NATO cảnh báo Kosovo không thực hiện ‘các hành động gây bất ổn’ trong bối cảnh căng thẳng ở Serbia
NATO cảnh báo Kosovo không thực hiện “những hành động gây bất ổn” sau các cuộc đụng độ nổ ra giữa cảnh sát Kosovo và những người sắc tộc Serbia, những người đã cố gắng ngăn chặn các thị trưởng người Albania mới đắc cử bước vào các tòa thị chính.
“Pristina phải giảm leo thang [và] không thực hiện các hành động đơn phương, gây bất ổn,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố trên Twitter hôm Chủ Nhật (28/05), đề cập đến thủ đô của Kosovo.
Ông Stoltenberg cho biết ông đã nói chuyện với đại diện cao cấp của Liên minh Âu Châu (EU) về chính sách an ninh và ngoại giao Josep Borrell về tình hình ở Kosovo và kêu gọi Kosovo lẫn Serbia tham gia vào cuộc đối thoại do EU dẫn đầu để đạt được hòa bình.
“NATO sẽ tiếp tục bảo đảm một môi trường an ninh [và] an toàn,” ông nói thêm.
Đoạn phim lan truyền trên mạng xã hội vào đầu ngày hôm nay cho thấy quân đội do NATO lãnh đạo có mặt gần các tòa nhà thành phố ở phía bắc Kosovo. Điều này xảy ra vài ngày sau khi Tổng thống (TT) Serbia Aleksandar Vucic chỉ trích NATO vì đã không hành động sớm hơn.
Ông Richard Grennell, cựu Đặc Phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về các cuộc Đàm phán Hòa bình ở Serbia và Kosovo dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, đã đăng trên Twitter rằng, “Quân đội NATO đã tiếp quản các tòa nhà ở Kosovo. Quân đội của Mỹ và tiền của Mỹ. Chúng ta đã đi từ hòa bình và phát triển dưới thời Tổng thống Trump đến sự hỗn loạn và chiếm đóng quân đội dưới thời Tổng thống Biden. Ông Biden quá kém cỏi.”
Hàng chục người bị thương, trong đó có cả cảnh sát, và một vài chiếc xe đã bị thiêu rụi trong các cuộc đụng độ. Cảnh sát Kosovo đã bắn hơi cay để giải tán đám đông và để các quan chức mới của Zvecan, Leposavic, và Zubin đi vào các tòa thị chính.
Các cuộc đụng độ nổ ra khi người sắc tộc Serbia, chiếm đa số ở miền bắc Kosovo, tẩy chay cuộc bầu cử đột xuất hồi tháng trước mà trong đó chỉ người sắc tộc Albania hoặc các đại diện thiểu số nhỏ hơn khác được bầu.
Ông Vucic đã ra lệnh di chuyển quân đội “khẩn cấp” đến gần biên giới hơn và đặt khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Serbia ở “tình trạng báo động cao nhất” để bảo vệ những người sắc tộc Serbia.
“Tôi sẽ chiến đấu để từng giây để hòa bình được tồn tại lâu hơn, nhưng tôi nói rằng cuộc tấn công đầu tiên vào người Serbia ở Kosovo và Metohija — Serbia sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Quý vị có muốn trục xuất người Serbia không? Quý vị sẽ không trục xuất họ,” ông nói, theo các bản tin của truyền thông địa phương.
Thủ tướng Kosovo Albin Kurti biện minh cho các hành động của nhà chức trách với lý do là các quan chức được bầu cử dân chủ có quyền nhậm chức mà không bị dọa dẫm hoặc đe dọa.
“Việc được các quan chức dân cử phụng sự cũng là quyền của công dân. Việc tham gia — chứ không phải là cản trở bằng bạo lực — là cách đúng đắn để bày tỏ quan điểm chính trị trong một nền dân chủ,” ông Kurti viết trên Twitter.
Hoa Kỳ lên án các hành động của Kosovo
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bày tỏ sự lên án mạnh mẽ việc chính phủ Kosovo sử dụng vũ lực để tiếp cận các tòa thị chính và kêu gọi ông Kurti đảo ngược hướng đi của hành động này.
“Những hành động này đã làm leo thang căng thẳng một cách mạnh mẽ và không cần thiết, làm suy yếu những nỗ lực của chúng ta nhằm giúp bình thường hóa quan hệ giữa Kosovo và Serbia, đồng thời sẽ gây ra những hậu quả cho mối bang giao song phương của chúng ta với Kosovo,” ông Blinken cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (26/05).
“Chúng tôi kêu gọi Thủ tướng Albin Kurti đảo ngược quyết định và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế không đưa ra thêm bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng và thúc đẩy xung đột,” ông nói thêm.
Hôm Chủ Nhật, các đại sứ quán của Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ, cũng như EU tại Kosovo, đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi chính phủ Kosovo thể hiện sự kiềm chế.
“Chúng tôi đặc biệt cảnh báo tất cả các bên về các mối đe dọa hoặc hành động khác vốn có thể ảnh hưởng đến môi trường an toàn và an ninh, bao gồm cả quyền tự do đi lại, và điều đó có thể làm nảy sinh căng thẳng hoặc thúc đẩy xung đột,” tuyên bố viết.
Trước đó ông Vucic cảnh báo rằng đất nước ông sẽ đáp trả lại hành động bạo lực đối với người Serbia, và đã vài lần tăng cường sẵn sàng chiến đấu trong những thời điểm căng thẳng với Kosovo.
Nhưng bất kỳ nỗ lực nào của Serbia nhằm gửi quân đội của họ qua biên giới sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận đụng độ với quân đội NATO đang đồn trú ở đó.
Hoa Kỳ là quốc gia ủng hộ chính của Kosovo về mặt chính trị, quân sự, và tài chính kể từ khi nước này tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times