Ngành trị liệu tâm lý ở phương Tây nở rộ nhờ trí tuệ phương Đông
Trong nhiều thập niên qua, người phương Tây đã đang hướng về phương Đông để tìm kiếm những phương pháp tiếp cận mới trong việc chăm sóc sức khỏe. Điều từng là lĩnh vực độc quyền của những người hippie và những người theo phong trào tâm linh New Age (Thời đại mới) nay lại trở thành xu hướng chủ đạo khi hàng triệu người Mỹ hiện được điều trị bằng phương pháp châm cứu hoặc tập yoga như một cách để chữa lành và ngăn ngừa bệnh tật.
Một môn tu luyện của phương Đông đang thu hút sự chú ý của một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe là một phương pháp rèn luyện cả tâm lẫn thân, có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa cổ xưa. Môn tu luyện này được gọi là Pháp Luân Công.
Trong một cuốn sách mới, “The Mindful Practice of Falun Gong: Meditation for Health, Wellness, and Beyond” (Thực Hành Chính Niệm Pháp Luân Công: Thiền Định vì Sức Khỏe, An lạc, và Hơn Thế Nữa), tác giả, nhà nghiên cứu, kiêm nhà trị liệu tâm lý Margaret Trey thảo luận về những điều mà nghiên cứu này cho thấy tiềm năng chữa lành của Pháp Luân Công, đồng thời khám phá trải nghiệm của chính bà khi áp dụng phương pháp thực hành này trong quá trình trị liệu tâm lý.
Phương pháp trị liệu bằng Thiền định
Từ những năm 1970, nhiều nhà trị liệu tâm lý đã sử dụng các triết lý Phật Giáo như một cách để giúp bệnh nhân kiểm soát căng thẳng và giảm bớt nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần. Và bà Trey nhận thấy Pháp Luân Công cũng có thể mang đến những ích lợi tương tự.
“Tôi đã đạt được rất nhiều thành công trong việc kết hợp Pháp Luân Công vào công việc trị liệu tâm lý của mình,” bà Trey cho hay. “Trong các buổi tư vấn này, Pháp Luân Công đã thực sự giúp bệnh nhân của tôi giải quyết mọi vấn đề của bản thân. Khi kết thúc khóa học, họ cảm thấy tốt lên rất nhiều.”
Theo tài liệu giới thiệu về môn tu luyện này, thì suốt nhiều thế hệ, Pháp Luân Công là một môn tu luyện được mật truyền từ thầy sang trò, trước khi được phổ truyền ra công chúng Trung Quốc vào năm 1992. Pháp Luân Công chưa từng có ý định sẽ được sử dụng như một phương pháp trị bệnh.
Các học viên của môn tu luyện này cho biết, giống như Phật gia và Đạo gia, mục đích chính của Pháp Luân Công là con đường dẫn đến giác ngộ. Vì vậy, các học viên dành thời gian ngồi tọa thiền; luyện các bài công pháp chậm rãi, nhẹ nhàng; và nỗ lực đạt đến tiêu chuẩn đạo đức cao trong cuộc sống thường nhật của họ.
Tuy nhiên, vì Pháp Luân Công trực tiếp giải quyết các vấn đề như tẩy tịnh tâm trí hỗn độn và [giúp bệnh nhân] vượt qua nỗi đau khổ không thể tránh của con người, bà Trey thấy rằng việc vận dụng các nguyên lý của Pháp Luân Công vào quá trình trị liệu tâm lý có thể giúp những tâm hồn lạc lối hoặc bị tổn thương trở nên sáng suốt và hiểu biết.
“[Khách hàng] của tôi có nhiều trường hợp bị mắc chứng rối loạn lo âu. Việc hướng dẫn họ thực hành các bài công pháp của Pháp Luân Công trong buổi trị liệu tâm lý thực sự đã giúp họ bình tĩnh lại. Tôi không biết điều đó xảy ra như thế nào. Tôi chỉ biết rằng điều đó đã giúp ích cho họ,” bà chia sẻ.
Một ví dụ mà bà Trey đề cập đến trong cuốn sách của mình là vị khách hàng có tên April (bí danh). Cô April bị chứng lo âu hành hạ, nhưng cô nhận thấy rằng Pháp Luân Công có thể ngay lập tức giúp tâm trí rối bời của cô tĩnh xuống.
“Tôi cảm thấy thư thái hơn, bớt lo âu, và bớt những thứ huyên thuyên trong đầu,” cô April bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn với bà Trey.
