Nếu các bức tường biết nói: Trang viên Virginia của gia đình Tổng thống James Madison tại thành phố Montpelier
Tổng thống Madison từng viết: “Sự hiểu biết sẽ mãi ngự trị trên sự ngu dốt, và một dân tộc muốn tự chủ, phải tự trang bị cho mình sức mạnh mà trí huệ đem đến.”
Trong suốt sáu tháng, “Cha đẻ của Hiến Pháp” đã tự nhốt mình tại phòng làm việc ở tầng trên trong ngôi nhà tại Virginia của gia đình, Montpelier. Tại đó, ông quyết tâm nghiên cứu chuyên sâu về các nền văn minh—cả cổ đại và hiện đại—trên con đường truy cầu sự thông thái để lập nên Hiến Pháp của một nền cộng hòa non trẻ. Ở đây, ông đã tóm tắt các ý tưởng của mình thành các nguyên tắc mà ông nghĩ là thiết yếu cho một nền dân chủ đại diện: điều được biết đến là “Kế hoạch Virginia,” sẽ trở thành cơ sở để tạo ra Hiến Pháp của chúng ta.
Ngài James Madison sẽ luôn nhớ về cái ngày, mà khi mình vẫn còn là một thiếu niên 14 tuổi, gia đình ông chuyển đến một ngôi nhà đẹp đẽ bằng gạch kiểu Georgian. Trên thực tế, ông đã phụ vận chuyển đồ đạc. Thân phụ của ông là ngài James Madison Sr., đã xây dựng ngôi nhà đối xứng bằng cách xây xếp mạch kiểu Flemish (gạch có hoa văn) vào những năm 1760. Ngôi nhà có một sảnh chính giữa và bốn phòng ở tầng 1, năm phòng ở tầng 2. Phủ trên ngôi nhà là mái nhà ván ốp có bản hông thấp với ống khói ở hai đầu. Ngài James Madison, “Cha đẻ của Hiến Pháp” và là tổng thống thứ tư, xem Montpelier là tổ ấm của mình trong suốt cuộc đời.
Năm 1917, trở về từ Philadelphia, ngài Madison đưa phu nhân Dolley về trang viên Montpelier của gia đình. Hơn bà 17 tuổi, ngài James Madison đã kết hôn với bà Dolley mới góa chồng và nhận nuôi con trai của bà, John Payne Todd, ba năm trước. Tại Montpelier, ngài Madisons đã cơi nới thêm 9m cho ngôi nhà, tạo ra một căn hộ thông tầng nhiều thế hệ tuyệt đẹp, với các khu sinh hoạt riêng biệt cho mỗi thế hệ. Những thành viên lớn và nhỏ của nhà Madison sẽ đến thăm nhau qua mái cổng vòm Tuscan lớn đã được thêm vào ngôi nhà vào thời điểm đó. Cổng này bao phủ hai cửa ra vào riêng biệt dẫn đến phần nhà ở của mỗi gia đình. Không có lối đi bên trong giữa các khu nhà ở riêng.
Một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng mặt tiền cho thấy nơi mà phần bổ sung thêm được nối với ngôi nhà ban đầu, nối thêm phần gạch mới vào góc ban đầu. Bà Nellie, mẹ của ngài Madison, tiếp tục sống tại ngôi nhà sau khi phu quân James Sr. qua đời vào năm 1801.
James Madison trẻ tuổi đã phục vụ tại Quốc hội, trước đó ông từng “về hưu,” ngưng các hoạt động công vụ khi ông và phu nhân Dolley chuyển đến Montpelier. Năm 1801, người bằng hữu tốt của ngài Madison là tổng thống Thomas Jefferson bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng. Ông đã phục vụ trong vai trò đó cho đến năm 1809, khi được bầu làm tổng thống. Trong tám năm tiếp theo, ông và phu Dolley phục vụ với tư cách là tổng thống và đệ nhất phu nhân, sống trong Dinh Tổng thống cho đến khi công trình này bị người Anh phóng hỏa vào tháng 08/1814. Sau khi được trùng tu, khi phần bên ngoài bằng đá sa thạch cháy đen được sơn lại, dinh tổng thống trở thành “Tòa Bạch Ốc.”
Năm 1809, ngài Madison đã trích từ phần tiền lương tổng thống 25,000 USD một năm của mình dùng để mở rộng trang viên Montpelier. Ông đã cho xây thêm những chái một tầng ở hai đầu của ngôi nhà. Ở phía nam, ông thiết lập một căn hộ cho mẹ mình. Ở phía bắc, ông đã xây dựng một thư viện cho bộ sưu tập 4,000 tác phẩm của mình. Ngài Thomas Jefferson thiết kế mới một cửa ra vào lớn ở trung tâm dinh thự, dẫn vào Phòng Vẽ, nơi cựu tổng thống tiếp đón các vị khách. Có thể so sánh với hội trường Monticello của ngài Jefferson, Phòng Vẽ của ngài Madison trở thành nơi trưng bày những vật phẩm yêu thích và thể hiện lý tưởng của ông. Phòng Vẽ được thiết kế để tạo ấn tượng mạnh mẽ [với khách đến thăm].
