Đức ‘đang trên bờ vực suy thoái’ khi niềm tin kinh doanh sụt giảm mạnh
Niềm tin kinh doanh của Đức giảm mạnh trong tháng Bảy, với cả các chỉ số tâm lý hiện tại và tương lai đều giảm mạnh, theo Viện ifo. Chủ tịch của viện này đã cảnh báo rằng đất nước hiện đang đứng “trên bờ vực suy thoái.”
Chỉ số tổng thể đã giảm xuống còn 88.6 điểm trong tháng Bảy, giảm so với 92.2 điểm trong tháng Sáu, mức thấp nhất kể từ tháng 06/2020, viện nghiên cứu và chính sách của Đức nói trên cho biết hôm 25/07.
Chỉ số Môi trường Kinh doanh của ifo dựa trên một cuộc khảo sát khoảng 9,000 nhà quản lý trong các ngành sản xuất và dịch vụ khác nhau ở Đức.
Các công ty Đức thể hiện sự sụt giảm niềm tin về tình hình hiện tại của họ và họ dự đoán việc kinh doanh sẽ trở nên “khó khăn hơn nhiều” trong vài tháng tới, Chủ tịch Clemens Fuest cho biết trong một tuyên bố.
Ông Fuest nói: “Giá năng lượng cao hơn và nguy cơ thiếu khí đốt đang đè nặng lên nền kinh tế. Nước Đức đang trên bờ vực suy thoái.”
Sự bi quan ở khắp mọi nơi
Tất cả các chỉ số lĩnh vực kinh doanh khác nhau cấu thành nên chỉ số niềm tin tổng thể đều bị giảm sút.
Ông Fuest cho biết, chỉ số nhà máy “giảm mạnh”, khi sự bi quan trong ngành sản xuất tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 04/2020, đỉnh điểm của các đợt phong tỏa do đại dịch.
Chỉ số đánh giá ngành dịch vụ “xấu đi đáng kể”, với tâm lý trở nên bi quan ngay cả trong ngành du lịch và khách sạn vốn gần đây đã được bồi thêm một làn sóng lạc quan khi mùa du lịch bắt đầu.
Tinh thần trong ngành xây dựng “xấu đi rất nhiều”, với thành phần kỳ vọng tương lai cho thấy “sự bi quan sâu sắc” và phần điều kiện hiện tại của chỉ số này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 04/2016.
Ông Fuest cho biết, các chỉ số ngành thương mại cũng “giảm sâu”, đồng thời lưu ý rằng mọi phân khúc bán lẻ ở Đức đều bi quan về tương lai.
Dự báo GDP của Đức bị hạ thấp
Triển vọng kinh tế Đức đã xấu đi trong mắt các cơ quan và nhà phân tích quốc tế, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng GDP của cường quốc kinh tế Âu Châu này trong bối cảnh giá năng lượng và lạm phát tăng cao.
IMF cho biết trong một lưu ý gần đây, vào đầu năm 2022, nền kinh tế Đức đang có dấu hiệu sắp vượt qua được những vấn đề đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong năm trước đó.
Cơ quan này cho biết: “Những nút thắt cổ chai về nguồn cung vốn đã cản trở hoạt động sản xuất đang nới lỏng ra và các dịch vụ đang mở cửa trở lại khi đất nước nổi lên sau làn sóng mùa đông khắc nghiệt của biến thể Delta.”
Nhưng điều đó đã thay đổi sau khi Nga xâm lược Ukraine và sự gián đoạn thị trường năng lượng khi các nước Phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đã gây tổn hại cho nền kinh tế của chính họ.
IMF cho biết: “Giá năng lượng và lạm phát tăng vọt, niềm tin của người tiêu dùng giảm, và nhu cầu của ngoại quốc đối với hàng xuất cảng của Đức suy giảm.”
IMF đã hạ dự báo GDP của Đức cho năm 2022 từ 2.1% xuống 1.2%. Bức tranh thậm chí còn ảm đạm hơn cho năm 2023, trong đó IMF vào tháng Tư đã dự kiến mức tăng trưởng 2.7% nhưng hiện dự đoán 0.8%.
IMF viết trong một lưu ý riêng: “Sự không chắc chắn là rất cao, khi dự báo tăng trưởng cơ sở có nguy cơ đi xuống và dự báo lạm phát có nguy cơ đi lên.”
Văn phòng thống kê liên bang cho biết lạm phát của Đức ở mức 8.2% hàng năm vào tháng Sáu, giảm so với tốc độ 8.7% của tháng Năm.
Yếu tố lớn nhất là giá năng lượng, trong tháng Sáu đã tăng 38% so với năm ngoái (2021).
‘Các tín hiệu suy thoái khác’
Các nhà phân tích tại ING cho rằng chỉ số niềm tin kinh doanh ảm đạm nói trên đã khẳng định sự lo lắng của họ rằng nền kinh tế Đức có thể đã thu hẹp trong quý thứ hai.
Ông Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu của ING Research cho biết: “Chỉ số Ifo hôm nay cho thấy danh sách các rủi ro bất lợi đối với nền kinh tế Đức đang ngày càng dài ra.”
“Nhiều tín hiệu suy thoái hơn,” là điểm mấu chốt hàng đầu mà ông Brzeski thấy từ loạt số liệu bi quan của thước đo niềm tin.
Ông Brzeski cho biết các nhà phân tích của ING nhận thấy “nhiều rủi ro tiêu cực hơn là rủi ro tích cực đối với triển vọng,” với rủi ro lớn duy nhất là nguồn cung năng lượng của Đức bị gián đoạn nhiều hơn.
Ông Brzeski viết: “Hiện tại, trong trường hợp cơ sở với những trục trặc trong chuỗi cung ứng tiếp tục, sự không chắc chắn và giá năng lượng và hàng hóa cao do cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, thì nền kinh tế Đức sẽ bị đẩy vào một cuộc suy thoái kỹ thuật.”
Nền kinh tế Đức tăng trưởng 2.9% vào năm 2021.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’