Nga tăng cường chiến dịch tại Ukraine sau các cuộc sáp nhập
Tháng trước (09/2022), Moscow đã khiến phương Tây phẫn nộ khi chính thức sáp nhập bốn khu vực Ukraine – Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, và Kherson – vào Liên bang Nga.
Trong những tuần sau đó, họ đã tăng cường “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine bằng cách huy động tân binh, áp đặt thiết quân luật, và nhắm vào các cơ sở năng lượng của Ukraine.
Ông Halil Akinci, cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga từ năm 2008 đến năm 2010, nói với The Epoch Times, “Cuộc xung đột này chắc chắn đã leo thang trong những tuần gần đây.”
Các đồng minh của Ukraine công khai chỉ trích điều mà họ xem là hành động sáp nhập lãnh thổ bất hợp pháp của Nga, ngoài ra các quan chức Kyiv đã nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại bốn khu vực đã mất.
Tuy nhiên, bất chấp sự phẫn nộ của phương Tây, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã mô tả bốn khu vực này là “những phần không thể chia cắt của Nga,” nói hôm 18/10 rằng Moscow sẽ bảo đảm an ninh cho những vùng này hệt như bất kỳ vùng nào khác trên lãnh thổ Nga.
Huy động quân đội
Sau khi thực hiện sáp nhập vào tháng trước, Moscow cho biết họ sẽ xem bất kỳ cuộc tấn công nào vào các vùng lãnh thổ nói trên – của các lực lượng Ukraine hoặc những lực lượng khác – là một cuộc tấn công vào chính Nga.
Phản ánh các sự kiện thay đổi về lãnh thổ, những cuộc sáp nhập này được bắt đầu bằng việc Moscow huy động 300,000 quân trừ bị mới để tăng cường cho chiến tuyến dài khoảng 1,100 km.
Các hãng thông tấn phương Tây mô tả đợt huy động này là không hài lòng dân, vội vã, và đang ngổn ngang với các vấn đề hậu cần, có hàng ngàn nam thanh niên trong độ tuổi chiến đấu ở Nga đã đào thoát ra ngoại quốc để tránh bị chiêu binh.
“Những binh lính vừa mới được gọi lên dường như không được đào tạo và không đủ động lực,” ông Akinci nói. “Họ chủ yếu gồm những người không thể trốn tránh việc tòng quân.”
Các quan chức Nga, bao gồm cả ông Putin, đã thừa nhận rằng có “các sai lầm” trong giai đoạn đầu của quá trình huy động. Tuy nhiên, theo các nguồn tin của Nga, cho đến nay đã có 260,000 tân binh được chiêu mộ.
“Một số khu vực đã hoàn thành quá trình chiêu binh,” ông Peskov nói hôm 21/10. “Trong khi ở một số khu vực, việc huy động một phần vẫn tiếp tục.”
Khi được hỏi về việc truyền thông đưa tin các binh sĩ mới nhập ngũ đã được gửi ra tiền tuyến mà không được huấn luyện đầy đủ, ông trả lời: “Những việc này chắc chắn sẽ bị điều tra.”
Nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng
Lập trường ngày càng hung hăng của Nga trong những tuần gần đây gồm việc đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở năng lượng bên trong lãnh thổ Ukraine, kể cả thủ đô nước này.
Theo các quan chức ở Kyiv, 30% – 40% cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của nước này đã bị hư hại kể từ hôm 10/10, khi Nga bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công trên diện rộng nhằm vào các cơ sở năng lượng của Ukraine.
Những cuộc tấn công này, vẫn diễn ra từng đợt trong hai tuần qua, đã dẫn đến tình trạng mất điện trên toàn quốc.
Trong khi Moscow nói rằng họ đang sử dụng vũ khí chính xác cao để tránh thương vong cho thường dân, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mô tả các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine là hành động “khủng bố.”
Kyiv và các đồng minh cũng cáo buộc Nga sử dụng “phi cơ không người lái tự sát” do Iran chế tạo, được cho là đã phát nổ khi các phi cơ này tiếp cận mục tiêu.
Cả Moscow và Tehran đều bác bỏ tuyên bố của phương Tây rằng phi cơ không người lái của Iran đã được sử dụng trong những cuộc không kích nói trên.
“Nga đang cố gắng làm tê liệt toàn bộ Ukraine,” ông Akinci cho biết. “Bằng cách vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng năng lượng, họ gây áp lực lên toàn bộ dân cư với hy vọng rằng chính phủ [Kyiv] sẽ bị lật đổ.”
Trong khi những cuộc không kích này sẽ làm suy giảm nỗ lực chiến tranh của Ukraine, ông nói thêm, nhưng “rốt cuộc chúng cũng sẽ gây tổn thương cho thường dân.”
Ông Stanislav Tkachenko, một giáo sư giảng dạy theo hợp đồng tại khoa khoa học xã hội và chính trị của Đại học Bologna, cho rằng sự thay đổi chiến thuật của Nga đã dẫn đến những chiến thắng trên thực địa của Ukraine và khiến công chúng Nga thất vọng.
“Kể từ đầu tháng Chín, dư luận Nga ngày càng tỏ ra bất mãn với cách tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt này,” ông Tkachenko, chuyên gia về quan hệ EU-Nga, nói với The Epoch Times.
