Có một Trật Tự Thế Giới Mới đang xuất hiện hay không?
Trong một bài bình luận trước đây đã thảo luận về cách mà thế giới đã đối xử khác biệt với Cộng hòa Kosovo so với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk như thế nào. Sự đối xử khác biệt này cho thấy có tồn tại một tiêu chuẩn kép liên quan đến việc ly khai và quyền tự quyết của các nhóm dân tộc theo luật pháp quốc tế.
Trong khi Phương Tây hoan nghênh việc Kosovo ly khai khỏi Serbia, thì họ lại phản đối tuyên bố độc lập của các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk vốn chỉ được Nga và Syria công nhận. Ngược lại, tính đến tháng 03/2020, Kosovo đã được 115 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc công nhận, nhưng 15 trong số các quốc gia này đã rút lại [sự công nhận].
Cách tiếp cận vô nguyên tắc này đối với các vấn đề ly khai và quyền tự quyết, ít nhất một phần, là do một hệ quả từ Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Được thông qua vào ngày 10/06/1999, để đáp trả việc NATO ném bom liên tục vào Serbia vào ngày 24/03 cùng năm, nghị quyết này khẳng định rằng Kosovo vẫn là một phần không thể thiếu của Serbia.
Cụ thể, trong Phụ lục 2 của nghị quyết, mặc dù phụ lục này thúc đẩy “chính phủ tự trị đáng kể cho Kosovo,” nhưng lại thừa nhận rằng phải cân nhắc một cách đầy đủ đến “các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Nam Tư.” Do đó, điều này cho thấy rằng lãnh thổ của Kosovo là một phần của Serbia — quốc gia kế vị của Cộng hòa Liên bang Nam Tư — và rằng quốc gia này sẽ không ly khai.
Bản nghị quyết cũng nêu rõ rằng, “một số lượng xác định người Nam Tư và Serbia sẽ được phép quay trở lại để duy trì sự hiện diện [của họ] tại các khu vực vốn là di sản của người Serbia” và “hiện diện tại các cửa khẩu biên giới quan trọng.”
Sau đó bản nghị quyết đã đồng ý rằng Serbia được phép có đến một ngàn cảnh sát hoặc sĩ quan quân đội tại các đường biên giới của mình, và thừa nhận người Serbia chiếm phần đông dân số của Kosovo.
Một Nghị quyết Thất bại
Trong bất kỳ trường hợp nào, nghị quyết này đã không đạt được những lời hứa hẹn cao cả của mình vì ngày 17/02/2008, Kosovo đã đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia. Không có bất kỳ sĩ quan Serbia nào ở biên giới, và người Serbia đã trở thành một nhóm thiểu số ở Kosovo. Tuy nhiên, Nghị quyết 1244 vẫn ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các bên, nhưng người Kosovo và người Serbia lý giải nghị quyết này theo những cách khác nhau và loại trừ lẫn nhau.
Việc áp dụng tiêu chuẩn kép không rõ ràng này cũng có thể được thấy rõ trong phản ứng hiện tại của Phương Tây trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Nga để trừng phạt hành vi xâm lược của nước này, điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi một cách hoa mỹ là “hoạt động quân sự đặc biệt.” Nhưng họ cũng tiếp tục mua năng lượng giá rẻ từ Nga.
Ông Aleksandar Vulin, Bộ trưởng Nội vụ Serbia, đã nói rằng việc NATO ném bom Serbia hồi năm 1999 “là một tội ác chống lại một quốc gia có chủ quyền cũng như người dân của họ và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.”
Từ góc độ vận hành đất nước, Nga đã chuẩn bị cho tình huống khó lường này trong 10 năm qua. Cho đến gần đây, họ đã nhập cảng trái cây và nông sản từ Serbia và các nước Đông Âu khác. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, nước này đã giảm đáng kể việc nhập cảng những mặt hàng này bởi vì Nga, bằng cách tăng sản lượng của chính mình, đã có thể tự cung tự cấp. Năm 2015, ông Putin thậm chí còn yêu cầu người dân của mình hồi hương các nguồn tài chính từ ngoại quốc về Nga để tránh bị một Phương Tây đầy thù hận chiếm đoạt hoặc phong tỏa.
Tiếp nối lời kêu gọi này, Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, đã thông báo rằng họ đang rời khỏi thị trường Phương Tây và thay vào đó, họ sẽ tập trung vào Trung Á. Trong khi đó, ngân hàng này đã thu mua được một lượng vàng khổng lồ.
Tương lai sẽ như thế nào?
Những diễn biến này cho thấy Nga đã lường trước được phản ứng của Phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine mà họ đã lên kế hoạch và đang chuẩn bị cho người dân của mình đối phó với sự mất mát kinh tế sẽ xảy ra. Thật đáng lo ngại, sự chuẩn bị lâu dài này cũng có thể cho thấy rằng Nga đang ở trong một chặng đường dài và cuộc xâm lược Ukraine của họ chỉ là hành động đầu tiên trong cuộc chiến quyền lực kéo dài với Phương Tây. Tùy thuộc vào độ vững chắc của phân tích này, Ukraine có thể chỉ là khởi đầu của tình trạng bất ổn và hỗn loạn ở Âu Châu và ở khu vực Trung Đông.
Màn kịch đang diễn ra ở Ukraine khiến các nhà phân tích đặt ra một câu hỏi: Ai mới là người đúng đắn? Các quốc gia Phương Tây, nơi người dân được hưởng một nền giáo dục tinh tế, quan điểm tiến bộ, tự do, và ưa thích lối sống thoải mái, một cách tự nhiên đang nghiêng theo hướng áp đặt các giá trị và chuẩn mực Phương Tây lên nước Nga.
Nhưng Phương Tây đã thay đổi đáng kể trong vài năm qua, với tình trạng phóng túng đạo đức đang tồn tại trong các xã hội của mình, kết hợp với việc suy giảm sự tôn trọng các chuẩn mực đạo đức, tôn giáo, đức tin, và thậm chí là tự do cá nhân.
Nếu tham vọng của các nền kinh tế thị trường mới nổi của các quốc gia trong nhóm BRICS — Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi — và quyết tâm cạnh tranh kinh tế của họ với thế giới phát triển được thêm vào bài toán này, thì người ta có thể nhận ra rằng chắc chắn có một điều gì đó đang xảy ra dẫn đến sự phát triển của một trật tự thế giới mới — không khác gì trật tự thế giới được thiết lập sau mỗi sự kiện lịch sử thảm khốc.
Để xác định rõ trật tự thế giới đang phát triển này diễn biến như thế nào, thì cần quan sát và theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra trong thế giới tài chính với các chuyển dịch của tiền tệ trên thị trường quốc tế.
Lời cổ vũ của ông Putin dành cho những người đồng hương của mình hồi năm 2015 chỉ ra rằng, đây có thể là chìa khóa để hiểu được sự phát triển của thế giới bởi vì các chính sách và hoạt động tài chính là những yếu tố dự báo về cách mà các quốc gia có thể hành xử trong tương lai.
Có một điều chắc chắn là thế giới đã trở thành một nơi bất ổn, và việc áp dụng các tiêu chuẩn kép và phi nguyên tắc, không có khả năng mang lại sự ổn định, thịnh vượng, và hòa bình lâu dài giữa các quốc gia trên thế giới.
Thay vào đó, điều này có thể báo trước sự hình thành một trật tự thế giới mới.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã giảng dạy trên khắp Úc, Á Châu, Âu Châu, và Hoa Kỳ. Ông Moens gần đây đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết “A Twisted Choice” (“Sự Lựa Chọn Xấu Xa”) (NXB Boolarong Press, 2020) và “The Coincidence” (“Sự Trùng Hợp Ngẫu Nhiên”) (NXB Connor Court Publishing, 2021).
Ông Dejan Hinic là một chuyên gia tài chính và đầu tư đến từ Belgrade, Serbia. Ông đã nhận bằng luật của mình tại Đại học Belgrade và Đại học Queensland.