Nghiên cứu: Các nhà đầu tư mã kim trẻ tuổi vẫn lạc quan bất chấp thị trường sụp đổ trong năm 2022
Năm nay là một năm đầy biến động đối với ngành công nghiệp mã kim, từ sự sụp đổ về giá cho đến cuộc khủng hoảng FTX. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy điều đó không làm nản lòng nhiều nhà đầu tư trẻ gửi thu nhập khả dụng của họ vào mã kim.
Theo Báo cáo Tình hình Ngành Mã kim mới của công ty môi giới Deliciousworks, thế hệ Z và thế hệ Y đang đầu tư vào các mã kim ảo.
Báo cáo cho thấy 21% trong số những người từ 18 đến 24 tuổi, 34.9% trong số những người từ 25 đến 34 tuổi, và 21.4% trong số những người từ 35 đến 44 tuổi đang giao dịch tiền điện toán. Trong khi thế hệ Z đang mua Bitcoin, thì thế hệ Y lại đầu tư nhiều hơn vào Ethereum.
Nhìn chung, hơn một nửa thế hệ Z và thế hệ Y muốn tích hợp mã kim vào kế hoạch nghỉ hưu của họ.
Các tác giả đã tìm ra một số phát hiện khác về tình hình mã kim năm 2022.
Trong năm nay, Dogecoin, Axie Infinity, Shiba Inu, Ripple, Uniswap, và Elrond là một vài trong số các loại mã kim phổ biến nhất khác ngoài Bitcoin và Ethereum. Tâm lý nhà đầu tư hầu hết là tích cực đối với nhiều loại tiền điện toán hàng đầu, từ Litecoin đến Chainlink cho đến Uniswap.
Tại Hoa Kỳ, địa điểm phổ biến nhất để đầu tư vào mã kim là Phoenix, chiếm 3.41% tổng số giao dịch mã kim của Hoa Kỳ. Kế đến là Bowie, Maryland (2.67%); Valley Springs, California (2.28%); và Frisco, Texas (1.58%). Các tiểu bang có số lượng máy ATM Bitcoin lớn nhất dựa trên quy mô dân số là Rhode Island (168), New Mexico (315), Texas (4,341), Connecticut (505), và Tennessee (963).
Nhưng dẫu các nhà đầu tư trẻ tuổi có lạc quan về mã kim, thì vẫn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều khi bước sang năm 2023.
Các nhà đầu cơ giá xuống sẽ thống trị vào năm 2023?
Hầu hết các loại tiền điện toán đều bị lỗ nặng trong năm nay. Bitcoin mất 63%, Ethereum giảm 66%, Cardano giảm 78%, Dogecoin giảm 50%, và Solana mất 92%.
Kể từ khi đạt đỉnh ở mức 2.83 ngàn tỷ USD hồi tháng 11/2021, tổng vốn hóa thị trường mã kim đã giảm khoảng 2 ngàn tỷ USD.
Vấn đề tranh luận là liệu mùa đông mã kim sẽ tiếp tục đóng băng sâu vào năm tới hay tan băng. Các phân tích có quan điểm trái chiều về năm 2023.
Chẳng hạn, giám đốc đầu tư toàn cầu VanEck dự đoán rằng Bitcoin có thể tăng lên 30,000 USD vào nửa cuối năm 2023, sau khi giảm mạnh xuống mức thấp nhất là 10,000 USD trong quý đầu tiên.
Ông Matthew Sigel, người đứng đầu bộ phận tài sản kỹ thuật số của VanEck, cho rằng sẽ có nhiều vụ phá sản các công ty khai thác mã kim, vốn có thể “đánh dấu điểm thấp nhất của mùa đông mã kim.” Tuy nhiên, giá Bitcoin có thể phục hồi nhờ “lạm phát thấp hơn, lo ngại về năng lượng giảm bớt, một thỏa thuận ngừng bắn tiềm ẩn ở Ukraine, và sự đảo ngược xu hướng nguồn cung M2.”
M2 là thước đo cung tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi chi phiếu, và chuẩn tiền tệ (tài sản dễ chuyển đổi gần như tiền, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ).
Đối với các nền kinh tế phát triển, các nhà đầu tư sẽ xem mã kim như một tài sản phòng ngừa rủi ro chống lại nguồn cung tiền M2 của Cục Dự trữ Liên bang, trong khi các thị trường đang phát triển sẽ tập trung vào [mã kim như] các lựa chọn thay thế cho “sự bá chủ của đồng USD” trong tư cách là một loại tiền dự trữ của thế giới.
“Trong khi đó, nếu kỳ vọng suy thoái của chúng ta trở thành hiện thực, Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát giảm, trong khi việc in tiền và thâm hụt ngân sách của chính phủ vẫn tiếp tục,” ông Sigel viết. “Chỉ cần không có tin xấu nào tập trung vào mã kim xảy ra, thì theo kịch bản trên, có thể khiến giá Bitcoin tăng trở lại ngưỡng 30,000 USD một lần nữa.”
Tuy nhiên, theo ông Eric Robertsen, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered, do có thêm “các vụ phá sản và niềm tin của nhà đầu tư vào tài sản kỹ thuật số giảm sút,” Bitcoin có thể giảm giá khoảng 70% xuống còn 5,000 USD vào năm tới.
Lo ngại về các tác động lan tỏa
Mặc dù giá mã kim đã sụt giảm mạnh kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 11/2021, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX có thể gây ra hiệu ứng lây lan cho các thị trường tài chính rộng lớn hơn. Nhưng khi trình bày trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Laith Khalaf, một nhà phân tích đầu tư từ AJ Bell, không thấy “các dấu hiệu của sự lan tỏa” từ mã kim sang các tài sản thông thường.
“Mã kim liên quan đến rất nhiều tiền, nhưng nó được xây dựng như một hệ sinh thái riêng biệt,” ông nói. “Nếu chúng ta gặp sự cố trên toàn hệ thống, thì quý vị có thể bắt đầu thấy mã kim ảnh hưởng đến các tài sản khác, nhưng tôi không thực sự thấy điều đó.”
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mặc dù tài sản mã kim và cổ phiếu hầu như được giao dịch riêng biệt trong những năm qua, nhưng giữa hai thị trường đang có một mối tương quan ngày càng tăng.
Bởi vì các tài sản mã kim đã trưởng thành từ một thập niên trước, với việc Wall Street đón nhận cuộc cách mạng tài sản kỹ thuật số, các nhà kinh tế của IMF cho rằng Bitcoin và chứng khoán có những chuyển động tương tự nhau. Kết quả là, có thể có “những hiệu ứng gợn sóng.”
IMF đã nêu trong một báo cáo hồi đầu năm nay: “Mối tương quan giữa mã kim và cổ phiếu tăng lên làm tăng khả năng lan tỏa tâm lý nhà đầu tư giữa các loại tài sản đó. Thật vậy, khi xem xét các tác động lan tỏa của giá cả và sự biến động giữa mã kim và thị trường chứng khoán toàn cầu, phân tích của chúng tôi cho thấy so với năm 2017–2019, các tác động lan tỏa từ lợi nhuận và biến động của Bitcoin đối với thị trường chứng khoán và ngược lại đã tăng đáng kể trong năm 2020–2021.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times