Nghị viện Âu Châu chỉ trích ông Orban của Hungary vì gặp gỡ ông Putin ở Moscow
Gần đây, ông Orban đã gặp các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc—và ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu Donald Trump—như một phần của “sứ mệnh hòa bình” tự phong.
Thủ tướng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Hungary Viktor Orban đã bị Nghị viện Âu Châu chỉ trích vì hồi đầu tháng này đã đến thăm Moscow và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hôm 17/07, nghị viện có trụ sở tại Strasbourg này đã thông qua một nghị quyết lên án chuyến đi tới Nga của ông Orban. Theo đó, chuyến đi này “không đại diện cho Liên minh Âu Châu và là một sự vi phạm trắng trợn các hiệp ước cũng như chính sách đối ngoại chung của EU.”
Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc EU tiếp tục trợ giúp Ukraine, khẳng định rằng Budapest sẽ “phải đối mặt với hậu quả vì những hành động này.”
Phần lớn các nhà lập pháp EU—495 nghị viên—đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, trong khi 137 người bỏ phiếu phản đối. Bốn mươi bảy người bỏ phiếu trắng.
Hôm 01/07, Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Liên minh Âu Châu trong sáu tháng, cho phép nước này lên kế hoạch và tổ chức các sự kiện và cuộc họp của EU.
Tuy nhiên, theo các quan chức EU, vai trò này không cho phép ông Orban tiến hành ngoại giao thay mặt cho khối gồm 27 quốc gia này.
Ngoại trừ Thủ tướng Slovakia Robert Fico, ông Orban là nhà lãnh đạo EU duy nhất kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Ông Peter Szijarto, Ngoại trưởng Hungary, đã bảo vệ điều mà ông Orban gọi là “sứ mệnh hòa bình” của mình, sứ mệnh mà cũng đưa ông đến Kyiv, Bắc Kinh, và Florida.
“Việc bêu xấu một quốc gia vì ủng hộ các giải pháp ngoại giao là điều không thể chấp nhận được,” ông nói trong một tuyên bố hôm 16/07, được một phát ngôn viên của ông Orban đăng lên mạng xã hội.
“Trong các cuộc xung đột khác, EU luôn kêu gọi hòa bình và giải trừ vũ khí. Bây giờ, với Ukraine, họ thúc đẩy xung đột nhiều hơn.”
“Chúng tôi không nên bị coi là ‘con rối của ông Putin’ hay ‘nhà tuyên truyền của Điện Kremlin’ vì ủng hộ đối thoại và hòa bình.”
Cuộc gặp gỡ ở Moscow đã bị các nhà lãnh đạo EU đồng nghiệp của ông Orban chỉ trích gay gắt, trong khi Kyiv phàn nàn rằng cuộc gặp gỡ đã không được hỏi ý kiến trước.
Tuy nhiên, “sứ mệnh hòa bình” tự phong của ông Orban còn lâu mới kết thúc.
Hôm 08/07, ông đã có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc, quốc gia đã xích lại gần Nga hơn bao giờ hết kể từ khi nước này bắt đầu tiến hành cuộc xâm lược miền đông Ukraine.
Tại Bắc Kinh, ông Orban gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, và được cho là đã thảo luận với ông Tập về triển vọng đạt được hòa bình ở Ukraine.
Hôm 11/07, ông Orban đã tới Hoa Kỳ và gặp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại dinh thự của ông ở Florida.
Sau cuộc gặp, một phát ngôn viên của ông Orban cho biết: “Cuộc thảo luận là về những triển vọng hòa bình.”
Khi được hỏi về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Orban, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói, “Chắc chắn là không có sự phối hợp với phía Ukraine.”
Hôm 16/07, ông Sullivan nói với các phóng viên rằng: “Bất kỳ hành động phiêu lưu mạo hiểm nào đang được thực hiện mà không có sự đồng ý của Ukraine … đều không phải là điều phù hợp với chính sách của Hoa Kỳ.”
Hôm 18/07, thành viên EU Đan Mạch cho biết sẽ hạn chế cử quan chức tới các cuộc họp do nước chủ tịch EU sắp xếp để phản đối những hành động không được thừa nhận của ông Orban.