Theo bà Trey, cô April đã có thể chiến thắng “từng con quỷ bên trong mình thông qua quá trình trị liệu tâm lý kết hợp với [thực hành] Pháp Luân Công.” Nhờ đó mà sự tự tin và lòng tự tôn của cô April ngày càng lớn hơn, giúp cô vượt qua những ký ức đau buồn thời thơ ấu.
Việc trị liệu của cô April đã thuyên giảm từ cách đây 15 năm nhưng [đến nay] cô vẫn tiếp tục luyện tập Pháp Luân Công. “Pháp Luân Công chưa từng xa rời khỏi tâm trí tôi,” cô viết trong một bức thư gần đây gửi cho bà Trey.
Khác với cô April, phần lớn các khách hàng của bà Trey không tiếp tục thực hành Pháp Luân Công. Tuy nhiên, bà Trey cho biết việc kết hợp một số yếu tố của Pháp Luân Công vào những thời điểm thích hợp trong buổi trị liệu đã giúp nhiều người tạo được bước tiến đột phá và đạt được những lý giải sâu sắc mà trước đây họ không hiểu được.
Một khách hàng khác của bà Trey là anh Oskar (bí danh), đã cho thấy rất nhiều vấn đề mà các kỹ thuật trị liệu tâm lý thông thường không thể chạm đến. Anh Oskar là một người trưởng thành ở độ tuổi 30 nhưng có tâm lý của một cậu thiếu niên và có tiền sử về hành vi hung hăng, thậm chí là bạo lực.
“Tôi đã giải thích các nguyên lý của Pháp Luân Công cho cậu ấy bằng những thuật ngữ rất đơn giản,” bà Trey chia sẻ. “Tôi không chắc liệu điều đó có giúp ích gì cho cậu ấy không, nhưng bằng cách nào đó những lời này in sâu vào tâm trí của cậu.”
Khi quá trình điều trị đang tiến triển, Oskar đã kể cho bà Trey nghe về cuộc cãi vã giữa cậu và bạn gái. Trong lúc cãi vã, bạn gái đe dọa sẽ bỏ cậu vì vậy cậu đã lấy con dao làm bếp để ngăn cản cô. Nhưng khi cậu nhớ lại điều gì đó đã học được từ Pháp Luân Công, Oskar đã cân nhắc lại hành động của mình.
“Tôi nhớ chị từng nói rằng, tôi phải thể hiện sự thiện lương và suy xét cho người khác trước, vì vậy tôi đã làm theo,” Oskar kể với bà Trey. “Nên tôi đã không làm tổn thương cô ấy. Thay vào đó, tôi đặt con dao xuống. Tôi đã bày tỏ tình thương nhưng cô ấy vẫn rời bỏ tôi.”
Bà Trey cho biết Pháp Luân Công không phải là một phương pháp trị liệu giống như liệu pháp nhận thức hành vi — và Pháp Luân Công cũng không phù hợp với bệnh nhân mắc tâm thần nặng — nhưng có thể áp dụng trong phòng khám cùng với các kỹ thuật thịnh hành hơn. Theo bà Trey, Pháp Luân Công bổ trợ cho phương pháp tư vấn theo phong cách Rogerian (Hệ thống trị liệu của nhà tâm lý học Carl Rogers.)
“Triết lý Rogerian là một phương pháp trị liệu tâm lý với ba nguyên tắc: đồng cảm, luôn lạc quan về khách hàng vô điều kiện, và phù hợp trong quá trình thực hiện. Ngay lập tức, tôi thấy mối tương quan giữa ba nguyên tắc của kỹ thuật Rogerian với ba nguyên lý của Pháp Luân Công: chân, thiện, và nhẫn,” bà nói.
Tâm và Thân
Trong khi trải nghiệm của bà Trey cho thấy Pháp Luân Công có thể rất tốt cho sức khỏe tâm thần, thì cũng có nhiều bằng chứng cho thấy Pháp Luân Công còn có thể hữu ích cho sức khỏe thể chất.
“Trong các nghiên cứu về khoa học thần kinh của mình, tôi thấy rằng tâm trí rất có sức mạnh,” bà Trey nói. “Nếu bạn có thể thay đổi tâm trí của mình, thì bạn đang trên con đường hướng tới thân tâm khỏe mạnh và tinh thần an lạc. Sức mạnh tâm trí là rất quan trọng.”
