Nền kinh tế Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật, dữ liệu GDP mới xác nhận
Các kết quả mới nhất về tổng sản phẩm quốc nội Hoa Kỳ trong quý hai cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã suy giảm với tốc độ chậm hơn một chút so với báo cáo trước đó, nhưng dữ liệu cho thấy nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng suy thoái kỹ thuật.
Việc tăng lãi suất gây ra bởi lạm phát cao trong 41 năm đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ trong nửa đầu năm 2022.
GDP của Hoa Kỳ đã giảm 0.6% trong quý hai, dưới mức 0.9% được báo cáo ban đầu, theo báo cáo sửa đổi của Cục Phân tích Kinh tế được công bố hôm 25/08.
Nền kinh tế đã suy giảm 1.6% trong quý đầu tiên, con số GDP tệ nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch vào mùa xuân năm 2020.
Những thay đổi tích cực trong báo cáo sửa đổi dường như bắt nguồn từ dữ liệu mới về chi tiêu của người tiêu dùng, được sửa đổi cao hơn từ 0.70% đến 0.99%.
Chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm ⅔ GDP, theo sau là sự gia tăng xuất cảng như vật tư và vật liệu công nghiệp, du lịch, và dịch vụ ăn uống.
GDP chứng kiến sự sụt giảm trong đầu tư hàng tồn kho, đầu tư nhà ở, chi tiêu của chính phủ liên bang, và chi tiêu của chính phủ địa phương và tiểu bang trong quý hai.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sửa đổi tăng 7.1% trong quý hai với cùng tốc độ như trong quý đầu tiên, trong khi chỉ số giá cốt lõi PCE không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng 4.4%, sau khi tăng 5.2% trong quý trước.
Hai quý tăng trưởng âm
Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), một tổ chức bất vụ lợi bán công chuyên theo dõi suy thoái kinh tế, suy thoái kỹ thuật được xác định bằng hai quý liên tiếp tăng trưởng kinh tế âm, dẫn đầu là tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng GDP kém, thu nhập cá nhân giảm, và doanh số bán lẻ chậm.
Theo NBER, hai quý tăng trưởng âm về mặt kỹ thuật đặt nền kinh tế Hoa Kỳ vào định nghĩa của một cuộc suy thoái do một “sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế lan rộng khắp nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng.”
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp và chi tiêu tiêu dùng, vốn là hai tiêu chuẩn chính được NBER sử dụng để xác định liệu nền kinh tế có đang suy thoái hay không, vẫn mạnh trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Chín, đồng thời đánh giá mức độ nhanh chóng mà cơ quan này có thể tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Ông Patrick Zweifel, nhà kinh tế trưởng tại Pictet Asset Management, cho biết: “GDP Hoa Kỳ được xác nhận là đã thu hẹp lại, GDI (tổng thu nhập quốc nội, lẽ ra bằng với GDP) tăng hơn nữa trong quý 2, khiến khoảng cách giữa chúng ngày càng rộng hơn”.
Ông Zweifel cho biết: “Vì những sửa đổi trong lịch sử đã chuyển GDP sang GDI, nên việc sửa đổi hàng năm vào tháng Chín sẽ khiến việc xoay trục của Fed thậm chí còn khó xảy ra hơn nữa.”
Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất chuẩn lên 75 điểm cơ bản lần lượt vào tháng Sáu và tháng Bảy, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994.
Các quan chức Fed chưa công bố quy mô của đợt tăng được đề nghị, điều mà họ cho biết sẽ phụ thuộc vào bất kỳ dữ liệu mới nào sắp tới.
Tranh luận về suy thoái
Chủ tịch Fed Jerome Powell, người dự kiến có bài diễn văn tại hội nghị Jackson Hole hôm 26/08 để thảo luận về các chính sách lãi suất trong tương lai của Fed, nói với các phóng viên hồi tháng trước rằng ông vẫn không tin nền kinh tế Hoa Kỳ đang suy thoái.
Một cuộc khảo sát từ NABE cho thấy 72% các nhà kinh tế mong đợi một cuộc suy thoái kinh tế vào giữa năm sau, hoặc nghĩ rằng nền kinh tế đã trong tình trạng suy thoái.
Khoảng 20% trong số những người được hỏi cho biết họ tin rằng nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái, trong khi 20% khác không mong đợi một cuộc suy thoái trước nửa cuối năm 2023.
Chủ tịch NABE David Altig cho biết trong một tuyên bố: “Kết quả khảo sát phản ánh nhiều ý kiến chia rẽ giữa các thành viên hội thảo.”
“Điều này tự nó cho thấy có ít sự rõ ràng hơn bình thường về triển vọng.”
Nhiều nhà kinh tế ngày càng chỉ trích hiệu quả công việc của chủ tịch Fed, với những lời phàn nàn về nỗ lực chống lạm phát của ông, hoặc về những thất bại trước đây của ông trong việc đánh giá dữ liệu kinh tế.