TT Putin thừa nhận ‘Không thể có người chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân’
Hôm thứ Hai (01/08), Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin nói rằng sẽ không có người chiến thắng nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra và nói rằng điều đó không nên được cân nhắc.
“Nga luôn luôn tuân theo tinh thần và văn bản của [Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân],” ông Putin viết, theo hãng thông tấn nhà nước.
“Các nghĩa vụ của Moscow theo các thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ về việc cắt giảm và hạn chế các vũ khí liên quan cũng đã được hoàn thành đầy đủ,” ông Putin nói thêm, đồng thời cho biết chính phủ của ông tin rằng “không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và điều đó không bao giờ được phép khơi mào.”
Nhà lãnh đạo Nga này đã đưa ra nhận xét trước những người tham dự một hội nghị về hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân khoảng năm tháng sau khi bắt đầu chiến tranh Ukraine–Nga. Vài ngày sau khi bắt đầu cuộc xâm lược hôm 24/02, ông Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng vũ khí hạt nhân của đất nước trong tình trạng cảnh giác cao độ, làm dấy lên lo ngại trên toàn thế giới về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân hoặc Đệ Tam Thế chiến.
Vào khoảng thời gian diễn ra cuộc xâm lược trên, điều mà Nga mô tả là một chiến dịch quân sự đặc biệt, ông Putin đã có một bài diễn văn đề cập đến kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của đất nước này và cảnh báo NATO và Hoa Kỳ không được can thiệp.
“Bất cứ ai cố gắng cản trở chúng tôi … nên biết rằng phản ứng của Nga sẽ là ngay tức thì,” ông nói. “Và nó sẽ dẫn quý vị đến những hậu quả mà quý vị chưa từng gặp phải trong lịch sử của mình.”
Các cuộc đàm phán
Học thuyết quân sự của Nga (pdf) cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu có một mối đe dọa hiện hữu đối với nhà nước Nga, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội. Cả Nga và Hoa Kỳ đều được cho là đang sở hữu hàng ngàn vũ khí hạt nhân.
Trước tuyên bố của Nga trong hội nghị hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Nga tham gia đàm phán về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới thay thế cho hiệp ước START mới, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào năm 2026.
“Cuộc đàm phán đòi hỏi một đối tác sẵn sàng hành động một cách thiện chí,” ông Biden cho biết trong một tuyên bố do Tòa Bạch Ốc công bố. “Trong bối cảnh này, Nga nên chứng minh rằng họ sẵn sàng nối lại công việc kiểm soát vũ khí hạt nhân cùng với Hoa Kỳ.”
Cũng trong ngày thứ Hai, một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nga đã nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của các bình luận của ông Biden kêu gọi đàm phán về một khuôn khổ kiểm soát vũ khí hạt nhân để thay thế một hiệp ước sẽ hết hiệu lực vào năm 2026.
Vào tháng Tư, Nga đã tiến hành vụ phóng thử đầu tiên hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Sarmat mới có khả năng tấn công hạt nhân chống lại Hoa Kỳ, và cho biết họ có kế hoạch sẽ khai triển vũ khí này vào mùa thu năm 2022.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.