Nền kinh tế Hoa Kỳ có mức tăng trưởng thấp nhất kể từ nửa đầu năm 2022
Lạm phát và chi tiêu tiêu dùng thấp hơn là những điểm nổi bật nhất trong báo cáo GDP lần này.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã chậm lại trong ba tháng đầu năm 2024. Tác động trễ từ mức lãi suất cao của Hệ thống Dự trữ Liên bang dường như đang ảnh hưởng đến bối cảnh kinh tế đất nước.
Theo ước tính thứ hai của Cục Phân tích Kinh tế (BEA), tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Hoa Kỳ trong quý 1/2024 là 1.3%. Con số này đã giảm so với mức ước tính trước đó của cơ quan liên bang này là 1.6% và phù hợp với ước tính của thị trường.
Trong quý 4/2023, nền kinh tế đã tăng trưởng 3.4%.
Như vậy, tăng trưởng GDP quý 1/2024 đang ở mức thấp nhất kể từ khi GDP sụt giảm trong nửa đầu năm 2022.
Lạm phát đã giảm nhẹ khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) giảm từ 3.4% xuống 3.3%. Chỉ số PCE cốt lõi, loại bỏ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã giảm từ 3.7% xuống còn 3.6%.
Chỉ số giá GDP, thước đo lạm phát về giá của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại Hoa Kỳ, đã không đổi ở mức 3.1%.
Thu nhập cá nhân thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) được điều chỉnh tăng thêm 0.8% lên 1.9%. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cũng được điều chỉnh tăng thêm 0.2% lên 3.8%.
Chi tiêu tiêu dùng được điều chỉnh thấp hơn từ 2.5% xuống 2%. Chi tiêu cho hàng hóa giảm 1.9%, trong khi tiêu dùng dịch vụ tăng 3.9%.
Chi tiêu tiêu dùng chiếm phần lớn mức tăng trưởng trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Ba.
Chi tiêu chính phủ tăng thêm 0.1% lên 1.3%. Chi tiêu của liên bang, tiểu bang và địa phương đóng góp 18% vào con số GDP tổng cuối cùng.
Xuất cảng ròng hàng hóa và dịch vụ tăng 1.2%, trong khi tổng đầu tư tư nhân tăng 3.2%.
Phản ứng của thị trường
Sau báo cáo ước tính GDP lần thứ hai, thị trường tài chính đã ít có thay đổi, với các chỉ số chuẩn hàng đầu đã giảm 0.8% trước giờ mở cửa.
Nhưng lợi suất công khố phiếu Hoa Kỳ đã chìm trong sắc đỏ hôm 30/05. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn giảm xuống 4.57%. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn hai năm giảm xuống dưới 4.94%, trong khi lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 30 năm giảm xuống còn 4.7%.
Chỉ số USD (DXY), thước đo của đồng USD so với rổ tiền tệ, đã giảm xuống hết mức tăng trước đây và duy trì ở mức dưới 105.
Dự báo kinh tế
Hướng tới quý 2/2024, nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ có những số liệu khởi sắc hơn. Theo ước tính mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, nền kinh tế được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm được điều chỉnh theo mùa 3.5% trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Mô hình Nowcast của Nhân viên Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho ra những chỉ số dự báo khiêm tốn hơn, với mức tăng trưởng quý 2 đạt khoảng 2%.
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu bối cảnh kinh tế có thể duy trì được đà tăng trưởng từng có trong những năm qua hay không.
Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Apollo, cho rằng tăng trưởng thu nhập của các công ty trong S&P 500 cho thấy “sự phục hồi mạnh mẽ trong đầu tư vào tài sản cố định của doanh nghiệp trong những quý tới.”
Những phát hiện trong báo cáo Beige Book mới nhất của Fed, một nghiên cứu hàng tháng về các nền kinh tế khu vực, nhấn mạnh rằng nền kinh tế có khả năng tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ “lạc quan một cách thận trọng” về tình hình kinh tế.
