Ngân hàng Thế giới: Pakistan đề nghị tiến hành cải tổ kinh tế sau trận lũ thảm khốc
Một quan chức của Ngân hàng Thế giới cho biết, Pakistan sẽ cần phải thực hiện các cải tổ kinh tế và nhận hỗ trợ từ quốc tế để phục hồi sau trận lũ thảm khốc đã khiến hơn 1,500 người thiệt mạng và phá hủy hàng triệu ngôi nhà.
Hôm Chủ Nhật (23/10), ông Martin Raiser, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Nam Á, cho biết Pakistan đang rất cần sự tương trợ từ cộng đồng quốc tế.
Hồi tháng trước, Pakistan đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt chưa từng có, do những trận mưa gió mùa lớn hơn bình thường gây ra bắt đầu hồi tháng Sáu. Hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng, hơn nữa mùa màng và cầu cống đều bị phá hủy.
Ông Raiser cho biết chính phủ Pakistan phải thực hiện các biện pháp nội bộ để phục hồi nền kinh tế khi mà người dân đang phải gồng gánh giá điện đắt đỏ.
“Đây là lý do tại sao [chính quyền] đang phải đối mặt với việc thua lỗ trong việc phân phối mà giá điện lại cao,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn địa phương Geo TV. Raiser, khuyến nghị Pakistan tiến hành các cải tổ trong ngành năng lượng.
Pakistan cần ‘các khoản tiền lớn’
Thủ tướng Shehbaz Sharif nói rằng Pakistan cần “một khoản tiền to lớn” để tái thiết cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do lũ lụt. Ông nói rằng đất nước của mình không tìm cách gia hạn nợ mà là có “thêm ngân quỹ.”
Ông Sharif nói trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 19/10: “Có một khoảng cách — hơn nữa là một khoảng cách rất nghiêm trọng — đang rộng ra từng ngày giữa nhu cầu của chúng tôi và những gì chúng tôi nhận được.
Nợ ngoại quốc của Pakistan là hơn 130 tỷ USD, trong đó nợ Trung Quốc là 30 tỷ USD. Tờ The Indian Express đưa tin, Pakistan đã yêu cầu Trung Quốc gia hạn khoản nợ 6.3 tỷ USD của họ sắp đến hạn thanh toán trong tám tháng tới.
Hãng thông tấn địa phương The News đưa tin, dự trữ ngoại hối của Pakistan ở mức 7.5 tỷ USD. Trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại lên tới 32.4 tỷ USD cho nền kinh tế và Pakistan cần ít nhất 16.2 tỷ USD để tái thiết cơ sở hạ tầng.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Ishaq Dar đã kêu gọi sự hỗ trợ chính sách nhiều hơn từ các cơ quan tài trợ quốc tế, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á Châu, và Ngân hàng Thế giới.
Hôm 21/10, Ngân hàng Phát triển Á Châu đã phê chuẩn khoản tài trợ 1.5 tỷ USD cho Pakistan, trong khi hồi tháng Tám, IMF đã giải ngân khoản tiền 1.1 tỷ USD như một phần của gói cho vay 6 tỷ USD được ký hồi năm 2019.
Liên Hiệp Quốc đã tăng mức kêu gọi cứu trợ lũ lụt ban đầu từ 160 triệu USD lên 816 triệu USD để giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt ở Pakistan, nơi mà Tổng thư ký Antonio Guterres mô tả là đang bị “đại thảm họa khí hậu ngoài sức tưởng tượng” tàn phá.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times