Vào năm 2007, bà Trey đã tiến hành một nghiên cứu tiên phong có tên là Cuộc khảo sát ở Úc, để đánh giá khả năng chữa lành của Pháp Luân Công. Cuộc khảo sát này được phát triển như một phần trong luận án tiến sĩ của bà tại Đại học Nam Úc. Cuộc khảo sát này so sánh hiệu quả của Pháp Luân Công đối với sức khỏe thể chất và tinh thần theo cảm thụ của các học viên Pháp Luân Công và nhóm đối chứng gồm những thành viên không phải là học viên.
Kết quả cho thấy rõ ràng là thực hành Pháp Luân Công có tác động tích cực đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Khi thiết kế nghiên cứu của mình, bà Trey đã tìm đến các nhà nghiên cứu từng xem xét những ảnh hưởng sức khỏe khi áp dụng các nguyên lý tâm linh khác. Một nhà nghiên cứu đã có ảnh hưởng đến bà là tiến sĩ Harold G. Koenig, giám đốc Trung tâm Tâm linh, Thần học và Sức khỏe tại Đại học Duke.
Ông Koenig đã xuất bản hơn 400 ấn phẩm khoa học được bình duyệt, và 40 cuốn sách về nhiều chủ đề y học khác nhau, nhưng ông nổi tiếng nhất nhờ những lý giải sâu sắc của mình về tôn giáo. Các cuộc thử nghiệm được kiểm chứng của ông Koenig cho thấy việc thực hành tôn giáo và tâm linh thực sự giúp người ta cải thiện sức khỏe và trạng thái an lạc.
“Tiến sĩ Koenig là một tín đồ Cơ Đốc Giáo, vậy nên tất cả các nghiên cứu của ông đều cho thấy tác động về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần của việc thực hành đức tin Cơ Đốc,” bà Trey cho biết. “Tôi trích dẫn công trình của ông ấy để đưa ra lập luận cơ bản cho nghiên cứu của riêng mình.”
Cuộc khảo sát ở Úc cho thấy các học viên Pháp Luân Công hiếm khi phải dùng thuốc hoặc đến gặp bác sĩ, tuy nhiên, ở mọi chỉ số sức khỏe, nhóm người này lại đạt điểm cao hơn nhiều so với nhóm đối chứng không phải là học viên Pháp Luân Công.
“Trước khi bước vào tu luyện, nhóm học viên Pháp Luân Công có nhiều vấn đề về sức khỏe và y tế hơn nhóm không học Pháp Luân Công. Sau khi tu luyện, họ cho biết tình trạng [sức khỏe] của mình đã được cải thiện đáng kể,” bà Trey nói.
Theo tiến sĩ Heather Mattner, một nhà tâm lý học sức khỏe và giáo sư trợ giảng tại Đại học Nam Úc, từng là cố vấn cho bà Trey, thì Cuộc khảo sát ở Úc đã chứng minh cho sức mạnh của sự tĩnh lặng, bình hòa, và nhận thức đối với những người thực hành Pháp Luân Công.
Bà Mattner viết lời giới thiệu trong cuốn sách của bà Trey rằng, “Nghiên cứu [của bà Trey] đã cho thấy rằng Pháp Luân Công mang lại những ích lợi quan trọng cho rất nhiều cá nhân vốn đang phải chịu đựng bệnh tật, sức khỏe tâm thần bị tổn hại, và các căn bệnh mãn tính, theo những cách an toàn, lành mạnh, và mãn ý, mà không cần tuân theo thuốc men và các quy trình chữa bệnh thông thường.”
Theo tiến sĩ John Court, một giáo sư về hưu của Đại học Nam Úc, và từng là giám đốc dự án của bà Trey khi bà thiết kế Cuộc khảo sát ở Úc, thì Pháp Luân Công triển hiện các giá trị cơ bản tương tự như trong tất cả các truyền thống tâm linh.
“Chúng ta không nên quá ngạc nhiên về những lợi ích to lớn của Pháp Luân Công được báo cáo, vì các quá trình liên quan đến việc thực hành [đức tin này] cũng có nhiều mặt tương đồng với các phương pháp trị liệu hành vi và tâm lý học khác, và được một số hoàn cảnh thuận lợi gia trì (thực hành thường xuyên, cách thức đa dạng, nhấn mạnh vào sự làm chủ bản thân và đề cao đạo đức,)” ông Court viết trong lời giới thiệu cuốn sách của bà Trey.