“Hoạt động kinh tế quốc gia đã tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, các điều kiện là khác nhau giữa các ngành và khu vực,” Fed nêu rõ trong báo cáo. “Triển vọng chung trở nên bi quan hơn một chút trong bối cảnh các báo cáo về sự bất ổn gia tăng và rủi ro tăng trưởng giảm tăng lên.”
Khảo sát Triển vọng Sản xuất Texas của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas cho thấy hoạt động sản xuất đã suy yếu trong tháng Năm do “nhận thức rằng các điều kiện kinh doanh nhìn chung tiếp tục xấu đi.”
Các ý kiến khảo sát cho thấy các công ty đang lo lắng về lạm phát kéo dài, thị trường lao động thắt chặt, và lãi suất tăng cao.
“Mọi thứ đang trở nên hỗn loạn,” một giám đốc sản xuất thiết bị vận tải lưu ý trong báo cáo.
Kết quả từ cuộc khảo sát Chỉ số Kinh tế Tự do Tháng Năm của RedBalloon–PublicSquare với 80,000 chủ doanh nghiệp nhỏ cho thấy đa số (64%) tin rằng đất nước đang tiến tới tình trạng lạm phát đình trệ. Đây là một môi trường tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao.
Như các báo cáo khác đã nhấn mạnh, lạm phát vẫn là yếu tố gây áp lực chính đối với các công ty. Áp lực về giá đối với nhiều công ty cao đến mức 40% chủ doanh nghiệp nhỏ đang trì hoãn thanh toán hóa đơn để quản lý dòng tiền của họ.
“Đó là ba năm khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ,” ông Michael Seifert, Giám đốc điều hành của nền tảng thị trường nổi tiếng PublicSquare, cho biết trong một tuyên bố. “Mặc dù với chính phủ và giới chính trị tại Hoa Thịnh Đốn có thể cảm thấy mọi thứ đều tốt, nhưng tình hình không phải có nghĩa như thế với Main Street America — tiền tuyến của nền kinh tế doanh nghiệp nhỏ của chúng ta.”
Nhưng trong khi các doanh nghiệp nhỏ trở nên kém lạc quan hơn về nền kinh tế thì người tiêu dùng lại trở nên tự tin hơn một chút.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board đã tăng trong tháng Năm sau ba tháng giảm liên tiếp.
“Nhìn về tương lai, đã có ít người tiêu dùng hơn cho rằng sẽ có sự suy giảm trong điều kiện kinh doanh, tình trạng việc làm, và thu nhập trong tương lai, dẫn đến sự gia tăng Chỉ số Kỳ vọng,” bà Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng tại Conference Board, cho biết trong báo cáo. “Tuy nhiên, thước đo độ tin cậy nhìn chung vẫn nằm trong phạm vi tương đối hẹp vốn đã duy trì như vậy trong hơn hai năm.”
Nghĩa là, triển vọng lạm phát trung bình trong 12 tháng tới đã tăng từ 5.3% lên 5.4%.
Bà Peterson nói: “Cuộc khảo sát cũng cho thấy mối lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế xuất hiện trở lại. Chỉ số ‘khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ trong 12 tháng tới’ đã tăng trở lại vào tháng Năm, khi nhiều người tiêu dùng tin rằng suy thoái kinh tế là ‘có khả năng xảy ra’ hoặc ‘rất có thể xảy ra.’”
Báo cáo kinh tế quan trọng tiếp theo sẽ là chỉ số giá PCE ưa thích của Fed, dự kiến sẽ không đổi ở mức 2.7%.
Các dữ liệu khác
Các nhà quan sát thị trường cũng xem xét kỹ các dữ liệu lao động mới nhất.
Số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên 219,000 trong tuần kết thúc vào hôm 25/05. Số đơn yêu cầu tiếp tục trợ cấp thất nghiệp tăng lên 1.791 triệu, trong khi mức trung bình trong 4 tuần, loại bỏ sự biến động hàng tuần, đã tăng lên tới 222,500 đơn.
Hàng tồn kho bán sỉ tăng với tốc độ cao hơn dự kiến là 0.2% trong tháng Tư, trong khi hàng tồn kho bán lẻ ngoại trừ xe hơi tăng 0.3%.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times