Ngân hàng Dự trữ New Zealand thừa nhận vai trò trong bối cảnh lạm phát cao
Thống đốc ngân hàng trung ương New Zealand đã thừa nhận vai trò của tổ chức này trong việc góp phần gây ra tỷ lệ lạm phát cao của đất nước.
Khi Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) thực hiện đánh giá lần đầu tiên về việc áp dụng chính sách tiền tệ theo đuổi lạm phát thấp của mình, thống đốc Adrian Orr đã thừa nhận trong một bài báo nghiên cứu về những sai lầm của tổ chức này sau năm 2019 đã dẫn đến lạm phát như thế nào.
Bài báo do cựu thống đốc RBNZ Graeme Wheeler đồng tác giả và được xuất bản tại tổ chức nghiên cứu chính sách New Zealand Initiative, cho rằng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã quá tự tin, mất tập trung vào sự ổn định giá cả, và bị phân tâm bởi các mục tiêu chính trị không liên quan.
Ông Wheeler nói: “Để bắt đầu khôi phục sự tín nhiệm đã bị tổn hại của mình, các ngân hàng trung ương phải đánh giá và thừa nhận tại sao các mô hình và nhận định của họ lại không chính xác và thông báo cho công chúng về những bước họ đang thực hiện để xây dựng lại niềm tin của công chúng.”
Đồng tác giả Bryce Wilkinson, thành viên nghiên cứu cao cấp tại New Zealand Initiative, cho biết các hậu quả kinh tế và tài chính của những sai lầm này sẽ rất nghiêm trọng và tác động đến nhiều người.
Ông nói: “Những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các sai sót trong chính sách tiền tệ.”
Đáp lại, ông Orr thừa nhận trong một tuyên bố rằng tỷ lệ lạm phát 7.3% hiện tại của đất nước đã bị ảnh hưởng bởi các quyết định của ủy ban chính sách tiền tệ của RBNZ trong những năm gần đây.
“Sự thừa nhận này được phản ánh trong các tuyên bố chính sách tiền tệ thường xuyên của chúng tôi và thông qua những nỗ lực không ngừng của chúng tôi để dập tắt nhu cầu dư thừa trong nền kinh tế,” ông nói. “Lạm phát không phải là bạn của bất kỳ ai và gây ra tổn thất kinh tế.”
“Tôi lấy làm tiếc rằng ủy ban — và xã hội nói chung — đã phải đương đầu với đại dịch COVID-19 và các sự kiện gần đây khác khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng đột biến”.
Tuy nhiên, ông Orr bác bỏ lập luận rằng ngân hàng đã bị “phân tâm” bởi các mục tiêu không liên quan, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng.
Ông nói: “Chúng vẫn có liên quan cao đến Ngân hàng Dự trữ trong việc đạt được mục đích lập pháp của chúng tôi là tăng cường thịnh vượng kinh tế và phúc lợi cho tất cả người dân New Zealand.”
Lạm phát tại New Zealand
Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng lên 7.3% trong tháng Sáu, mức cao nhất trong 32 năm, dẫn đến việc tăng chi phí nhà ở và chuyên chở.
RBNZ đã thực hiện bốn lần tăng đáng kể đối với tỷ giá tiền mặt chính thức vào năm 2022, hiện đang ở mức 2.5%.
Sự đồng thuận của thị trường dự kiến sẽ tăng thêm 0.5% nữa trong tuyên bố chính sách tiền tệ tiếp theo, sẽ được công bố hôm 17/08.
Trong tuyên bố vào tháng Bảy, RBNZ báo hiệu rằng họ vẫn “rất thoải mái” với tốc độ lãi suất tăng mạnh, dự kiến vào cuối năm sẽ ở mức khoảng 3.5% và đạt đỉnh điểm vào giữa năm 2023 là 4%.
Việc đánh giá chính sách tiền tệ sẽ đánh giá kết quả lạm phát và việc làm của các quyết định của mình so với các ngân hàng trung ương khác và các kết quả thay thế có thể xảy ra nếu các quyết định đó không được thực hiện.
Ông Orr nói, “Chúng tôi là một tổ chức luôn học hỏi, và thông qua quy trình mở của việc đánh giá hoạt động và đánh giá chính sách tiền tệ, chúng tôi sẽ hiểu rất rõ về các bài học kinh nghiệm của mình khi chúng tôi luôn tìm cách làm một công việc đẳng cấp thế giới cho người dân New Zealand.”
Cô Rebecca Zhu có trụ sở tại Sydney. Cô tập trung vào các vấn đề quốc gia của Úc và New Zealand. Liên hệ với cô ấy tại [email protected].