Ngân hàng trung ương Pakistan tăng lãi suất lên cao nhất kể từ năm 1999
Ngân hàng trung ương Pakistan hôm 25/11 đã tăng lãi suất chính sách thêm 100 điểm cơ bản lên 16% — mức cao nhất kể từ năm 1999 — trong bối cảnh các tác động tiêu cực đến nguồn cung trong nước và toàn cầu kéo dài đã đẩy lạm phát lên cao hơn.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của quốc gia này cho biết quyết định trên được đưa ra để ngăn chặn lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát khi áp lực lạm phát trở nên “mạnh mẽ và dai dẳng hơn dự kiến.”
MPC cho biết trong một tuyên bố: “Điều này nhằm mục đích bảo đảm rằng lạm phát tăng cao không trở nên nghiêm trọng và ngăn chặn các rủi ro đối với sự ổn định tài chính, từ đó mở đường cho tăng trưởng cao hơn trên cơ sở bền vững hơn.”
“Những tác động tiêu cực này đang ảnh hưởng lan ra giá cả và tiền lương nói chung, điều này có thể phá vỡ kỳ vọng lạm phát và làm suy yếu tăng trưởng trung hạn. Do đó, không thể bỏ qua sự gia tăng lạm phát do chi phí đẩy và cần phải có phản ứng về chính sách tiền tệ.”
Hành động này đưa mức tăng lãi suất năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước Pakistan lên 625 điểm cơ bản. Ngân hàng trung ương đã giữ nguyên tỷ giá trong hai cuộc họp cuối cùng vào tháng Mười và tháng Chín.
Theo MPC, lạm phát toàn phần (headline inflation) của Pakistan đã tăng lên 26.6% trong tháng Mười, do giá năng lượng và lương thực tăng lần lượt là 35.2% và 35.7%.
Lạm phát cơ bản (core inflation) lần lượt tăng lên 18.2% và 14.9% ở khu vực nông thôn và thành thị. Giá lương thực đã tăng đáng kể do thiệt hại mùa màng từ các trận lũ lụt gần đây vốn đã ảnh hưởng đến hơn 30 triệu người.
MPC tuyên bố: “Lũ lụt có thể gây khó khăn cho việc đạt được mục tiêu củng cố tài khóa mạnh mẽ như dự kiến trong năm nay, nhưng điều quan trọng là phải giảm thiểu trượt giá bằng cách đáp ứng nhu cầu chi tiêu bổ sung chủ yếu thông qua tái phân bổ chi tiêu và các khoản trợ cấp ngoại quốc, đồng thời chỉ hạn chế chuyển khoản cho những người dễ bị tổn thương nhất.”
“Việc duy trì kỷ luật tài khóa là cần thiết để đi kèm với việc thắt chặt tiền tệ, hai điều này sẽ cùng nhau giúp ngăn chặn lạm phát gia tăng và giảm bớt các tổn thương bên ngoài.”
Ông Martin Raiser, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Nam Á, tháng trước đã kêu gọi chính phủ Pakistan thực hiện các biện pháp nội bộ để vực dậy nền kinh tế, và chỉ ra những người dân vốn đã phải chịu gánh nặng chi phí năng lượng cao.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times