Mặc dù các nghiên cứu về Pháp Luân Công vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ, nhưng những nghiên cứu hiện có cho đến nay đều cho thấy một bức tranh tương tự như cuộc khảo sát của bà Trey. Chẳng hạn vào năm 2005, trong một nghiên cứu được bình duyệt về Pháp Luân Công, công bố trên tạp chí trực tuyến của Hiệp hội Trị liệu Tâm lý Hoa Kỳ (American Counseling Association), một nhóm bác sĩ y khoa Hoa Kỳ đã tìm thấy biểu hiện gene vượt trội và khả năng miễn dịch được cải thiện ở những người tham gia học Pháp Luân Công so với những người tham gia không học Pháp Luân Công. Điều này chứng minh rằng Pháp Luân Công có thể ảnh hưởng đến biểu hiện gene, tăng cường khả năng miễn dịch, cân bằng tốc độ trao đổi chất, và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào.
Nghiên cứu gần đây nhất về môn tu luyện này được xuất bản dưới dạng bản tóm tắt cho cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ vào năm 2016. Báo cáo [cho thấy] có tới 97% bệnh nhân ung thư tuyên bố đã hồi phục hoàn toàn các triệu chứng bệnh sau khi thực hành Pháp Luân Công. Thời gian trung bình để hồi phục là 3.6 tháng sau khi bước vào tu luyện.
Thay đổi nhận thức
Đầu năm nay, bà Trey được mời đến thuyết trình 90 phút về cách bà tiếp cận việc áp dụng Pháp Luân Công vào quá trình tư vấn và trị liệu tâm lý cho Hiệp hội Trị liệu tâm lý Hoa Kỳ — tổ chức trị liệu tâm lý lớn nhất trên thế giới. Bà Trey cho biết sự giúp đỡ mà bà nhận được từ các đồng nghiệp là rất lớn.
“Trong lĩnh vực trị liệu tâm lý, hiện nay nhiều người đã chấp nhận rằng thực hành các môn thiền định phương Đông là rất có ích. Tâm linh và trị liệu tâm lý là một chủ đề quan trọng vào thời điểm này,” bà Trey cho hay. “Tôi đã đang có rất nhiều sinh viên ngành trị liệu tâm lý, đang làm cả thạc sĩ và tiến sĩ, thậm chí cả các giáo sư đều nói với tôi rằng thật tuyệt vời khi tôi tiến hành nghiên cứu về vấn đề này.”
Bà Trey đang tiếp tục nghiên cứu về Pháp Luân Công trong một dự án mới mà bà gọi là “Hearts Uplifted” (Tâm tính thăng hoa), trong đó xem xét các trường hợp điển hình của từng cá nhân học viên Pháp Luân Công cùng những trải nghiệm thần kỳ của họ về khả năng chữa lành và sự kiên định. Trong tương lai, bà hy vọng có thể thấy Pháp Luân Công được đưa vào thử nghiệm trong các cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, tương tự như các cuộc đánh giá về yoga.
“Người ta đã nghiên cứu yoga trong điều trị bệnh ung thư, rối loạn giấc ngủ, lo âu, giảm căng thẳng, và đủ loại vấn đề khác nhau, nhưng chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm,” bà Trey cho biết. “Các nghiên cứu về tác dụng của Pháp Luân Công đối với sức khỏe thể chất và tinh thần vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Tôi hy vọng rằng người ta sẽ liên hệ với tôi nếu [họ] quan tâm đến việc nghiên cứu sâu hơn.”
[Nhưng] công việc của bà Trey vô tình mang một khía cạnh chính trị. Trong khi Trung Quốc tiến hành các cuộc khảo sát của riêng họ nhằm chứng minh tác dụng sức khỏe thể chất và tinh thần đáng kinh ngạc của Pháp Luân Công vào cuối những năm 1990, thì thanh danh của môn tập này đã bị phá hủy vào năm 1999, sau khi nhà độc tài Trung Quốc thời đó là Giang Trạch Dân tiến hành một chiến dịch tàn bạo đối với Pháp Luân Công nhằm nỗ lực nhổ tận gốc môn tu luyện này ở Trung Quốc.
Để biện minh cho việc tra tấn và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công, [ĐCSTQ] đã dán nhãn môn tu luyện này là tà giáo, đồng thời dành nhiều năm để truyền bá các [luận điệu] tuyên truyền chống phá Pháp Luân Công với mục đích bôi nhọ pháp môn này.
Tuy những luận điệu này đã bị vạch trần từ nhiều năm trước, nhưng bà Trey kỳ vọng rằng một kết quả nghiên cứu tiềm năng của bà sẽ cho thấy một bức tranh toàn diện hơn về hiện tượng Pháp Luân Công.
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times