Nền kinh tế Trung Quốc và giá dầu toàn cầu
Giá dầu phụ thuộc vào Trung Quốc, Iran, và Ukraine
Triển vọng giá dầu toàn cầu phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, thỏa thuận hạt nhân Iran, và cuộc chiến ở Ukraine.
Hôm 15/08, giá dầu thế giới giảm do có suy đoán cho rằng sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc sụt giảm sẽ làm giảm nhu cầu trên toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc đã có xu hướng đi xuống đa phần trong năm nay, gây áp lực khiến giá dầu thế giới giảm xuống, ngay cả khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang đẩy giá lên cao.
Trung Quốc — vốn đã trải qua một cuộc khủng hoảng nợ, khủng hoảng địa ốc, và hoạt động công nghiệp giảm do các đợt phong tỏa COVID-19 đang diễn ra — cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và khủng hoảng năng lượng khi nắng nóng mùa hè gây ra tình trạng hạn hán. Mực nước trên các sông đã giảm xuống gần mức kỷ lục, làm giảm sản lượng thủy điện khiến các nhà máy phải giảm hoạt động và đóng cửa. Đồng thời, giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng đã khiến các công ty khí đốt của Trung Quốc gặp khó khăn trong việc kiếm lợi nhuận. Do đó, nghị trình xanh của Trung Quốc có thể bị đình trệ, với việc xây dựng các dự án khí đốt bị hoãn lại do không có lợi nhuận.
Hồi tháng Sáu, giá xăng tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục khi giá dầu toàn cầu đạt đỉnh điểm. Giá dầu toàn cầu giảm trong tháng Bảy, khi xuất hiện thông tin cho biết Iran có thể sẵn sàng gia nhập thị trường toàn cầu và việc Hoa Kỳ tăng lãi suất có thể kiềm hãm nhu cầu về dầu mỏ. Khả năng xuất cảng dầu của Iran phụ thuộc vào việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân với các quan chức Hoa Kỳ và Âu châu. Cho đến nay, vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào, nhưng sự đầu cơ đã khiến giá dầu tương lai và giá cổ phiếu ở mức thấp. Giá dầu vẫn ở mức thấp cho đến hôm 26/08, khi Ả Rập Xê Út thông báo rằng OPEC có thể giảm sản lượng một lần nữa.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng giá dầu giảm gần đây là do nguồn cung dầu tăng và nỗi lo ngại suy thoái kinh tế leo thang. Thời gian giá giảm này dự kiến chỉ mang tính tạm thời; tuy nhiên, do giá khí đốt tự nhiên và điện đã đang tăng đều đặn, nên cả Trung Quốc và Âu Châu đã quay trở lại sử dụng dầu mỏ như một phương tiện sản xuất năng lượng. Do đó, IEA dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu tăng lên không liên quan đến những biến động của nền kinh tế Trung Quốc. Đối với năm 2022, IEA dự kiến giá dầu sẽ duy trì ở mức 105 USD/thùng và giảm xuống mức 95 USD/thùng vào năm 2023.
Tuy nhiên, bất kỳ dự báo nào về tương lai của giá dầu và giá khí đốt đều nên được xem xét một cách thận trọng. Toàn bộ tình hình thị trường toàn cầu có thể thay đổi để đáp lại sự gia tăng hoặc sụt giảm nhu cầu ở Trung Quốc; việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran, vốn làm tăng nguồn cung trên thế giới; hoặc nếu người Nga quyết định đóng các đường ống dẫn đến Âu Châu và Ấn Độ.
Nếu kinh tế khó khăn làm giảm nhu cầu dầu ở Trung Quốc, thì vấn đề nan giải có thể vẫn còn đó. Hồi cuối tháng Tám, Bắc Kinh đã đưa ra một kế hoạch gồm 19 điểm nhằm giải cứu nền kinh tế. Kế hoạch này gồm khoản ngân sách trị giá khoảng 146 tỷ USD nhằm tài trợ cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng sản lượng lúa gạo, giảm thiểu tình trạng thiếu điện, và cứu trợ hạn hán. Tuy nhiên, các nhà phân tích ngoại quốc tỏ ra hoài nghi khi kế hoạch 19 điểm mới nhất này được đưa ra sau khi kế hoạch gồm 33 biện pháp của Bắc Kinh đã thất bại trong việc tăng đầu tư và tiêu dùng hồi tháng Năm.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã tăng số lượng trái phiếu mà các chính quyền địa phương được phép phát hành, nâng tổng số trái phiếu trong năm nay lên 511 tỷ USD. Số tiền này được dùng để đầu tư vào đường bộ, đường sắt, phi trường, nhà ở có giá phải chăng, và các dự án năng lượng. Trợ cấp cho vay dành cho các ngân hàng phát triển của nhà nước đã được tăng lên hơn 200 tỷ USD để cung cấp cho các dự án cơ sở hạ tầng, và ngân hàng trung ương sẽ phân phối 1.5 tỷ USD từ nguồn dự trữ để tài trợ cho việc cứu trợ hạn hán.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc xuống 3.3%, trong khi các ngân hàng đầu tư quốc tế thậm chí còn bi quan hơn. Goldman Sachs và Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc cho năm 2022 xuống còn 3% hoặc ít hơn. Họ vẫn không thay đổi dự báo trên trước thông báo mới nhất của ĐCSTQ về kế hoạch giải cứu nền kinh tế. Kế hoạch gồm 33 biện pháp và kế hoạch gồm 19 điểm được cho là quá nhỏ để giúp một nền kinh tế lớn như vậy trụ vững, đặc biệt là khi các biện pháp chống COVID-19 vẫn được duy trì.
Sản lượng xi măng và thép giảm trong tháng Bảy là một chỉ báo hàng đầu cho thấy sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc. Theo S&P Global Ratings, khoảng 40% nhà phát triển địa ốc của Trung Quốc đang gặp khó khăn về tài chính. Ông Vương Đan (Dan Wang), nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng, ước tính rằng tình trạng thiếu điện có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc mất 0.6 điểm phần trăm, kéo tăng trưởng GDP xuống dưới mức 3%.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times