Ông tiếp tục lưu ý rằng làn sóng tấn công đầu tiên vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine đã diễn ra hai ngày sau vụ đánh bom cây cầu Kerch của Nga hôm 08/10, nối đất liền Nga với Bán đảo Crimea.
“Moscow xem cây cầu là một hành lang cơ sở hạ tầng quan trọng để tiến vào Crimea,” ông nói. “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt tuyến đường này, tất nhiên sẽ dẫn đến một phản ứng tức thì và dứt khoát.”
Thiết quân luật
Trong một diễn biến đáng chú ý hôm 19/10, ông Putin đã ban hành một sắc lệnh áp đặt thiết quân luật trên toàn bộ bốn khu vực mới vừa giành được.
Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga diễn ra cùng ngày, ông Putin cho biết bốn khu vực này đã được áp đặt thiết quân luật, đồng thời nói thêm rằng sắc lệnh này sẽ cung cấp “cơ sở pháp lý” để duy trì tình trạng khẩn cấp “thuộc chủ quyền của Nga.”
Sắc lệnh nói trên, có hiệu lực vào ngày hôm sau, đã kêu gọi thành lập “các lực lượng phòng ngự” địa phương và mở rộng quyền lực dành cho những người đứng đầu các khu vực do Moscow bổ nhiệm.
Đáng chú ý, sắc lệnh này cũng đặt một số khu vực phía nam của Nga, đặc biệt là những khu vực giáp biên giới Ukraine, vào tình trạng “báo động cao.”
Theo ông Tkachenko, việc áp đặt thiết quân luật có nghĩa là “sự chuyển đổi quyền chỉ huy từ chính phủ dân sự sang chính phủ quân sự, và hạ thấp tầm quan trọng của các cơ quan trong việc dàn xếp an ninh cho người dân và cơ sở hạ tầng.”
Sau đó ông cho rằng quyết định của ông Putin là do tính chất ngày càng mở rộng của cuộc xung đột đang diễn ra này, điều mà ông nói là đã “yêu cầu các thay đổi đối với hệ thống chỉ huy các lực lượng quân sự [Nga] và cách quản lý các lãnh thổ trong vùng chiến sự.”
Ông Tkachenko cho biết: “Nga đã phản ứng với tình hình an ninh ngày càng xấu đi bằng cách huy động mọi nguồn nhân lực và vật lực hiện có cũng như tăng cường đáng kể lực lượng của mình trong khu vực xung đột.”
‘Tình trạng phức tạp của cuộc xung đột’
Các cuộc leo thang gần đây trong cuộc xung đột đang diễn ra này không chỉ giới hạn trong khu vực chiến sự — cũng không chỉ giới hạn ở phía Nga. Cùng với cuộc tấn công bất ngờ vào cầu Kerch, những tuần gần đây cũng chứng kiến hàng loạt vụ tấn công vào các đường ống dẫn khí đốt của Nga.
Cuối tháng trước, đường ống Nord Stream, nối các mỏ khí đốt ở Nga với Bắc Âu, đã bị rò rỉ ở bốn khu vực khác nhau. Vụ việc này đã thúc đẩy một loạt các chỉ trích qua lại và các cuộc điều tra chính thức do các chính phủ Âu Châu tiến hành.
Trong một vụ việc ít được đưa tin rộng rãi hơn, hồi giữa tháng Mười chính phủ Nga đã bắt giữ một số người vì bị cáo buộc cố gắng phá hoại đường ống TurkStream, dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen.
Tuy Điện Kremlin đã quy trách nhiệm cho các đặc vụ Ukraine về vụ tấn công đường ống TurkStream, được cho là xảy ra trên lãnh thổ Nga, thế nhưng hiện vẫn chưa có thông tin về thủ phạm gây ra vụ tấn công Nord Stream – ít nhất là đối với công chúng.
“Ở Nga có những sự đồng thuận rằng bên hưởng lợi hợp lý duy nhất từ những hành động phá hoại này … là chính phủ Hoa Kỳ,” ông Tkachenko nói. “Trong một thập niên, Hoa Thịnh Đốn đã cố gắng chiếm thế độc quyền đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Hoa Kỳ trên thị trường năng lượng Âu Châu.”
“Kể từ tháng 09/2022,” ông nói thêm, “mục tiêu đó đã hoàn toàn đạt được.”
Ông Akinci cũng nhanh chóng chỉ ra rằng, do kết quả từ việc đường ống Nord Stream bị ngừng hoạt động, “Âu Châu sẽ buộc phải mua LNG đắt đỏ hơn từ Hoa Kỳ.”
Nhưng với “tình trạng phức tạp” mà cuộc xung đột này đã tạo ra, ông nói thêm, “Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể biết ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng.”
Hôm 14/10, các nhà chức trách Thụy Điển đột ngột tạm dừng các cuộc điều tra chung với Đan Mạch và Đức về vụ việc này, với lý do lo ngại về “an ninh quốc gia.”
Về phần mình, ông Tkachenko chỉ trích các cuộc điều tra của chính phủ Thụy Điển, Đan Mạch, và Đức, mô tả chúng là “không minh bạch và hoàn toàn khép kín đối với các chuyên gia Nga và công chúng.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times