Suy thoái đã ở đây rồi
Cuộc tranh luận về rủi ro suy thoái là vô nghĩa. Chúng ta đã ở trong một cuộc suy thoái rồi. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế ở Hoa Kỳ đã giảm với tốc độ hàng năm là 1.6% trong quý đầu tiên. Atlanta Fed Nowcast cho thấy mức giảm 1.5% trong quý thứ hai. Nhưng các số liệu căn bản còn đáng sợ hơn.
Theo Fed Atlanta, “Ước tính của mô hình GDPNow cho tăng trưởng GDP thực tế (tỷ lệ hàng năm được điều chỉnh theo mùa) trong quý 2/2022 là -1.5% vào hôm 15/07, giảm từ -1.2% hôm 08/07.”
Đó là một sự thay đổi tiêu cực rất lớn, – 0.3% GDP, trong một tuần. Họ tiếp tục nói rằng “dự báo hiện tại về tăng trưởng chi tiêu cá nhân thực tế trong quý thứ hai và tăng trưởng tổng đầu tư trong nước thực tế của khu vực tư nhân giảm lần lượt từ 1.9% và -13.7% xuống 1.5% và -13.8%”.
Đầu tư đang sụp đổ, tiêu dùng hầu như không được duy trì, và nếu chúng ta nhìn vào các thành phần khác, nhập cảng đang tăng vọt trong khi xuất cảng tăng ít hơn dự kiến.
Đây là phản ứng dữ dội đối với các gói kích cầu lớn. Một sự thúc đẩy giả tạo đối với GDP trong một năm từ 2 ngàn tỷ USD chi tiêu quá mức đã tạo ra một sự gia tăng phi cấu trúc trong GDP ngay lập tức dẫn đến sự suy giảm. Tuy nhiên, sự gia tăng nợ vẫn còn, và các vấn đề về cấu trúc là rõ ràng.
Thị trường lao động chỉ mạnh trên các mặt báo thôi. Vào tháng Sáu, số người thất nghiệp dài hạn đã không thay đổi, ở mức 1.3 triệu người (pdf). Con số này cao hơn 215,000 người so với tháng 02/2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 62.2% và tỷ lệ việc làm-dân số là 59.9%. Cả hai đều duy trì dưới mức tháng 02/2020 (63,4% và 61,2%) theo Cục Thống kê Lao động (BLS). Trong khi đó, lạm phát đang ăn sâu vào bất kỳ đợt tăng lương nào và mức tăng lương trung bình thực tế là âm vào năm 2022.
BLS báo cáo: “Thu nhập thực tế trung bình hàng giờ đã giảm 3.6%, được điều chỉnh theo mùa, từ tháng 06/2021 đến tháng 06/2022.”
Tăng trưởng lương thực tế âm, tiêu dùng suy yếu, niềm tin của người tiêu dùng thấp [nhất] trong một thập niên, và đầu tư sụp đổ có nghĩa là chúng ta đang ở trong một cuộc suy thoái rồi và các kế hoạch kích thích lớn không tạo ra gì ngoài nợ.
Kỳ vọng lạm phát đang dịu đi vì một lý do sai lầm: suy thoái. Mặc dù những kỳ vọng này vẫn cao hơn mức mà chúng tôi cho là bình thường (trung bình là 3.4% trong ba năm so với 2% mà chúng tôi gọi là “bình thường”), sự dịu đi này đến từ sự điều chỉnh đối với những mặt hàng có liên quan nhiều nhất đến hoạt động công nghiệp.
Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên vẫn ở mức cao, nhưng đã điều chỉnh ồ ạt trong một tháng, khác xa so với mức giá đạt được vào tháng Ba. Tuy nhiên, cả hai đều đang duy trì mức tăng phi thường mạnh cho đến giờ trong năm nay, và hiệu ứng mùa đông là rõ ràng trong các đường cong tương lai tiếp tục việc bán khống (một tín hiệu giá trung hạn tích cực). Hơn nữa, quặng đồng, nhôm, và sắt đều giảm trong năm, cho thấy hoạt động công nghiệp không được cải thiện như nhiều người mong đợi. Chỉ số Baltic Dry cũng đã nhanh chóng điều chỉnh, một tín hiệu giảm nhiệt về giá cước vận chuyển. Sự suy thoái của Trung Quốc là có liên quan, nhưng nhu cầu nội địa ở Hoa Kỳ rõ ràng đang giảm so với một năm trước.
