Nga muốn thay thế Nord Stream 2: Các biện pháp trừng phạt của EU là một gói kích cầu đối với Trung Quốc?
Việc chấm dứt dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) do hậu quả của cuộc tấn công quân sự ở Ukraine sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Nga. Nhưng giờ đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nhập cuộc với tư cách là một bên mua khí đốt.
Thông báo chấm dứt mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố đối với dự án đường ống Nord Stream 2 — vốn đã hoàn công, và theo thông tin từ Nga là cũng đã được bơm đầy — giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nga sau khi nước này tiến hành tấn công quân sự ở Ukraine. Hôm 15/09, Điện Kremlin thông báo rằng họ đã tìm được khách hàng thay thế cho nguồn khí đốt tự nhiên mà Berlin không sử dụng: Nord Stream 2 sẽ được thay thế bằng một đường ống dẫn tới Trung Quốc. Điều này đã được Euronews đưa tin.
Âu Châu hiện đang bỏ qua 110 tỷ mét khối nguồn cung cấp khí đốt rẻ hơn
Nord Stream 2, với chi phí xây dựng được cho là lên tới 11 tỷ euro, được hoàn công hồi tháng 09/2021. Sau những chậm trễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận, và do Nga tấn công vào Ukraine, nên cuối cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố kết thúc dự án. Trước đây, Hoa Kỳ và các nước Đông Âu đã phản đối dự án này, vốn sẽ bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ cho Đức, nhưng đồng thời sẽ khiến Âu Châu gia tăng sự phụ thuộc về chính sách năng lượng vào nguồn cung cấp của Nga.
Giống như Nord Stream 1, hiện trên thực tế đã ngừng hoạt động, công suất tối đa của Nord Stream 2 sẽ là 55 tỷ mét khối mỗi năm. Cho đến nay, một phần ba lượng khí đốt mà Nga giao cho EU đã được vận chuyển thông qua Nord Stream 1.
EU hiện đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt thay thế nhằm bù đắp cho sự sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, việc vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển đắt hơn nhiều, và các đường ống từ các nước cung cấp thay thế khả dĩ như Azerbaijan hoặc Israel trước tiên phải được xây dựng hoặc mở rộng — ngoài ra, cũng có những yêu cầu tiếp cận đầu tiên từ các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một bản tin từ truyền hình Phần Lan, chính phủ các nước thứ ba như Ấn Độ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang mua khí đốt của Nga và bán lại cho các quốc gia phương Tây với giá cao.
Đường ống mới ở Siberia thay thế Nord Stream 2
Hôm 15/09, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã phúc đáp câu hỏi trên đài truyền hình công cộng của Nga về việc liệu Điện Kremlin đã có chiến lược thay thế việc thiếu hụt thu nhập từ Nord Stream 2 hay chưa.
Ông Nowak nói rằng Nga sẽ sớm ký một thỏa thuận với giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc để cung cấp 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Rốt cuộc, theo vị bộ trưởng này, các cuộc thảo luận về việc hiện thực hóa dự án Đường ống “Sức mạnh Siberia 2” (“Power of Siberia 2”) đã diễn ra trong nhiều năm. Trong tương lai, đây sẽ là yếu tố được ưu tiên trong chiến lược năng lượng của Nga.
Đường ống này sẽ cung cấp cho nền kinh tế thiếu năng lượng của Trung Quốc thông qua Mông Cổ và khởi nguồn từ miền tây nước Nga. Việc thi công dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2024.
ĐCSTQ nhận được nguồn cung cấp năng lượng bổ sung từ Nga
Đường ống mới giữa Nga và Trung Quốc cuối cùng sẽ thay thế đường ống “Sức mạnh Siberia 1” (“Power of Siberia 1”) của Gazprom, hiện đang dẫn khí đốt tự nhiên từ đông Siberia đến bắc Trung Quốc. Mặc dù xuất cảng khí đốt của Nga sẽ giảm khoảng 50 tỷ mét khối vào năm 2022, nhưng xuất cảng sang Trung Quốc sẽ tăng 20 tỷ mét khối từ đầu năm tới.
Do Reinhard Werner thực hiện
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức