Nga bị lên án vì ‘cản trở’ các cuộc đàm phán về hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân
Nga bị lên án vì đã “cản trở” Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) lần thứ 10 và ngăn cộng đồng quốc tế đạt được đồng thuận về việc phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong một thông cáo truyền thông hôm 28/08, Ngoại trưởng Úc Penny Wong nói rằng hành vi của Nga tại Hội nghị Đánh giá là cản trở và thách thức các nguyên lý cốt lõi mà NPT được thành lập dựa trên đó.
“Sau bốn tuần đàm phán ở New York, tất cả các quốc gia thành viên ngoại trừ Nga đã sẵn sàng đồng thuận để đạt được một kết quả có ý nghĩa và công minh trên ba trụ cột của hiệp ước: giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân, và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình,” bà Wong nói. “Nga đã cố tình cản trở tiến trình [thẩm định]. Các hành động của họ trực tiếp thách thức các nguyên lý cốt lõi của NPT.”
Hiệp ước NPT ban đầu được ký kết vào năm 1970. Vào thời điểm thực hiện, các bên ký kết quyết định rằng cứ sau băn năm, họ sẽ đánh giá lại Hiệp ước này. Lần đánh giá cuối cùng được dự trù tổ chức vào năm 2020; tuy nhiên, do những hạn chế của đại dịch, mà hội nghị đánh giá này đã bị hoãn đến năm 2022.
Bà Wong còn cho biết chính phủ Úc rất thất vọng khi không thể đạt được sự đồng thuận căn cứ vào tình hình hiện tại của môi trường an ninh quốc tế. Ngoại trừ Nga, tất cả các quốc gia đều tuân theo thỏa thuận.
“Trọng tâm của NPT là mục tiêu về một thế giới không có vũ khí hạt nhân, một mục tiêu mà Úc vẫn cam kết sâu sắc,” bà Ngoại trưởng nói. “Bất kể kết quả này như thế nào, hiệp ước này vẫn tiếp tục mang lại những lợi ích an ninh hữu hình cho tất cả chúng ta.”
Bà Wong cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực để đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Nga cáo buộc các quốc gia phương Tây sử dụng NPT làm con tin
Bình luận từ bà Wong được đưa ra sau khi Phó trưởng phái đoàn Nga, ông Andrei Belousov, cho biết Nga sẽ không ủng hộ dự thảo thỏa thuận và cáo buộc các đại biểu đồng cấp có lập trường chống Nga trong tuyên bố kết thúc của ông.
Hôm 26/08, ông Belousov cho biết: “Sau khi đưa các ưu tiên của họ vào dự thảo của văn kiện cuối cùng, các quốc gia này đã làm mọi thứ mà họ có thể để bảo đảm rằng các vấn đề quan trọng đối với các phái đoàn khác đều bị loại bỏ.”
“Hội nghị này đã trở thành một con tin chính trị đối với những quốc gia mà trong bốn tuần qua đã đầu độc các cuộc thảo luận với những tuyên bố bị chính trị hóa, thiên vị, vô căn cứ và sai lệch của họ liên quan đến Ukraine. Do đó, họ đã làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn một công việc mang tính xây dựng, hiệu quả và hướng tới kết quả của Hội nghị cũng như của toàn thể các quốc gia thành viên NPT trong toàn bộ quá trình đánh giá.”
“Một điểm mấu chốt chính trong dự thảo hiệp ước là việc Nga chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya (NPP) nơi mà người đứng đầu phái đoàn Nga cho biết đã phải hứng chịu “cuộc pháo kích man rợ” của lực lượng quốc phòng Ukraine vốn đang đưa “thế giới đến bờ vực của thảm họa hạt nhân.”
Ông còn cáo buộc các quốc gia liên quan tập trung vào các vấn đề Ukraine và sử dụng Hội nghị Đánh giá để “trừng phạt Nga bằng cách nêu ra các vấn đề không liên quan trực tiếp đến Hiệp ước.”
“Một cách tiếp cận như vậy của các quốc gia này đi ngược lại với các ưu tiên của NPT là tạo ra một môi trường quốc tế có lợi cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân, vốn dĩ đòi hỏi nỗ lực chung của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và không sở hữu vũ khí hạt nhân,” ông nói. “Các quốc gia này, cụ thể là Ukraine và các quốc gia ủng hộ Kyiv, chịu trách nhiệm hoàn toàn vì đã không đạt được một kết quả tích cực cuối cùng của cuộc đánh giá này.”
Hoa Kỳ kêu gọi Nga ngừng ‘chiến tranh lựa chọn’
Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ Adam Scheinman trong tuyên bố bế mạc hội nghị (pdf) cho biết Hoa Kỳ thừa nhận rằng dự thảo hiệp ước không hoàn hảo, và tuyên bố cũng nhấn mạnh nguy cơ thảm họa phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya do Nga chiếm đóng.
Ông Scheinman tiếp tục, “Chúng ta hãy rõ ràng. Nga là bên phá hoại cả ba trụ cột của NPT thông qua các hành động của họ ở Ukraine. Nga là bên xâm lược một quốc gia có chủ quyền vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và trái với các bảo đảm an ninh được đưa ra cho Ukraine theo Bản ghi nhớ Budapest. Nga là quốc gia có cuộc chiến khiến Âu Châu, Ukraine và chính người dân của họ đứng trước nguy cơ xảy ra thảm họa phóng xạ.”
Chính phủ Ukraine đã kêu gọi các lực lượng Nga bỏ trống Zaporizhzhya, đồng thời Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi Nga rút khỏi nhà máy này.
“Trong nhiều thập niên qua, an toàn hạt nhân vẫn là ưu tiên hàng đầu của Ukraine, đặc biệt là trong quá khứ bi thảm của chúng tôi,” ông Kuleba viết trên Twitter. “Những kẻ xâm lược Nga đã biến Zaporizhzhya NPP thành một căn cứ quân sự khiến toàn bộ lục địa gặp nguy hiểm. Quân đội Nga phải ra khỏi nhà máy — họ không có phận sự gì ở đó cả!”
For decades, nuclear safety has remained Ukraine’s top priority, especially given our tragic past. Russian invaders turned Zaporizhzhya NPP into a military base putting the entire continent at risk. Russian military must get out of the plant — they have nothing to do there!
— Dmytro Kuleba (@DmytroKuleba) August 28, 2022