Ngây ngất trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của thư viện thời Trung cổ hơn 600 năm tuổi
Tuyệt đẹp, uy nghi, vượt trên cả sự lộng lẫy — là những từ ngữ hoàn hảo để mô tả Đại sảnh Quốc gia của Thư viện Quốc gia Áo. Nơi đây chắc chắn là một trong những thư viện đẹp nhất thế giới.
Thư viện này nằm ngay giữa thành phố Vienna, nơi từng là trung tâm của một đế chế rộng lớn và hùng mạnh bao trùm khắp châu Âu.
Vì tri thức chính là sức mạnh, nên gia đình vương tộc Hapsburg lâu đời đã xây dựng thư viện đường bệ này ngay trong cung điện của họ — nơi kiến thức, ký ức văn hóa, và các tuyên bố về chủ quyền được thu thập để củng cố vững chắc quyền lực của gia tộc này.
Nhưng không có triều đại nào tồn tại mãi mãi. Và khi quyền lực của vương tộc Hapsburgs dần suy yếu, với khát vọng độc lập trong các vùng lãnh thổ ngày càng tăng, Thư viện Hoàng gia này đã trở thành Thư viện Quốc gia Áo, như chúng ta thấy ngày nay.
Tuy nhiên, nơi đây vẫn lưu giữ được hầu hết vẻ tráng lệ của một Đế chế từng được cho là do Chúa định ra.
Nổi bật nhất trong số những tuyệt tác nghệ thuật, kiến trúc, và di vật văn hóa trong thư viện này, nơi hiện là một bảo tàng, là Đại sảnh Quốc gia với kiến trúc bên trong theo phong cách baroque ấn tượng, hùng vĩ, dường như thông lên tận cõi Trời.
Tất nhiên, đây là một thư viện, do đó có rất nhiều các loại sách và bản thảo khác nhau — một vài cuốn trong đó có niên đại từ thời Trung cổ và mang giá trị to lớn — được chất cao ngất trên các giá sách ở hai bên của Đại sảnh Quốc gia. Tuy nhiên, không thể đọc được những cuốn sách này vì chúng đã sờn cũ theo thời gian và hiện được lưu trữ dưới dạng hiện vật lịch sử để có thể ngắm nhìn từ xa.
Tuy nhiên, ngoài những cuốn sách, Thư viện Hoàng gia còn có nhiều hiện vật khác, minh chứng cho quyền lực và di sản của vương tộc Hapsburgs. Thư viện được Vua Leopold Đệ nhất đưa ra kế hoạch tân trang và con trai ông là Vua Charles Đệ tứ đã hoàn thành việc này. Vua Charles đã khởi xướng việc xây dựng vào năm 1722.
Được hình thành như một tác phẩm nghệ thuật tổng thể theo phong cách baroque, Thư viện Hoàng Gia kết hợp tất cả các loại hình nghệ thuật chính — điêu khắc, kiến trúc, tranh bích họa — tạo thành một chỉnh thể hài hòa, đồng nhất.
Gian phòng trung tâm hình bầu dục thu hút sự chú ý bởi một bức tượng thần Hercules dưới tướng mạo của Vua Charles Đệ tứ, người đã đăng quang Hoàng đế La Mã Thần thánh. Đường cong ở hai bên [gian phòng] thể hiện hai chủ đề đối lập: chiến tranh và hòa bình, với các bức bích họa và họa tiết tương ứng.
Đại sảnh cao hơn 60 feet với trần hình mái vòm ở giữa, được trang trí với những cột trụ, đá cẩm thạch sặc sỡ, và [các chi tiết] dát vàng lá. Khi ngước nhìn bức bích họa chính, thiên đường như từ trên cao hạ thế, tuôn trào và hòa quyện vào kiến trúc xung quanh.
Cả các vị thánh và phàm nhân đều xuất hiện trên những đám mây được vẽ lên cùng với hình những ban công giả trong tác phẩm có tựa đề “Trở thành một vị thần” này, hài hòa với không gian của hội trường.
