành phố New York.
Chỉ trong vòng vài tuần, ông Rufo đã nhận được vị trí giảng dạy chính ngạch tại Đại học Utica. Công việc này đã khiến thời gian đi lại của ông tăng từ hai phút lên một tiếng đồng hồ, nhưng đổi lại có được sự bảo đảm về việc làm trong một trường học có số lượng tuyển sinh ngày càng tăng và có nhiều nhân viên trợ giúp hơn để giúp ông trong việc nghiên cứu và xuất bản.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times