Nền kinh tế Hoa Kỳ đang ốm yếu
Tài chính gia đình suy yếu đang cản trở các triển vọng kinh tế
Tổng thống (TT) Joe Biden đã cố gắng hết sức để nói những lời tích cực về nền kinh tế Hoa Kỳ. Ông đã nói với người dân Mỹ rằng kinh tế Hoa Kỳ đang hoạt động tốt hơn hầu hết các nền kinh tế khác. Ông ấy nói đúng, nhưng điều đó không có nhiều ý nghĩa đối với hầu hết người Mỹ. Rốt cuộc thì họ sống ở đây, chứ không phải ở một nền kinh tế nào khác. Và mặc dù họ nhận thức được điều kiện kinh tế của Hoa Kỳ tốt hơn những nơi khác, nhưng họ vẫn phải gánh chịu lạm phát và có thể thấy những dấu hiệu rõ ràng của việc nền kinh tế đang suy yếu. Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 tăng trưởng khiêm tốn, nhưng sự đồng thuận — của các kinh tế gia cũng như của những người dân thường — là nền kinh tế này, nếu chưa suy thoái, thì cũng sẽ sớm suy thoái. Rõ ràng là tình hình tài chính của các gia đình đang căng thẳng.
Điều đặc biệt đáng lo ngại là mọi người đã bắt đầu chi tiêu vượt quá mức tăng thu nhập của họ. Thông thường, mức tiêu dùng cao báo hiệu sức mạnh của nền kinh tế, nhưng không phải là như ở thời điểm hiện tại, khi mức độ tiêu dùng đe dọa sức mạnh tài chính của gia đình. Dễ hiểu tại sao mọi người lại chi tiêu nhanh hơn mức mà họ có thể. Lạm phát ở mức cao nhất gần 40 năm mang lại cho họ một động lực lớn để mua trước khi giá tăng trở lại. Áp lực cũng thể hiện rõ ngay cả với các mặt hàng bách hóa. Với mức tăng giá hơn 11% một năm, các chủ gia đình chỉ là đang hành động một cách lý trí khi tích trữ thức ăn để lâu được và chất đầy tủ đông lạnh càng nhiều càng tốt. Động lực này thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi nói đến các mặt hàng có giá cao như xe hơi, thiết bị gia dụng, và những gì mà các nhà thống kê của chính phủ gọi là “hàng hóa lâu bền”. Với giá xe hơi mới tăng khoảng 9.5% một năm, việc dàn trải ra để mua một năm sớm hơn so với thời điểm quý vị có lẽ sẽ mua là gần giống như việc có được 10% chiết khấu trên mức giá mà quý vị có thể phải trả nếu đợi [một năm sau mới mua].
Nhưng nếu việc chi tiêu vội vàng như vậy là hợp lý, thì nó cũng mang tính hủy diệt. Theo Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng với tốc độ gần 8% hàng năm kể từ hồi tháng Một, nhưng thu nhập cá nhân chỉ tăng ở mức 5.5%. Sự chênh lệch như vậy không thể tồn tại lâu.
Đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự suy thoái tài chính. Theo Cục Dự trữ Liên bang, mức tín dụng quay vòng của gia đình — chủ yếu là thẻ tín dụng — đã tăng rất nhanh. Khối lượng nợ này đã tăng với mức 18.1% hàng năm hồi tháng Tám, tháng gần đây nhất mà dữ liệu có sẵn, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 8% vay ứng trước được ghi nhận vào thời điểm này năm ngoái. Đo lường hiện tượng tương tự từ một hướng khác, Bộ Thương mại báo cáo tỷ lệ tiết kiệm của các gia đình giảm mạnh. Dòng tiền tiết kiệm đã giảm 25% so với đầu năm nay. Tính theo phần trăm thu nhập sau thuế, dòng tiền tiết kiệm đã giảm từ 4.7% hồi tháng Một vừa qua xuống chỉ còn 3.5% hồi tháng Tám, tháng gần đây nhất mà dữ liệu có sẵn. Đúng, tiền vẫn đang chảy vào tiết kiệm. Người giàu luôn có một khoản thặng dư để tăng thêm sự giàu có, nhưng sự suy giảm rõ rệt cho thấy nhiều người ở tầng lớp trung lưu và chắc chắn là những người Mỹ có thu nhập thấp hơn đã từ bỏ việc tiết kiệm.
Vì các gia đình đã duy trì tỷ lệ chi tiêu vượt quá mức tăng thu nhập, nên việc cắt giảm tiêu dùng trong tương lai gần như là điều chắc chắn. Nợ ngày càng tăng cũng như thiếu hụt tiết kiệm sẽ càng hạn chế khả năng chi tiêu. Sự cắt giảm tiêu dùng không thể tránh khỏi sẽ dẫn đến việc sa thải nhân viên, và việc nhân viên mất đi những khoản thu nhập đó sẽ tiếp tục hạn chế chi tiêu. Vì chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 70% nền kinh tế Hoa Kỳ, nên những khoản cắt giảm đó chắc chắn sẽ bảo đảm một động lực suy thoái lớn trong những tháng và quý sắp tới.
Những vấn đề này làm dấy lên một mối bận tâm thứ hai căn bản hơn. Mức nợ cao của gia đình sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp trong tín dụng cần thiết để đầu tư vào cơ sở vật chất mới mà từ đó khả năng sản xuất của nền kinh tế nói chung được mở rộng. Dòng tiền tiết kiệm gia đình chậm lại sẽ làm vấn đề thêm phức tạp. Đặc biệt là vì chiến dịch chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang đang hạn chế tốc độ tạo ra tiền mới, hệ thống tài chính sẽ phụ thuộc nhiều hơn bình thường vào tiền tiết kiệm của các gia đình để có được khoản tín dụng cần thiết cho việc mở rộng kinh doanh. Có vẻ như tiền sẽ không có ở đó.
Theo một quy tắc được chấp nhận rộng rãi, GDP của quốc gia giảm trong hai quý liên tiếp hoặc giảm thực tế trong nửa đầu năm nay báo hiệu rằng nền kinh tế đã suy thoái, mặc dù mức tăng trưởng khiêm tốn của quý 3 đã phần nào làm xáo trộn bức tranh. Nếu một số người từ chối thừa nhận những dấu hiệu rõ ràng của sự suy yếu này, thì tình trạng tài chính gia đình xấu đi cho thấy — và cho thấy một cách mạnh mẽ — rằng nền kinh tế sẽ sớm suy thoái. Và nếu tin xấu trong nửa đầu năm nay thực sự báo hiệu rằng một một cuộc suy thoái đã bắt đầu, thì bức tranh được mô tả ở đây cho thấy — một cách mạnh mẽ không kém — rằng cuộc suy thoái này sẽ kéo dài đến năm 2023. Với việc lạm phát vẫn đang hoành hành, thì năm tới đây có thể xứng đáng với mô tả về “lạm phát đình trệ.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times