Nghiên cứu: Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng lên các công ty Trung Quốc thông qua các ưu đãi về quản lý
Hôm 07/02, một tổ chức tư vấn gồm các nhà phân tích kinh tế và chiến lược hàng đầu của Hoa Kỳ đã trình bày nghiên cứu cho thấy phương pháp mà chính quyền Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình đối với các công ty của quốc gia này.
Một hội thảo do các nhà nghiên cứu Curtis Milhaupt và Lâm Úc Hinh (Lauren Yu-Hsin Lin) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) dẫn đầu đã thảo luận về cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tăng cường kiểm soát một cách có phương pháp trong lĩnh vực kinh doanh.
Họ đã đạt được điều này chủ yếu thông qua các ưu đãi về mặt quản lý như thành lập [chi bộ] đảng cộng sản, tín nhiệm xã hội, và cổ phần quản lý đặc biệt.
Ông Milhaupt cho biết trong hội nghị web trực tiếp của CSIS rằng, “Một trong những phương diện vừa hấp dẫn vừa … phiền phức, và thậm chí có thể đe dọa đến quản trị doanh nghiệp của Trung Quốc kỳ thực là có hai hệ thống.”
Ông minh họa rằng ngoài cấu trúc quản lý doanh nghiệp tiêu chuẩn, còn có một hệ thống quản trị doanh nghiệp “ngầm” liên kết trực tiếp với ĐCSTQ vốn đã đạt được ảnh hưởng từ năm 2015.
Ông Milhaupt nói, “Các giám đốc điều hành doanh nghiệp ở Trung Quốc thường nắm giữ hai vai trò, vừa là một giám đốc công ty vừa là một đảng viên [ĐCSTQ].”
Từ năm 2015, một sự ảnh hưởng dù tinh tế nhưng vẫn rất dễ nhận thấy của ĐCSTQ đối với các công ty của Trung Quốc — cả trong nước lẫn quốc tế — bắt đầu xuất hiện. Và giống như nhiều thay đổi lớn, ảnh hưởng này bắt đầu bằng việc xây dựng chính sách.
Ủy ban trung ương ĐCSTQ và hội đồng nhà nước đã lưu hành một bộ gồm 10 điều khoản mẫu điều lệ mà ông Milhaupt nói là nhằm “chính thức hóa vai trò của đảng này trong quản trị doanh nghiệp của Trung Quốc.”
Một số điều khoản về quyền ra quyết định bao gồm việc trao cho các ủy viên của ĐCSTQ một cấp bậc cao hơn so với hội đồng quản trị hoặc ban giám đốc trong công ty. Đó là điều mà ông Milhaupt cho là “hoàn toàn ngược lại” với các thông lệ doanh nghiệp tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Và có vẻ như nhiều công ty Trung Quốc đang nhảy vào phong trào này. Từ năm 2015 đến năm 2018, 58% doanh nghiệp nhà nước sẵn sàng đưa các điều khoản về quyền ra quyết định của ĐCSTQ vào điều lệ doanh nghiệp của họ. Trong số các công ty tư nhân của Trung Quốc, 25% cũng sẵn sàng tuân thủ theo.
Đặc quyền đáng kể cho doanh nghiệp
Khi điều khoản này được gia hạn đến năm 2022, 90% doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã áp dụng “các quy định tượng trưng” của ĐCSTQ được nêu trong điều lệ công ty mới.
Ông Barry Naughton, nhà bình luận của hội thảo CSIS cho biết, “Các điều khoản về quyền ra quyết định là điều cần thiết nhất [để kiểm soát],” và gọi các chỉ thị của đảng cộng sản này là “vô đạo đức.”
Ông Milhaupt nói thêm, “Chúng tôi nhận thấy một sự gia tăng đột biến trong việc áp dụng các sửa đổi có tính xây dựng đảng của các công ty tư nhân.”
Và đó là bởi vì việc tuân thủ và liên kết với đảng đi kèm với các đặc quyền đáng kể cho các doanh nghiệp.
Hệ thống tín nhiệm xã hội đã trợ giúp cho việc này, chứng tỏ là một công cụ hiệu quả trong việc tác động đến cả các doanh nghiệp và cá nhân.
Năm 2014, ĐCSTQ đã phát triển một hệ thống nhằm xếp hạng cái mà bà Lâm gọi là “mức độ đáng tin cậy” của mọi thành viên tham gia thị trường ở Trung Quốc. Đó là một chương trình đầy tham vọng sử dụng một hệ thống xếp hạng dựa trên năm hạng mức để tính điểm.
Thang điểm dao động từ 0 đến tối đa 1,000 điểm và có thể dễ dàng tạo dựng hoặc phá hoại một doanh nghiệp ở Trung Quốc.
Bà Lâm nói, “Hậu quả là, nếu quý vị nhận được một đánh giá kém, quý vị sẽ gặp bất lợi trong việc tiếp cận tài chính, trong việc nhận được sự chấp thuận của chính quyền, hoặc chịu nhiều sự thanh tra nhiều hơn.”
Trong nghiên cứu của họ, bà Lâm và ông Milhaupt cho biết rằng các công ty Trung Quốc có quan hệ chính trị thường đạt điểm cao hơn trong xếp hạng tín nhiệm xã hội này.
Bất chấp những lời chỉ trích và lo ngại trên toàn cầu về những hành vi vi phạm nhân quyền, khái niệm tín dụng xã hội này đã được thuyết phục cho người dân Trung Quốc rằng đây là một phương tiện để ngăn chặn gian lận và tội phạm thông qua việc sử dụng giám sát và dữ liệu lớn.
Bà Lâm đã đưa ra một quan điểm rằng việc nhà nước sử dụng dữ liệu lớn để tăng cường kiểm soát đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc là “điều cần phải giám sát trong tương lai.”
Tiếp đến là việc sử dụng cổ phiếu quản lý đặc biệt. Đó là một khoản đầu tư nắm giữ cổ phần trong các doanh nghiệp truyền thông hoặc nền tảng internet khác — thường là khoảng 1% — và thông qua việc nắm cổ phiếu đó, để giành được một số quyền quản lý nhất định.
Bà Lâm cho biết đó là một phương pháp mà chính quyền này có thể mở rộng kiểm soát và kiểm duyệt đối với các công ty tư nhân. Nhà nước này thường sẽ giữ một ghế trong hội đồng quản trị và sau đó bổ nhiệm một tổng biên tập phụ trách việc đánh giá và phê chuẩn nội dung.
Các công ty đã cảm nhận được áp lực quản lý của ĐCSTQ từ phương pháp này bao gồm Alibaba, Tencent, Youku, và ByteDance.
Trong một nỗ lực để được đối xử ưu đãi, một số công ty Trung Quốc đang trực tiếp yêu cầu chính quyền nắm giữ cổ phần quản lý đặc biệt của công ty họ. Điều đó cũng có thể bảo đảm một con đường hanh thông vượt qua được các trở ngại như việc cấp giấy phép.
Điều đó còn tạo ra một mối liên hệ chính trị vững chắc giữa Đảng và các doanh nghiệp tư nhân.
Ý nghĩa kinh tế
Một báo cáo năm 2022 của Hội đồng Đại Tây Dương cũng đã bày tỏ lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của đảng cộng sản này đối với các công ty Trung Quốc. Báo cáo này kết luận rằng việc chính trị hóa ngày càng tăng có thể có “ý nghĩa quan trọng” đối với những ai chọn đầu tư vào các tài sản tài chính của Trung Quốc.
Bài phân tích trên cho biết thêm rằng khi các nhà đầu tư phương Tây tiếp xúc nhiều hơn với thị trường vốn Trung Quốc, “thì nền kinh tế toàn cầu ngày càng dễ bị tổn thương trước sự bất ổn kinh tế ở Trung Quốc.”
Cho đến nay, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hầu hết các khoản nợ doanh nghiệp phi tài chính của quốc gia này. Năm 2019, con số này thậm chí còn vượt quá tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia.
Vào năm 2020, các công ty thuộc sở hữu của chính quyền Trung Quốc bắt đầu vỡ nợ trong bối cảnh nhiều lo ngại kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra. Theo Fitch Ratings, năm đó, từ tháng Một đến tháng Mười, các doanh nghiệp nhà nước đã vỡ nợ với số trái phiếu trị giá hơn 6 tỷ USD.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times