Nếu ghé thăm thành phố Vienna, bạn chắc chắn sẽ nhìn thấy trên các bích chương và tài liệu quảng bá du lịch hình ảnh mặt tiền, các bức tượng, và không gian nội thất với các bức bích họa kỳ ảo của Đại sảnh Quốc gia vì đây là một trong những viên ngọc lộng lẫy nhất của thành phố Vienna.
Tuy nhiên, trước khi Đại sảnh Quốc gia được xây dựng, Thư viện Hoàng gia đã ra đời từ nhiều thế kỷ trước. Vào thời Trung cổ, đây là nơi cất giữ kho báu của Công tước Albrecht III vào cuối những năm 1300, kho báu nằm trong một nhà nguyện bên trong lâu đài của Công tước.
“Ngoài đồ trang sức, đá quý, và các hiện vật độc đáo thu hút sự hiếu kỳ, các phòng [lưu giữ] kho báu của những người quyền thế còn cất giữ những cuốn sách có giá trị nhất,” theo thông tin từ Thư viện Quốc gia Áo. “Những kho báu này không chỉ có giá trị vật chất cao, mà trên hết còn mang tính biểu tượng và ý nghĩa thiêng liêng.”
Và trong bộ sưu tập này có cuốn sách cổ nhất trong thư viện ngày nay, cuốn Sách Phúc Âm, trong đó là những hình ảnh nổi tiếng mô tả bốn nhà truyền giáo, được trang trí ở các góc bằng huy hiệu của bốn gia tộc tại các vùng: Austria, Styria, Tyrol, và Carinthia.
Và, khi bộ sưu tập thay đổi chủ sở hữu (bao gồm cả một số Hoàng đế La Mã Thần thánh) qua nhiều thế kỷ, nó đã được mở rộng, với sự bổ sung các bộ sưu tập khác thông qua việc mua bán, hợp nhất, và các chuyến đi nghiên cứu của các học giả.
Ban đầu, bước vào thời kỳ thượng Phục Hưng, bộ sưu tập của thư viện này tập trung vào khoa học, lịch sử, và phả hệ nhằm hợp pháp hóa [quyền cai trị] và bảo vệ di sản Hoàng gia; vẻ đẹp của các bản thảo chỉ chiếm vị trí thứ yếu so với [việc khẳng định] quyền lực.
Tuy nhiên, theo thời gian, trong suốt thế kỷ 18, việc chỉ chú trọng vào một gia tộc đã nhận nhiều chỉ trích và theo đuổi tri thức đã trở thành trọng tâm của thư viện. Thư viện đã giới thiệu thêm hệ thống chỉ mục và bổ sung vào đó các công trình khoa học khác.
Trong lịch sử của mình, thư viện đã được di chuyển nhiều lần: từ lâu đài của Công tước; đến lâu đài của Hoàng đế Frederick Đệ tam tại thành phố Wiener Neustadt, vào thế kỷ 16; và đến Lâu đài của gia tộc Harrach năm 1623; trước khi được chuyển đến Hofburg, Cung điện Hoàng gia của vương tộc Hapsburgs, khi Đại sảnh Quốc gia hoàn thành vào năm 1726.
Đại sảnh Quốc gia là viên ngọc quý của thư viện, nhưng vẻ đẹp của thư viện này không chỉ dừng lại ở đó. Thư viện còn có các sảnh phụ, bảo tàng, và phòng đọc, làm phong phú thêm những bộ sưu tập ở nơi đây. Vào thế kỷ 18, đại sảnh này chủ yếu dùng làm phòng trưng bày cho các học giả thỉnh giảng. Hiện nay, đây là nơi để công chúng tham quan và thưởng lãm.
Đây là một trong những thư viện đẹp nhất trên thế giới, nhưng những tri thức được lưu giữ trong đó còn khiến nó đáng giá hơn thế nữa. Thư viện Quốc gia Áo chính là nơi lưu giữ những ký ức cổ xưa.
Bên cạnh 200,000 cuốn sách trong Đại sảnh Quốc gia, còn có các bản ghi trên giấy cói papyrus, một bộ sưu tập các quả địa cầu, các bản nhạc, những tấm bản đồ, những bài báo in, và vô số hiện vật, tổng cộng khoảng 4 triệu hiện vật.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times