Phân tích: Kinh tế Trung Quốc bước vào vòng xoáy tuột dốc với hai rủi ro lớn
Nhân khẩu học xấu đi và sản lượng thấp kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống
Nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển sang một vòng xoáy đi xuống trong trung và dài hạn do những khó khăn về nhân khẩu học và năng suất suy giảm sau khi nền kinh tế này giảm tốc đáng kể vào năm 2022 với mức tăng trưởng GDP đạt mức thấp thứ hai kể từ năm 1977.
Mặc dù kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục trong ngắn hạn, nhưng hôm 03/02 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng trung hạn, với mức tăng trưởng GDP giảm xuống 3.8% vào năm 2027, so với dự báo trước đó là 4.6%. Xu hướng giảm như vậy dự kiến sẽ tiếp tục trong giai đoạn 2025–2027, phản ánh những thách thức kinh tế dai dẳng ở Trung Quốc.
Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) đã đưa ra một dự báo dài hạn hơn trong báo cáo được công bố hồi tháng 12/2022, dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm dần từ mức trung bình 5.3% trong năm 2020–2025 xuống mức trung bình 2% vào năm 2036 –2040.
Theo báo cáo này, một bộ phận dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm sẽ ngày càng ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc.
Nhân khẩu học xấu đi
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc than phiền rằng hiện nay không dễ tuyển dụng nhân sự. Chỉ vài ngày sau Tết Nguyên Đán, chính quyền địa phương ở một số tỉnh duyên hải như Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô, Phúc Kiến đã tổ chức cho doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự khắp các tỉnh. Ví dụ, hôm 02/02, người ta thấy các nhà tuyển dụng xếp hàng dài chờ người tìm việc ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Trung Quốc, vốn là công xưởng của thế giới, có thể sẽ mất vị thế mà quốc gia này từng nắm giữ vì thiếu lực lượng nhân sự.
Từ năm 2012 đến năm 2020, dân số trong độ tuổi lao động của đất nước này đã giảm trong chín năm liên tiếp. Theo Cục Thống kê Quốc gia, dân số trong độ tuổi 16–59, mặc dù tăng nhẹ trở lại vào năm 2021, nhưng lại giảm xuống 6.66 triệu người vào năm 2022.
Dân số đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế vì lao động là một trong những yếu tố đầu vào tiêu chuẩn và sự suy giảm lực lượng nhân sự sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng đầu ra. Các vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc, phải mất hàng chục năm mới giải quyết được, khiến suy thoái kinh tế khó có thể đảo ngược.
Theo thông báo chính thức, tổng dân số đã giảm vào năm 2022, lần đầu tiên kể từ những năm 1960. Điều này đi kèm với một tỷ lệ sinh thấp và dân số già. Năm 2022, tỷ lệ sinh là 6.77%, một mức thấp kỷ lục kể từ năm 1978 và thấp hơn nhiều so với mức 10.41% vào năm 2019 trước đại dịch. Tỷ lệ sinh giảm cho thấy số lượng người đến tuổi lao động trong 15–20 năm tới sẽ ít hơn.
Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số đã lấy đi lợi tức nhân khẩu học đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia. Giáo sư Luo Shougui, Khoa Kinh tế và Quản trị Anh Thái (Antai) thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, gọi năm 2022 là “năm đầu tiên lão hóa nhanh ở Trung Quốc.” Những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em trong những năm 1962–1975 sẽ dần đến tuổi về hưu trong thập niên tới. Dân số mới về hưu rất có thể là hơn 20 triệu người mỗi năm, vì có khoảng 21–29 triệu ca sinh nở mỗi năm ở Trung Quốc từ năm 1962 đến năm 1975.
Một số người có thể lập luận rằng lực lượng nhân lực suy giảm có thể được bù đắp bằng năng suất tăng lên. Tuy nhiên, dân số giảm có tác động tiêu cực đến năng suất nhân tố tổng hợp do sự dịch chuyển nhân sự trong khu vực nhỏ hơn.
Ông Dominik Peschel, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Á Châu, tuyên bố rằng “sự đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước tính sẽ nhỏ hơn trong hai thập niên tới do một sự đóng góp nhỏ hơn nhiều từ việc chuyển dịch nhân sự theo ngành và lợi nhuận thấp hơn cho R&D.”
Ông nói, “Tốc độ di cư từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ dự kiến sẽ giảm dần theo thời gian. Điều này là do tỷ lệ lực lượng nhân sự làm việc trong nông nghiệp đã giảm đáng kể.”
Vòng luẩn quẩn của sản lượng thấp
IMF cho biết tăng trưởng năng suất yếu, đa phần là do vai trò của các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) có năng suất thấp và tính năng động trong kinh doanh giảm sút.
Các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc nổi tiếng với năng suất thấp. Bà Emilia M Jurzyk, chuyên gia kinh tế cao cấp của IMF, đã ghi nhận vào năm 2021 rằng các doanh nghiệp SOE được niêm yết công khai có năng suất và lợi nhuận thấp hơn so với các công ty niêm yết công khai mà nhà nước không có cổ phần sở hữu.
Các doanh nghiệp SOE Trung Quốc thường có khả năng tiếp cận vốn tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, vì ngành ngân hàng chủ yếu do các tổ chức nhà nước sở hữu. Ngược lại, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có hiệu quả hoạt động tốt hơn lại khó huy động vốn trên thị trường.
Điều này dẫn đến một sự phân bổ vốn không hợp lý, không chỉ làm giảm tổng năng suất mà còn làm suy yếu niềm tin của các doanh nhân, cản trở việc đầu tư thêm ít nhất là trong ngắn hạn, dẫn đến ít hoạt động sản xuất hơn và phải sa thải nhân công trong tương lai.
Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn khi ít hoạt động sản xuất hơn đồng nghĩa với sản lượng thấp hơn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Việc sa thải sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm thu nhập ròng của người dân, và ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng. Tiêu dùng thấp hơn cho thấy nhu cầu giảm, sẽ càng làm xói mòn niềm tin của các doanh nhân, dẫn đến đầu tư trì trệ và động lực kinh doanh trì trệ. Tất cả những điều này sẽ làm xói mòn thêm về sản lượng.
Ngay từ năm 2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liệt kê vấn đề khó khăn trong việc huy động tài chính doanh nghiệp là một trong năm hạng mục cần thay đổi hàng đầu trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị. Tháng Tám năm đó, ĐCSTQ cũng đã đề nghị tập trung vào cải tổ doanh nghiệp quốc doanh.
Sau gần 8 năm, doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn khó tiếp cận nguồn vốn chỉ có lợi cho các doanh nghiệp SOE, và năng suất thấp sẽ không thay đổi được trong ngắn hạn. Điều này có một đặc điểm tương tự như vấn đề nhân khẩu học.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times