Cuộc chiến kiểm soát tin tức về COVID-19 cho thấy cuộc đàn áp Pháp Luân Công ngày càng tăng tại trung Quốc
Nhà cầm quyền tăng cường sách nhiễu và cầm tù các học viên vì nguy cơ bị tố cáo
Hôm thứ Năm (30/06), giám đốc của một tổ chức bất vụ lợi cho biết tại một hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo rằng một cách để giúp chính quyền Trung Quốc duy trì sự kiểm soát đối với các tin tức về COVID-19 là cầm tù nhiều người tu luyện Pháp Luân Công hơn nữa.
Nhà cầm quyền Trung Quốc — Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — đã tuyên chiến với các ký giả độc lập, các bác sĩ, và các ký giả công dân Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch, kể cả những người Trung Quốc tu luyện Pháp Luân Công, do nguy cơ họ tố cáo chế độ này ngày một gia tăng.
Theo dữ liệu được trình bày trong một cuộc hội thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế hôm 30/06, so với các số liệu trong năm 2019, trong mỗi năm của khoảng thời gian hai năm vừa rồi, đã có thêm hàng ngàn học viên bị các quan chức và công an Trung Quốc sách nhiễu, và hàng trăm học viên khác bị kết án.
Ông Levi Browde, giám đốc của tổ chức bất vụ lợi Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp có trụ sở tại New York, đã giải thích trong hội thảo rằng ĐCSTQ đã lựa chọn leo thang cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công chỉ vì quy mô của nhóm tu luyện tinh thần này: hàng chục triệu học viên ở Trung Quốc đã đang bị buộc phải hứng chịu các phương thức kiểm soát và làm sai lệch thông tin của chính quyền Trung Quốc.
“Đó là lý do tại sao trong giai đoạn đại dịch, các vụ giam giữ [học viên] Pháp Luân Công đã gia tăng đáng kể, bởi Pháp Luân Công không còn là một nhóm thiểu số bị bức hại nữa. Môn tu luyện tinh thần này cũng là một tác nhân tố cáo,” ông Browde cho biết.
Ông nói thêm: “Và họ [Bắc Kinh] biết rằng nếu họ đang che giấu điều gì đó về virus ở Vũ Hán, hay những nơi khác, thì [các học viên] Pháp Luân Công là những người đầu tiên mà chế độ này cần bịt miệng, bởi họ là những người sẽ phơi bày tin tức về những gì mà ĐCSTQ đang làm. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra.”
Bức hại những người coi trọng sự thật
Có đến 3,582 vụ sách nhiễu trong năm 2019, nhưng số các vụ sách nhiễu này đã tăng lên 9,159 vụ trong năm 2020 trước khi tăng lên con số 9,332 vụ trong năm 2021, theo báo cáo mới định kỳ sáu tháng của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp được công bố hồi tháng Năm, có nhan đề: “Đại dịch, Bức hại và Đẩy lùi: Xu hướng và Phân tích từ Cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc và Hơn thế nữa” (“Pandemic, Persecution and Pushback: Trends and Analysis from the Suppression of Falun Gong in China and Beyond”).
Năm ngoái (2021), đã có 1,372 học viên bị kết án tù, tăng vọt so với con số 775 trong năm 2019.
Số học viên bị sát hại vì đức tin của họ cũng tương đồng với xu hướng đáng báo động này. Theo báo cáo nói trên, đã có 180 trường hợp tử vong được ghi nhận trong năm 2021 — gần gấp đôi so với 98 trường hợp tử vong được ghi nhận trong năm 2019. Trong ba tháng đầu năm nay (2022), đã có 21 trường hợp tử vong được xác nhận.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần dạy các học viên sống theo các nguyên lý phổ quát chân, thiện, và nhẫn. Theo ước tính chính thức, môn tu luyện này được phổ truyền rộng rãi ở Trung Quốc vào những năm 1990, với khoảng 70 đến 100 triệu học viên. Năm 1999, ĐCSTQ đã coi môn tu luyện phổ biến này là một mối đe dọa đối với sự cai trị của mình và đã phát động một cuộc đàn áp trên toàn quốc nhắm vào Pháp Luân Công và các học viên của môn này.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn khi bị giam giữ. Ngoài ra, có hơn 4,700 người tử vong được ghi nhận do hậu quả của cuộc đàn áp này, mặc dù các chuyên gia nói rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Những người tố cáo là học viên Pháp Luân Công
“Các học viên Pháp Luân Công điều hành mạng lưới thông tin và truyền thông ngầm lớn nhất ở Trung Quốc,” báo cáo nói trên lưu ý.
Một trong những người tố cáo được xác định là anh Phương Bân (Fang Bin). Tự giới thiệu là một ký giả công dân, anh Phương đã phơi bày mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát tại Vũ Hán trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát đại dịch, sau khi thành công ghi lại hình ảnh những thi thể tại các bệnh viện bị quá tải trong thành phố.
Nhiều ngày sau khi đoạn phim của anh được đưa lên mạng, anh Phương đã bị công an giam giữ. Hiện không rõ anh đang bị giam giữ ở đâu, nhưng anh được cho là bị giam cầm tại Trung tâm giam giữ Giang Ngạn ở Vũ Hán hồi tháng 11/2021.
Trước khi xảy ra đại dịch, anh Phương đã từng bị giam giữ hơn bốn năm và bị “tra tấn tàn nhẫn” vì tu luyện Pháp Luân Công, theo báo cáo nói trên.
Báo cáo cũng nêu danh tính người tố cáo tên Hứa Na (Xu Na), một trong số 11 học viên Pháp Luân Công bị truy tố vào tháng 04/2021 vì đã cung cấp thông tin liên quan đến đại dịch ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. Cô Hứa đã bị kết án tám năm tù hồi tháng Một.
Sát hại để lấy nội tạng
Ban hội thẩm cũng thảo luận về hoạt động thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn. Hoạt động này đã biến Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu cho du lịch ghép tạng vì các bệnh viện Trung Quốc thường cung cấp thời gian chờ đợi ghép tạng ngắn cho các bệnh nhân — nhanh hơn rất nhiều so với các nước phát triển có các hệ thống hiến tạng đã có từ lâu.
Các cáo buộc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006. Giờ đây, hơn 15 năm sau, Trung Quốc vẫn đang sát hại các học viên để lấy nội tạng của họ, theo ông Browde.
“Điều này đang diễn ra rất nhiều tại Trung Quốc, đó là một hoạt động kinh doanh mang lại rất nhiều tiền. Hành động sát hại người vô tội và buôn bán nội tạng, đó là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD,” ông Browde nói.
Một trong số những người tham gia hội nghị là cô Hàn Vũ (Han Yu), một học viên Pháp Luân Công, người đã chia sẻ cách mà cô đã nghi ngờ rằng cha mình, ông Hàn Tuấn Thanh (Han Junqing), là một nạn nhân của tội ác thu hoạch nội tạng có hệ thống của Trung Quốc. Ông Hàn đã qua đời hồi năm 2004 trong khi bị giam cầm tại một trại giam ở Bắc Kinh. Tại thời điểm đó, cô Hàn vẫn đang ở Trung Quốc, nhưng sau cùng cô đã chuyển đến Hoa Kỳ hồi năm 2018.
Cô Hàn cho biết công an nói với cô rằng cha cô qua đời vì một cơn đau tim. Nhưng cô nghi ngờ về việc chứng nhận nguyên nhân tử vong này, dựa trên tình trạng sức khỏe kiện khang của cha cô trước khi bị giam giữ. Hơn nữa, cô Hàn nói rằng việc công an trì hoãn hơn một tháng mới cho phép gia đình thấy thi hài của cha cô đã làm dấy lên sự nghi ngờ của cô.
Dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên công an, cuối cùng cô Hàn và gia đình đã được nhìn thấy thi thể của ông Hàn. Nhưng họ đã bị chấn động trước những gì mình chứng kiến.
“Cha tôi nằm đó với những vết bầm tím trên khắp cơ thể [của ông ấy],” cô Hàn cho biết. “Điều khiến tôi kinh ngạc nhất là những vết khâu dày trên vùng cổ họng của ông ấy.”
Theo cô Hàn, các vết khâu kéo dài từ vùng cổ họng đến vùng bụng. Cô nói rằng sau đó gia đình cô đã thử ấn vào vùng bụng của ông và phát hiện ra rằng trong đó chứa đầy “đá lạnh.”
“Chú tôi đã rất tức giận và chất vấn công an về những gì họ đã làm với cha tôi. Công an chỉ nói rằng điều này là do khám nghiệm tử thi. Nhưng không ai trong gia đình tôi đã đồng ý cho khám nghiệm tử thi, và công an cũng từ chối công bố báo cáo khám nghiệm tử thi,” cô Hàn nói.
Forced organ harvesting is one of the most egregious human rights abuses taking place today in China, and it targets minority religious communities. At #IRFSummit2022, we heard from Yu Han, whose father was a victim of forced organ harvesting. This is her chilling story. pic.twitter.com/DiuiaBPjEE
— IRF Summit (@IRFSummit) June 30, 2022
Cô nói rằng cô rất đau lòng mỗi khi chia sẻ câu chuyện về cha mình nhưng cô phải tiếp tục làm thế.
“Tôi không muốn cái chết của cha mình trở nên vô ích khi chúng ta có thể ngăn chặn việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc,” cô Hàn nói tại hội nghị thượng đỉnh.
Tội ác phản nhân loại
Năm 2019, một hội đồng xét xử độc lập, tên là Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal), nhận thấy rằng hoạt động này đang diễn ra “trên quy mô đáng kể” ở Trung Quốc. Tòa án kết luận rằng những hành động như vậy là tội ác phản nhân loại, với các học viên Pháp Luân Công là nguồn nội tạng chính.
Phó giám đốc đặc trách về chính phủ và vận động chính sách của tổ chức bất vụ lợi này, ông Larry Liu cho biết, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể giúp chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Trung Quốc.
Ông Liu cho biết: “Chúng tôi khuyến khích Bộ Ngoại giao xem xét việc tuyên bố cuộc bức hại Pháp Luân Công là một tội ác phản nhân loại và hoặc là một tội ác diệt chủng.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.