Một em bé mới biết đi tử vong trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở Tân Cương
Sự ra đi thương tâm của một em bé 17 tháng tuổi ở thành phố Nghi Ninh hồi tháng trước đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. Cha của cậu bé đã trách cứ các bệnh viện địa phương vì làm ăn tắc trách, theo đó cư dân mạng chỉ trích chính quyền đã áp dụng các biện pháp phong tỏa COVID-19 hà khắc.
Nghi Ninh — một thành phố ở khu tự trị Tân Cương phía tây Trung Quốc — đã bị phong tỏa hoàn toàn bắt đầu từ hôm 30/07, khi chính quyền địa phương ghi nhận 10 ca nhiễm không có triệu chứng. Theo các bài đăng trực tuyến của nhiều người dân, thành phố này đã phong tỏa toàn bộ nhà dân để ngăn chặn COVID lây lan, trong khi đó các bệnh viện địa phương đã ngừng điều trị cho trẻ em.
Theo cổng thông tin Sina của Trung Quốc, kể từ hôm 12/09, các nhà chức trách y tế của Nghi Ninh đã báo cáo 10 ca nhiễm không có triệu chứng.
Anh Lưu Long, một cư dân của Nghi Ninh, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 10/09 rằng anh muốn đòi lại công lý cho người con trai đã khuất của mình, bé Húc Dương.
“Hôm 18/08, phó bí thư đã đến nhà chúng tôi sau khi tôi viết bài về sự ra đi của con trai tôi trên mạng. Ông ấy nói rằng họ sẽ tiến hành một cuộc điều tra nếu tôi xóa bài đăng. Nhưng đã hơn 20 ngày trôi qua, mọi việc vẫn không có tiến triển gì. Có phải là họ sợ phải gánh vác trách nhiệm không? Hay có phải họ sợ mất chức không?”
Anh Lưu cho biết các nhà chức trách đã kéo bài đăng của anh xuống trong vòng ba phút.
Cư dân mạng đã chỉ trích gay gắt chính quyền địa phương và các bệnh viện vì xem thường tính mạng người dân, và họ đã đăng lại những bình luận còn sót lại của người cha trên các nền tảng truyền thông xã hội nổi bật hơn để ủng hộ anh.
Thảm kịch
Anh Lưu đã trách các bệnh viện địa phương sơ suất và không cứu được con trai anh.
Anh nói với ấn phẩm: “Việc cách ly tại nhà đã bắt đầu hôm 01/08. Kể từ đó chúng tôi bị giam hãm ở trong nhà. Tôi sống trong một căn nhà có sân riêng, cũng bị [chính quyền địa phương] khóa lại không cho ra ngoài.”
Anh cho biết bé Húc Dương có một số triệu chứng khó tiêu trong 2-3 ngày, nhưng bé vẫn ăn uống như bình thường và không bị sốt.
Tuy nhiên đến 3 giờ 10 phút sáng hôm 16/08, cậu bé bắt đầu cảm thấy không khỏe. Anh Lưu nói rằng cậu bé rất yếu và không linh hoạt.
Anh nói: “Tôi lập tức gọi điện đến trung tâm cấp cứu, nhưng họ nói không có bệnh viện nào điều trị cho bệnh nhân. Họ bảo tôi thử vận may bằng cách gọi điện đến từng bệnh viện.”
Trung tâm cấp cứu ở mỗi thành phố nằm dưới sự quản lý của ủy ban y tế địa phương. Trung tâm này có trách nhiệm thực hiện các cuộc gọi cấp cứu và điều phối xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
Anh Lưu nói với tờ báo rằng anh đã gọi đến hầu hết các bệnh viện lớn trong thành phố. “Những cuộc gọi này cái thì không ai nhấc máy, cái thì số điện thoại không liên lạc được, cái thì bảo là bệnh viện này không điều trị cho trẻ em.”
Không còn cách nào khác, anh đã gọi điện đến đồn công an, cuối cùng hai cha con đã đến gặp bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của ủy ban cộng đồng địa phương.
Thế nhưng, họ đã không giúp gì được anh. Sau đó anh Lưu đã gọi lại cho trung tâm cấp cứu trước mặt cảnh sát và bí thư ĐCSTQ, nhưng trung tâm này vẫn quả quyết rằng anh nên tự liên lạc với các bệnh viện.
Không biết phải làm cách nào, anh Lưu đã liều mình đưa con trai đến trung tâm y tế gần nhất — cách nhà anh năm phút lái xe.
Anh nói: “Tôi thấy triệu chứng của con trai đang biến chuyển xấu, nên tôi chỉ biết ôm con tôi lao vào xe của ủy ban cộng đồng và ép anh tài xế phải chở chúng tôi đến bệnh viện gần nhất.”
Khi đến nơi, bệnh viện này yêu cầu hai cha con phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính thì mới cho Húc Dương nhập viện.
“Tôi cứ thế xông thẳng vào phòng của họ và đặt con tôi lên giường cấp cứu, nhưng nhân viên y tế bên cạnh chỉ nói với tôi thế này: ‘Đi trả viện phí đi, trả đi, trả đi, trả đi!’”
Anh Lưu kể lại rằng, sau đó, vào lúc 5 giờ 5 phút sáng cùng ngày, bệnh viện này thông báo rằng cậu bé đã qua đời vì “sốc nhiễm khuẩn” (hay sốc nhiễm trùng, xảy ra khi cơ thể bị nhiễm khuẩn nặng, đã chuyển sang nhiễm trùng huyết và có rối loạn chức năng tim mạch).