Theo nhà sử học Michael Quinn, Phòng Vẽ của ngài Madison có dụng ý trở thành một bài học lịch sử: “Đối với ngài Madison, lịch sử nhân loại thực sự là phòng thí nghiệm của ông—và ông đã nghiên cứu những nỗ lực trong quá khứ nhằm thiết lập chính quyền tự trị—vì vậy ông biết rằng nước Mỹ ngày nay được thành lập dựa trên quá khứ.” Nổi bật trên tường là một bức tranh lớn có hình nhân vật Pan và một tiên nữ, được vẽ bởi họa sĩ Gerrit Van Honthorst vào khoảng năm 1630. Bức tranh Hà Lan thế kỷ 17 này đã trở thành một tài liệu tham khảo về thế giới Hy Lạp và La Mã [cổ đại] và sự khởi đầu của nền dân chủ. Bên cạnh đó là một bức tranh lớn vẽ “Bữa tối tại Emmaus,” ám chỉ thời điểm mà những lý tưởng trong Kinh Thánh sẽ dẫn hướng các vấn đề của con người.
Theo ông Quinn, kỷ nguyên cuối cùng của giai đoạn thành lập nước Mỹ được thể hiện bằng một loạt chân dung tổng thống được sắp xếp theo nhóm. Bức chân dung của ngài Washington được đặt trên cùng. Bên dưới là chân dung của các ngài John Adams, Thomas Jefferson, và James Monroe: tổng thống đầu tiên ở phía trên các tổng thống thứ hai, thứ ba và thứ năm. Ông Quinn cho rằng việc ngài Madison không đặt bức chân dung của mình theo trình tự, giữa các ngài Jefferson và Monroe, là có hai lý do. Thứ nhất, ngài Madison là một người đàn ông vô cùng khiêm tốn, và thứ hai, bức chân dung của ông được đặt trong phòng cạnh bức chân dung của phu nhân Dolley yêu dấu. Ông Quinn nói, điều này tiết lộ cho quý vị thấy điều gì thực sự quan trọng đối với người đàn ông này.
Trong Phòng Vẽ, có rất nhiều bức tượng bán thân của các vị Tổ phụ Lập quốc — tất cả họ đều là bạn của ngài Madison — gồm có các ngài George Washington, John Adams, James Monroe, và Benjamin Franklin. Căn phòng này đã tiếp đón một lượt du khách vô tận trong những năm sau nhiệm kỳ tổng thống của ngài Madison. Hầu tước de Lafayette là khách, cũng như tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ, Andrew Jackson. Nếu quý vị đến với tư cách là một người bạn, hoặc có một lá thư giới thiệu, quý vị sẽ được hoan nghênh tiến sâu hơn vào ngôi nhà của gia đình. Nếu quý vị chỉ đơn giản là đến ngôi nhà và không báo trước, quý vị có thể chỉ vào phòng khách, nơi được dùng như một kiểu phòng trung tâm tiếp khách của người Mỹ thời kỳ đầu.
Tuy nhiên, nếu quý vị là một vị khách được mời đến, quý vị có thể dùng bữa tối cùng gia đình Madison tại Phòng ăn trang nhã của họ. Các bức tường được bao phủ bởi giấy dán tường có tên là “Virchaux Drapery,” theo thiết kế của Pháp và tạo ra hiệu ứng như đang ở trong một sảnh đường. Hoa văn xếp nếp cách điệu này được thiết kế bởi kiến trúc sư Joseph Ramée hợp tác cùng ông Henry Virchaux, một thợ in émigré người Pháp làm việc tại Philadelphia từ năm 1814 đến 1816.
Ngài James Madison thường không ngồi ở đầu bàn, như kỳ vọng thông thường về mặt văn hóa. Ông thích ngồi dọc theo một bên. Phu nhân Dolley sẽ ngồi đầu bàn, bà là người hướng dẫn và sắp xếp các bữa ăn. Trật tự chỗ ngồi này thoạt đầu khiến du khách sửng sốt, nhưng chẳng bao lâu sau họ thấy khá dễ chịu. Ngài James và bà Dolley cùng san sẻ nhiệm vụ tiếp đãi khách một cách lịch lãm: ông thường tham gia vào các cuộc thảo luận về công việc của quốc gia, trong khi bà Dolly có thì vô cùng hiếu khách.