Tiêu dùng cũng đang chậm lại do lạm phát cao và ảnh hưởng của lạm phát đến thu nhập khả dụng của gia đình. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là các ngân hàng trung ương phải kiềm chế lạm phát bằng cách giảm lượng tiền trong hệ thống và điều chỉnh lãi suất theo lạm phát để kiềm chế sự leo thang giá cả.
Mối lo ngại lớn nhất liên quan đến lạm phát là lạm phát cốt lõi —không bao gồm thành phần năng lượng và lương thực—tiếp tục tăng lên những con số chưa từng thấy kể từ đầu những năm 90.
Theo sự đồng thuận của Bloomberg, xác suất suy thoái ở Hoa Kỳ đã tăng lên 50% và lên 45% trong khu vực đồng euro. Tuy nhiên, tất cả các số liệu đều chỉ ra sự suy thoái rõ ràng trong khu vực tư nhân. Các điều kiện tín dụng vẫn mạnh mẽ và, mặc dù gần đây đã được thắt chặt, nhưng chúng vẫn còn xa mức khủng hoảng—nhưng chắc chắn là tương đương với thời kỳ suy thoái.
Một sự suy giảm nghiêm trọng ngụ ý rằng việc tăng lãi suất có khả năng kết thúc vào tháng 11, sau cuộc bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ và chính sách của ngân hàng trung ương sẽ vẫn nới lỏng. Đây sẽ là một mối nguy hiểm kép bởi vì các yếu tố dai dẳng của lạm phát sẽ không được giải quyết thực sự và động cơ để các chính phủ lặp lại các kế hoạch chi tiêu thất bại sẽ rất lớn.
Hầu hết mọi điểm dữ liệu đều cho thấy hoạt động của khu vực tư nhân đang bị thu hẹp. Sản xuất công nghiệp tháng Sáu giảm 0.2% trong tháng Sáu sau khi đình trệ vào tháng Năm. Việc khai thác công suất đã giảm xuống 80% sau khi bị điều chỉnh giảm từ 80.8% xuống 80.3% vào tháng Năm theo Cục Dự trữ Liên bang. Tất cả những kết quả này, ngay cả khi khai thác mỏ tăng 1.7% trong tháng Sáu sau khi tăng 1.2% trong tháng Năm, là do nhu cầu dầu và khí đốt cao. Lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt giữ cho bộ phận sản xuất của nền kinh tế tồn tại.
Nền kinh tế Hoa Kỳ hầu như không bị ảnh hưởng gì từ cuộc xâm lược của Nga. Hoa Kỳ có thương mại cực kỳ hạn chế với Nga. Giá năng lượng tăng cao, nhưng Hoa Kỳ độc lập về năng lượng. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những nhà xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất sang Âu Châu, do đó đã cứu nền kinh tế Âu Châu khỏi việc cắt giảm nguồn cung.
Nếu có một cuộc suy thoái ở Hoa Kỳ, thì đó không phải là do cuộc xâm lược Ukraine hoặc các yếu tố bên ngoài, mà là do các chính sách theo chủ nghĩa lạm phát sai thực thi trong giai đoạn 2020 và 2021. Hoa Kỳ cũng đang phải chịu đựng một loạt các chính sách sai lầm khác kiểu Keynes. Chi tiêu rất lớn của chính phủ và việc tiền tệ hóa rất lớn từ các khoản nợ đã tạo ra một mớ hỗn độn trong một nền kinh tế mà lẽ ra đang dẫn đầu thế giới ngày nay chính xác vì có lợi thế về năng lượng, công nghệ, và thị trường lao động của Hoa Kỳ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính”.