“Bệnh viện đó nói rằng nếu tôi đến sớm hơn 10 phút, thì tình hình của con tôi đã hoàn toàn khác rồi,” anh nói trong nước mắt.
Do phong tỏa nên nhà tang lễ địa phương cũng bị đóng cửa còn bệnh viện thì từ chối mong muốn sử dụng nhà xác của anh Lưu. Vì vây, anh đã phải ôm thi thể con trai mình suốt ba giờ đồng hồ, ngồi trước cổng bệnh viện đợi xe của nhà hỏa táng đến đón.
“Nhà hỏa táng nói với tôi rằng đứa trẻ quá nhỏ nên sẽ không để lại tro,” anh nói. “Từ 3 giờ sáng đến 9 giờ sáng, từ phòng hồi sức đến nhà hỏa táng, chỉ trong sáu giờ ngắn ngủi mà con trai tôi đã ra đi mãi mãi.”
Theo tờ Thời báo Kỹ thuật số Trung Quốc (China Digital Times), một gia đình khác có con qua đời vì bệnh tật trong đợt phong tỏa đã đăng bài lên mạng để kêu gọi các bậc cha mẹ “gọi trực tiếp cho công an” vì “ở Nghi Ninh không có bệnh viện nào tiếp nhận điều trị cấp cứu cho trẻ em.”
The Epoch Times đã liên lạc với Bệnh viện Nhân dân Nghi Ninh và Ủy ban Y tế thành phố Nghi Ninh để đề nghị bình luận hôm 10/09 và hôm 12/09.
Phong tỏa chia tách mẹ và con
Mẹ của cậu bé hiện đang sống và làm việc tại Thâm Quyến, thành phố phía nam của Trung Quốc giáp với Hồng Kông. Do Nghi Ninh áp dụng các biện pháp phong tỏa quá hà khắc, nên cô không thể trở về nhà chăm sóc con. Tin tức này như tiếng sét ngang tai, cô đã hoàn toàn suy sụp.
“Hiện giờ tôi đã 30 tuổi rồi. Nếu vợ tôi quay về đây, cô ấy sẽ ly hôn tôi. Bây giờ cô ấy chưa thể quay trở lại vì Tân Cương đang áp dụng các biện pháp phong tỏa,” người cha này chia sẻ. “Vợ tôi đã gọi điện cho tôi, cô ấy nói rằng hai tháng trước cô ấy đã để lại cho tôi một đứa con khỏe mạnh; cô ấy không thể nào chấp nhận được chuyện này [sự ra đi của con trai].”
Anh Lưu kể rằng cha anh hiện đã 76 tuổi đang khóc thương đứa cháu đã mất. Họ không dám báo hung tin này cho bà của bé Húc Dương vì bà không được khỏe.
Kiểm duyệt
Thời báo Kỹ thuật số Trung Quốc, một tổ chức truyền thông độc lập có trụ sở tại Berkeley, California, đã giữ lại một số bài đăng kêu cứu của người dân thành phố Nghi Ninh trước khi chính quyền gỡ bỏ chúng.
Anh Lưu đã đăng các bài trên mạng xã hội Trung Quốc hồi tháng Tám và tháng Chín, và có hai bài đăng đã được ấn bản này lưu trữ.
Anh Lưu đăng bài lần đầu tiên vào tối hôm 16/08, sau khi con trai anh được hỏa táng để thổ lộ nỗi bất bình. Bài đăng của anh bị xóa đi trong vòng vài phút.
Anh đã đăng lại hôm 17/08, hôm 08/09, và hôm 09/09 cùng những bức ảnh của bé Húc Dương và giấy chứng tử do bệnh viện cấp.
Mặc dù bài đăng mới nhất của anh không bị xóa, nhưng không thể truy cập để đăng lại.
Dư luận phẫn nộ
Cư dân mạng Trung Quốc muốn giúp anh Lưu bằng cách bình luận, đăng, và đăng lại các bài đăng của anh ấy. Một số người đã chỉ trích công khai chính quyền địa phương vì đã thi hành các biện pháp phong tỏa hà khắc.
Sau đây là một số bình luận của cư dân mạng:
“Cháu bé [Húc Dương] đáng yêu và ngây thơ biết bao! Làm sao mà một sinh mạng non nớt như vậy lại có thể trở thành nạn nhân của cái gọi là đại dịch? Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ những đứa trẻ được sinh ra trong một môi trường tăm tối như vậy cho đến khi chúng lớn lên một cách an toàn? Giờ thì tôi bắt đầu cảm thấy hối hận vì đã sinh con tôi ra! Tôi sợ rằng tôi không thể bảo vệ con!!!”
“Đây đúng là rẻ rúng sinh mạng con người!”
“Đây đúng là tội phản nhân loại. Lịch sử sẽ phán xét bọn họ.”
“Hãy giúp đỡ bằng cách đăng lại! Chúng tôi, những người dân thường, yêu cầu một lời giải thích! Có thật là mọi chuyện sẽ ổn nếu mọi người không tử vong vì COVID-19? Cần phải có người chịu trách nhiệm, và cần phải có người trả giá cho chuyện này!”
“Hồi tháng Năm là Thượng Hải rồi bây giờ lại đến Tân Cương, đến khi nào mới chấm dứt [phong tỏa] đây? Đâu sẽ là nơi tiếp theo [bị phong tỏa]? Đại dịch này không đáng sợ; những gì mà con người làm ra mới là đáng sợ nhất.”
Bản tin có sự đóng góp của Cố Hiểu Hoa và Hạ Tùng
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times