Điện Kremlin: Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân khi đối mặt với ‘đe dọa sống còn’
Hôm thứ Ba (22/03), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow sẽ không loại trừ khả năng tấn công hạt nhân theo các tình huống được nêu trong học thuyết quân sự của họ, bao gồm cả trong trường hợp Nga phải đối mặt với một “mối đe dọa sống còn”.
Ông Peskov đã trả lời câu hỏi của bà Christiane Amanpour của CNN trong một cuộc phỏng vấn, trong đó ông được yêu cầu xác nhận việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ “không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Phát ngôn viên này từ chối loại trừ một cuộc tấn công hạt nhân, đồng thời nhắc đến học thuyết quân sự của Nga cho phép sử dụng các loại vũ khí hạt nhân trong một số trường hợp nhất định, ngay cả trong các cuộc xung đột vũ trang thông thường.
Ông Peskov nói: “Chúng tôi có một khái niệm về an ninh nội địa, và điều đó là công khai. Quý vị có thể đọc tất cả các lý do mà vũ khí hạt nhân được sử dụng.”
“Vì vậy, nếu như đó là một mối đe dọa sống còn đối với đất nước của chúng tôi, thì vũ khí đó có thể được sử dụng theo khái niệm của chúng tôi.”
Ông Peskov có lẽ đang đề cập đến một mệnh lệnh của tổng thống về việc răn đe hạt nhân, vốn được công bố vào tháng 06/2020 và nêu rõ một số tình huống mà Nga có thể sử dụng các loại vũ khí hạt nhân.
Đoạn 19 của sắc lệnh đó quy định các điều kiện sau đây là khả năng Nga có thể phải sử dụng đến một cuộc tấn công hạt nhân, theo một bản dịch được cung cấp bởi RealClearDefense:
-
a) nhận được dữ liệu đáng tin cậy về một vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo sẽ tấn công lãnh thổ Liên bang Nga và/hoặc các đồng minh của Liên bang Nga;
-
b) việc sử dụng các vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của một kẻ thù chống lại Liên bang Nga và/hoặc các đồng minh của Liên bang Nga;
-
c) cuộc tấn công của kẻ thù nhằm vào các địa điểm chính phủ hoặc quân sự quan trọng của Liên bang Nga, mà sự gián đoạn của các địa điểm này sẽ làm suy yếu các hành động đáp trả của lực lượng hạt nhân;
-
d) gây hấn chống lại Liên bang Nga dù sử dụng các vũ khí thông thường khi mà chính sự tồn tại của quốc gia bị lâm nguy.
Đoạn 4 của sắc lệnh đó phù hợp với điều mà một số chuyên gia đã mô tả là chính sách “leo thang để xuống thang” của Nga. Trong đó tuyên bố rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là để “bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và ngăn chặn kẻ thù tiềm tàng xâm lược Liên bang Nga và (hoặc) các đồng minh của mình trong trường hợp xuất hiện xung đột vũ trang bằng việc ngăn chặn sự leo thang của các hoạt động quân sự và chấm dứt chúng với các điều kiện có thể chấp nhận được đối với Liên bang Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga.”
Vấn đề về một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng của Nga đã được đưa lên hàng đầu khi ông Putin đặt các lực lượng hạt nhân của nước mình trong tình trạng báo động cao vài ngày sau khi ra lệnh cho quân đội của ông tấn công chống lại Ukraine.
Ông Putin nói rằng sự leo thang hạt nhân được thúc đẩy bởi những bình luận thù địch của các thành viên hàng đầu NATO và bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, mà theo ông giống như một lời tuyên chiến.
Tổng thống Nga cũng đưa ra cảnh báo đáng lo ngại rằng bất kỳ nỗ lực nào của các quốc gia khác nhằm áp đặt vùng cấm bay đối với Ukraine sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc cho Âu Châu và thế giới, một nhận xét mà nhiều nhà phân tích và quan chức coi là một mối đe dọa nâng tầm cuộc xung đột trở thành hạt nhân.
Vấn đề này cũng đã xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo khi quân đội Nga chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu sau một cuộc tấn công khiến tòa nhà hành chính gần kề bốc cháy, làm dấy lên những lo ngại về một thảm họa hạt nhân có thể làm lu mờ cả thảm họa đã xảy ra ở Chernobyl.
Đầu tháng Ba, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông “không muốn tin rằng” sẽ có một cuộc chiến tranh hạt nhân với Ukraine, một tuyên bố mà một số nhà phân tích hiểu là một lời đe dọa úp mở.
Đồng thời, Ngoại trưởng Lavrov đã cáo buộc phương Tây bị ám ảnh bởi chủ đề leo thang hạt nhân, cho rằng điều này, chứ không phải là các hành động của Nga, là “nguyên nhân gây lo ngại”.
Hôm 14/03, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết: “Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là điều không tưởng, nay lại có khả năng xảy ra.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: