Nam nữ hữu biệt: Lễ tiết mừng trẻ chào đời theo phong tục dân gian
Người xưa tin rằng vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều có tồn tại trong đó thuộc tính âm và dương, cũng như con người có nam có nữ. Do đó, để nhận thức rõ sự khác biệt giữa nam và nữ, cổ nhân đã có những lễ tiết, tập tục khác biệt ngay khi con sinh ra đời. Trải qua hàng ngàn năm, những lễ tiết, tập tục đó đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc nói lên đời sống tinh thần phong phú của cổ nhân, và rất đáng để thế hệ sau học tập.
Thời khắc quan trọng đầu tiên khi một người đến với thế giới này là khi người đó chào đời. Sau khi một em bé được sinh ra, sẽ bắt đầu tiếp xúc với thế giới muôn màu muôn vẻ, tiếp nhận nền giáo dục và văn hoá khác nhau, v.v. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của đứa trẻ. Vậy, thưở xưa lưu truyền những truyền thống văn hoá nào liên quan đến sự ra đời của trẻ, và chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Trong “Lễ Ký” viết rằng: “Tử sinh. Nam tử thiết hồ vu môn tả, nữ tử thiết thuế vu môn hữu”. Ý tứ chính là nếu trong nhà sinh được con trai thì ở bên trái cửa sẽ treo một cây cung, nếu trong nhà sinh được con gái thì ở bên phải cửa sẽ treo một chiếc khăn tay. Người ngoài chỉ cần nhìn vào cửa là có thể biết ngay nhà đó sinh con trai hay con gái.
Vậy tại sao ngay sau khi đứa trẻ sinh ra đã phân chia rõ ràng bên trái bên phải, đồ treo ngoài cửa cũng khác nhau? Người xưa cho rằng một âm một dương chính là đạo của đất trời. Bởi vì có trời đất cho nên có âm dương, có nam có nữ. Đây cũng là nền tảng để phân chia trật tự trong xã hội. Ngoài ra, những đặc điểm, phẩm chất của nam và nữ cũng là khác nhau. Nam tử chú trọng đến khí dương cương, sự mạnh mẽ, cứng rắn, nam tính. Nữ tử chú trọng đến vẻ đẹp của sự âm nhu, hiền dịu, nữ tính. Trái là dương, phải là âm, bởi vậy mới có cách nói “nam tả nữ hữu”.
Do đó, ngay sau khi con cái ra đời đã có sự khác biệt trong lễ tiết giữa nam và nữ. Trong gia đình sinh được con trai, treo lên bên trái cửa một cây cung là ngụ ý cho sự mạnh mẽ, nam tính. Còn khi sinh được cô con gái thì treo bên phải cửa một chiếc khăn tay là tượng trưng cho vẻ đẹp âm nhu, mềm mại của phụ nữ.
Sách “Hậu Hán Thư” viết rằng: “Sinh nữ như thử, do khủng kỳ hổ”, nghĩa là khi cha mẹ sinh được con gái thì hy vọng trẻ có thể ôn nhu khiêm thuận, còn nếu người con gái đó dữ tợn như hổ là điều cha mẹ e sợ. Trong đó cũng viết: “Sinh nam như lang, do khủng kỳ uông”, nghĩa là nếu sinh được người con trai thì hy vọng đứa trẻ lớn lên phải mạnh mẽ, chỉ e sợ con lớn lên yếu đuối, nhu nhược.
Thời xưa, để nhận thức rõ sự khác biệt giữa nam và nữ, cổ nhân đã có những lễ tiết, tập tục, văn hoá khác biệt ngay khi con sinh ra đời. Tại đây tác giả xin gửi tới độc giả một câu chuyện về một nhật vật nổi tiếng trong làng giải trí Trung Quốc. Một hôm, anh rất cao hứng đăng một bài viết chia sẻ với bạn bè wechat của mình, đại ý là: “Hôm nay, trong nhà có lộng chương chi hỉ, mời mọi người ngày nào đó đến chung vui.” Rất nhiều người nhăn nhó thắc mắc “Lộng chương chi hỉ” nghĩa là gì? Có người nghĩ “chương” tức là ngọc, vậy “lộng chương chi hỉ” là có ý gì? Chẳng lẽ nhà anh này vừa nhặt được một miếng ngọc quý ư?
Thực ra, thành ngữ “Lộng chương chi hỉ” bắt nguồn từ cuốn “Thư Kinh – Tiểu Nhã”. Trong đó viết rằng: “Nãi sinh nam tử, tái tẩm chi sàng, tái y chi thường, tái lộng chi chương.”
Thời cổ đại, những người có thân phận địa vị cao quý đều sẽ đeo một miếng ngọc bên thân. Cho nên, bắt đầu từ thời Tây Chu, nhà ai sinh được con trai thì đều sẽ cho đứa trẻ cầm ngọc, hy vọng đứa trẻ lớn lên sẽ có địa vị cao quý như vương hầu. Bởi vậy, cổ nhân mới có cách gọi “lộng chương chi hỉ” khi sinh con trai.
Còn khi sinh con gái, cổ nhân lại có cách nói “lộng ngõa chi hỉ”, “ngõa” ở đây là dụng cụ dệt vải thời xưa. Thời cổ đại, phụ nữ đều chăm chỉ dệt vải, đàn ông cày ruộng. Để xem xét một người phụ nữ có hiền đức hay không thì phải xem người phụ nữ đó có giỏi việc nhà hay không. Vì vậy, khi trong nhà sinh được con gái, người lớn cho trẻ chơi dụng cụ dệt vải là hy vọng con gái lớn lên sẽ trở thành cô gái hiền thục có phẩm đức, giỏi việc nhà, biết thêu thùa dệt vải. Bởi vậy, cổ nhân có cách gọi “lộng ngoã chi hỉ” khi sinh con trai.
“Lễ xuất ra từ tục, tục hóa thành lễ”, về việc sinh con trai con gái, trong dân gian còn có rất nhiều phong tục để phân biệt. Ở một số vùng, khi trong nhà sinh được con gái, người lớn sẽ trồng hai cây nhãn. Đến thời điểm con gái đi lấy chồng, người nhà sẽ chặt hai cây này xuống và làm thành hai chiếc rương nhỏ để đựng tơ lụa làm của hồi môn. Trong tiếng Hán, hai chữ “tơ lụa” (絲綢) phát âm gần giống với hai chữ “tư thủ” (廝守) nghĩa là nương tựa vào nhau, cho nên người ta làm như vậy là để cầu mong cuộc hôn nhân của con gái được đầm ấm hạnh phúc.
Ngoài ra, có nơi hễ gia đình nào sinh được con gái thì người thân sẽ chọn ra vài vò rượu ngon nhất, dán kín miệng vò rồi đem chôn xuống đất. Đợi cho tới khi người con gái lớn lên và xuất giá thì họ mới lấy rượu làm quà đãi khách. Loại rượu này tên là “Nữ nhi hồng”. Ý nghĩa của việc làm này là thể hiện sự trân quý con như báu vật cất kỹ.
Lâm Phương Vũ biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