Ngoài Phòng ăn là gian nhà có thư viện lớn của ngài Madison. Kiến trúc này được xây dựng khi ông xa nhà, phục vụ đất nước với tư cách là tổng thống, nhưng rõ ràng là có mục đích cho tương lai. Ông thường xuyên trao đổi thư từ với người thợ xây, James Dinsmore, người cũng làm việc cho ngài Thomas Jefferson. Ông Dinsmore góp phần vào thiết kế của thư viện. Có một lá thư từ ông Dinsmore viết:
Tôi đã định trước khi ông rời khỏi đây, đề cập với ông rằng liệu ông có nghĩ nên đặt hai cửa sổ ở cuối phòng thư viện không? Nhưng điều này nằm ngoài Trí nhớ của tôi; Tôi đã Suy ngẫm về nó Kể từ đó và tin rằng nếu không có chúng, bức tường sẽ có vẻ ngoài rất Ảm đạm, và sẽ không có Tầm nhìn trực tiếp về phía ngôi điện Nếu ông từng xây dựng một cái. Lý do của tôi để bỏ qua chúng trong Bản vẽ là Không gian có thể bị chiếm (đúng như nguyên văn) chỗ của Giá sách nhưng tôi tin rằng sẽ có đủ chỗ có vì các trụ giữa các cửa sổ rất lớn và toàn bộ đầu kia, ngoại trừ chiều rộng cửa có thể bị chiếm dụng (nguyên văn) cho mục đích đó.
Các cửa sổ mà ông Dinsmore gợi ý đã được lắp vào, và ngôi điện tròn cổ điển được xây dựng. Thư viện được lên kế hoạch thành một không gian đủ rộng để ngài Madison theo đuổi công việc vĩ đại cuối cùng của mình: biên soạn, chú thích và khai triển hơn nữa các ghi chép mà ông đã thực hiện về Hội nghị Lập hiến (tháng 05-09/1787) để hoàn thành một ghi chú kỹ lưỡng về việc thành lập nước Mỹ. Tính khẩn thiết mà ông nhận thấy trong việc thực hiện công việc này bắt nguồn từ những tháng nghiên cứu mà ông đã thực hiện trước đại hội. Vào cuối những năm 1780, ông đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu để tìm hiểu mọi nỗ lực của nhân loại trong lịch sử nhằm hình thành một nền dân chủ, liên minh hoặc bất kỳ cách thức [hoạt động] nào của chính phủ đại diện.
Ngài Madison hầu như không tìm được tài liệu nào có thể hướng dẫn ông [về những gì ông đang tìm kiếm], nhưng tìm được hàng đống ví dụ về sự thất bại. Ông bắt đầu viết một bản hướng dẫn minh họa cho quyết định và các cuộc tranh luận của những nhà sáng lập nước Mỹ. Trong những năm cuối đời, ông đã viết [một tài liệu] một ngàn trang mà sau này được tổng hợp thành tài liệu “Luận cương của James Madison,” cung cấp một tài liệu cho hậu thế, những người có thể cũng đang đấu tranh cho tự do. Ngay cả khi ông đã ngoài 80 tuổi, các du khách vẫn cho biết tâm trí ông vẫn minh mẫn khi thảo luận về những lý tưởng này. Ông qua đời ở tuổi 85, vào ngày 28/06/1836—đại biểu sống thọ nhất của Hội nghị Lập hiến.
Ngài Madison luôn lo sợ rằng cuộc thử nghiệm về nền tự trị của chính nước Mỹ có thể thất bại. Sau khi ông qua đời, một tài liệu mà ông đã viết, “James Madison, Lời khuyên cho đất nước của tôi, tháng 12/1830” được tìm thấy trong số các bài viết của ông. Trong đó, ông ám chỉ rõ ràng đến cả sự khôn ngoan cổ điển và trí huệ của Kinh thánh:
Vì lời khuyên này, nếu nó từng nhìn thấy ánh sáng, sẽ không được thực hiện cho đến khi tôi không còn sống nữa, thì nó có thể được coi là bước ra từ ngôi mộ nơi chỉ sự thật mới được tôn vinh và chỉ có hạnh phúc của con người mới được coi trọng. … Lời khuyến nghị gần gũi nhất với trái tim tôi và khắc sâu sắc nhất trong đức tin của tôi là Liên minh các Tiểu bang phải được trân trọng và trường tồn. Hãy để kẻ thù công khai đối với liên minh được xem là Pandora(*) cùng với chiếc hộp mở nắp, và con rắn Serpent ghê rợn với mưu kế chết người lẻn vào cõi Địa đàng.”
Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí American Essence.
Chú thích của dịch giả:
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times