Nghệ thuật làm chủ những giá trị biểu cảm trong Múa Cổ điển Trung Hoa
Các nghệ sĩ múa cổ điển Trung Hoa có thể hóa thân thành nhiều nhân vật, nhưng một nghệ sĩ thực thụ không chỉ có khả năng bắt chước các chuyển động, mà còn thể hiện được nội tâm của nhân vật đó và truyền đạt những phẩm chất này đến khán giả.
Kenji Kobayashi đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật múa. Với chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật múa cổ điển Trung Hoa tại Đại học Phi Thiên, anh đã lưu diễn với công ty Shen Yun từ năm 2010 tại khắp các nhà hát hàng đầu thế giới. Năm 2016, anh đạt giải nhất hạng mục nam trưởng thành trong Cuộc thi Múa cổ điển Trung Hoa lần thứ 7 do NTD tổ chức.
“Nếu bạn muốn truyền đạt cảm xúc hoặc thông điệp từ nội tâm khiến lay động lòng người, bạn phải múa bằng cả trái tim, bằng cả tâm trí của bạn, và rồi cố gắng giống như người đó, nhân vật mà bạn đang diễn.” – KenJi Kobayashi
Kobayashi không chút e dè và sợ hãi, làm tất cả những gì có thể để khắc họa các nhân vật. Điều này được thể hiện qua bốn năm đóng vai một nhân vật nhiều biểu cảm và hài hước – chàng Trư Bát Giới – trong bộ tiểu thuyết kinh điển Trung Hoa, Tây Du Ký.
Trư Bát Giới là một trong những nhân vật khá nổi tiếng từ các truyện cổ Trung Hoa với tính cách sống động và hài hước. Kobayashi cho biết nhân vật này cần diễn xuất thật hài hòa với những nhân vật khác trên sân khấu, đặc biệt là với Tôn Ngộ Không, sư huynh của Trư Bát Giới, và với sư phụ Đường Tam Tạng.
Khi luyện tập, Kobayashi nói rằng anh và các vũ công khác cố gắng hóa thân vào nhân vật của họ cũng như xây dựng mối liên hệ giữa các nhân vật, để “chúng tôi làm việc hài hòa như một đội, cảm giác thật sự như các môn đệ và sư phụ, và như một gia đình. Bạn cùng nhau mang lại tất cả những cảm giác này.”
Khi tấm màn kéo lên, Kobayashi nói, “Tôi không nghĩ là tôi đang diễn. Tôi đặt mình vào nhân vật để có thể cảm nhận được họ đang nghĩ gì, họ đang cảm thấy thế nào, sẽ là thế nào trong tình huống này, anh ta sẽ làm gì, và rồi tôi cố gắng hóa thân vào nhân vật.”
“Mỗi nhân vật mỗi khác, vì vậy bạn phải tìm được điểm đặc trưng để nhập vai,” anh nói, lưu ý rằng ba người đàn ông ở độ tuổi 20, 50 và 70 sẽ có dáng đi khác nhau, diễn xuất khác nhau và thậm chí cách di chuyển khác nhau, và mỗi cá nhân cũng sẽ có một tính cách và đặc điểm riêng.
Tuy nhiên, nếu một nghệ sĩ chỉ mô tả các hành vi bề mặt thì chỉ giống như đang mặc một bộ trang phục, Kobayashi chia sẻ. Anh cho rằng để đi sâu hơn, “bạn phải cảm nhận nhân vật từ trái tim, bạn phải hình dung được họ đang cảm thấy thế nào, họ đang nghĩ gì. Để giống anh ta là một nhiệm vụ khó, nhưng đó là quá trình nghiên cứu nhân vật, và nó có thể giúp bản thân bạn trở nên xảo diệu hơn trong các màn trình diễn từ những trải nghiệm đó.”
Một phần quan trọng của múa cổ điển Trung Hoa là sự trau chuốt của nội hàm bên trong mỗi chuyển động, hay là “yun – vận” trong tiếng Trung, cho phép mỗi vũ công tìm ra phong cách độc đáo của riêng mình. Học cách để hóa thân thành một nhân vật là một quá trình lâu dài, nó đòi hỏi người vũ công phải trau dồi các kỹ năng và tu sửa tâm mình.
Với sự tập trung vào nhân vật và với niềm tin rằng cảm xúc và nội hàm được thể hiện trong điệu nhảy, Kobayashi cho biết: “Bạn phải tích cực, cố gắng làm việc chăm chỉ, đề cao, mạnh mẽ… thông qua múa, tôi học được cách bình tĩnh, cách kiểm soát các cảm xúc của mình, cách để thành thật với chính mình.”
“Tranh đấu, hay giận dữ, hay buồn bã, đó không phải là cái tôi thật của bạn. Trạng thái bình thường con người thật của bạn là hạnh phúc, tích cực và tươi sáng,” và nhớ rằng, “để trở thành một vũ công giỏi, bạn phải bắt đầu từ con người thật của mình.”
“Là một vũ công múa cổ điển Trung Hoa, bạn phải tìm ra bản chất thật sự của mình, để thể hiện chính bạn – cảm xúc bên trong của bạn,” Kobayashi chia sẻ. “Còn đối với phần diễn xuất và trình diễn, bạn cần có khả năng nhập vai, hòa cùng triều đại, cảm xúc; bạn phải trở thành loại cảm xúc đó hoặc dáng vẻ đó.”
Mỗi chuyển động trong múa cổ điển Trung Hoa đều có lịch sử và ý nghĩa. Để có thể hoàn thiện mỗi chuyển động, một vũ công cần phải nắm bắt được bản chất của nó, và thể hiện điều này trong các chuyển động. Kobayashi cho biết, “múa cổ điển Trung Hoa có lịch sử 5,000 năm. Đó là một kho báu của Trung Hoa.”
Không chỉ mỗi chuyển động và tư thế đều chứa đựng những phẩm chất sâu sắc, mà ngay cả sự chuyển tiếp giữa các chuyển động cũng có những đặc điểm riêng, và bắt nguồn từ các tư tưởng truyền thống Trung Hoa như lý thuyết Thái Cực về sự cân bằng giữa âm và dương.
“Vũ điệu cổ điển Trung Hoa nhấn mạnh vào vòng tròn, sự tròn trịa, vì vậy từ điểm này đến điểm khác, bạn không thể chuyển động rồi đột ngột đến điểm tiếp theo, bạn phải đánh một nửa vòng tròn, rồi mới chuyển,” anh nói và lưu ý rằng để đi qua phải, một vũ công trước tiên phải đi qua trái; và để nhảy, trước tiên một vũ công phải uốn cong chân và đẩy lên khỏi mặt đất. Kết quả là một chuyển động hài hòa và cân bằng hơn.
“Luôn luôn có âm dương, luôn có thứ gì đó để chuẩn bị trước chuyển động đó và trước kỹ thuật đó,” anh nói thêm rằng “lực chúng ta sử dụng để nhảy, chuyển động, nó hoàn toàn tự nhiên. Nó chỉ là cách mà cơ thể con người di chuyển một cách tự nhiên.”
Thông qua quá trình tìm hiểu về truyền thống Trung Hoa, và nghiên cứu các nhân vật để diễn xuất trên sân khấu, Kobayashi cho biết anh ngày một trân quý các giá trị truyền thống mà anh cố gắng truyền đạt trong các buổi biểu diễn của mình.
Kobayashi nói rằng khi anh có thể đạt được trạng thái thuần thiện và hiểu được các giá trị cốt lõi của văn hóa cổ xưa được truyền từ đời này sang đời khác, thì khi diễn xuất, khán giả có thể cảm nhận được những giá trị tích cực này.
“Lịch sử Trung Hoa quả thực rộng lớn,” anh nói. “Một số người có thể nghĩ đó là một điều gì đó của quá khứ, nhưng khi bạn xem màn trình diễn của chúng tôi, tôi nghĩ bạn sẽ thấy được bản chất chân chính và đẹp đẽ của nhân loại và thế gian, cũng như văn hóa và tài năng mà Thần đã ban tặng cho chúng ta. Nó rất huy hoàng và quý giá.”
Mời quý vị xem thêm video về Kenji Kobayashi
Joshua Philipp
Hàn Mặc biên dịch
Xem thêm: