Một cuộc tấn công là một cuộc tấn công, ngoại trừ ở Biển Đông
Cuộc đụng độ kéo dài hàng giờ xảy ra hôm 17/06 giữa lực lượng hải cảnh Trung Quốc và lực lượng hải quân Philippines ở Biển Đông là một nỗ lực khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm cản trở việc tiếp tế hàng hải của Philippines trên Bãi cạn Second Thomas.
Các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã lao về phía những chiếc thuyền bơm hơi cỡ nhỏ của hải quân Philippines và được cho là đã đụng vào những chiếc thuyền này. Một thủy thủ người Philippines đã bám vào mạn thuyền và bị mất một ngón tay cái. Thủy quân Trung Quốc đã bắt giữ hai chiếc thuyền. Những người Trung Quốc này đồng loạt vung dao, mã tấu, giáo, và rìu trên đầu. Họ chém và đâm vào những chiến thuyền của phía Philippines, làm lủng và xì hơi một chiếc thuyền cao su bơm hơi. Họ đánh cắp một chiếc ba lô của người Philippines và cướp súng của họ. Tổng cộng có 7 quân nhân Philippines bị thương. Manila tố cáo vụ việc là một “vụ đụng tàu có chủ ý.”
Nỗ lực rành rành nhằm đe dọa Hải quân Philippines đã không thu được kết quả. Thay vì chống trả bằng vũ khí tương tự hoặc súng mà họ có sẵn trên thuyền, người Philippines đã tự vệ bằng tay không trong một màn thể hiện sự kiềm chế phi thường. Họ đã lấy bằng chứng qua video và sau đó cung cấp cho báo chí quốc tế.
Năm 1999, Philippines đã chủ ý neo đậu một tàu hải quân Hoa Kỳ vốn đã ngừng hoạt động từ Đệ nhị Thế chiến ở đó. Được gọi là BRP Sierra Madre, con tàu rỉ sét này từ đó trở thành nơi đồn trú của một lực lượng thủy quân lục chiến nhỏ và là một biểu tượng cho sức mạnh của các cường quốc nhỏ trước sự gây hấn của ĐCSTQ. Con tàu ngăn cản Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) thiết lập một căn cứ khác trong số nhiều căn cứ ở Biển Đông và củng cố yêu sách của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đang bị bao vây của nước này.
Năm 2016, một trọng tài quốc tế ở Hague đã công nhận vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn” của ĐCSTQ đối với gần như toàn bộ Biển Đông là không hợp lệ. Bắc Kinh đáp lại các luật gia bằng cách cho oanh tạc cơ có năng lực hạt nhân bay qua bãi cạn Scarborough, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Chuyến bay này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ĐCSTQ ít quan tâm đến luật lệ quốc tế hay sự bình đẳng theo chủ nghĩa cộng sản — Philippines có GDP bình quân đầu người thấp hơn Trung Quốc — so với việc giành lấy càng nhiều càng tốt, ở bất cứ nơi nào có thể. ĐCSTQ đã chứng tỏ mình, như họ đã nhiều lần lặp đi lặp lại từ những năm 1930, với tư cách là người xây dựng đế chế và hủy diệt sự đa dạng hơn là một người hàng xóm tốt bụng quan tâm đến sự phát triển của các quốc gia ở đường biên giới của họ.
Việc thừa nhận hành động đánh chặn gần đây nhất của Trung Quốc là một “cuộc tấn công vũ trang” sẽ tạo cho Philippines cái cớ để viện dẫn hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ — điều mà Manila đã từ chối thực hiện hôm 21/06. Ngược lại với tất cả các bằng chứng sẵn có, thay vào đó, chính phủ [Manila] gọi biến cố này “có thể là một sự hiểu lầm hoặc tai nạn.” Không ai muốn có thêm một cuộc chiến nào nữa.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ sau đó đã nhắc lại rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của lực lượng quân sự của ĐCSTQ, kể cả lực lượng hải cảnh của họ, vào hải quân hoặc lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines thì sẽ được xem là đúng với mục đích của hiệp ước. Đây là mức tối thiểu cần thiết để duy trì một số khả năng răn đe ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos đáp lại cuộc tấn công bằng cách nói rằng bản chất của Philippines là giải quyết vấn đề thông qua đối thoại chứ không phải chiến đấu. Ông nói rằng ông sẽ không viện dẫn hiệp ước của Hoa Kỳ. Thay vào đó, ông Marcos đến thăm các quân nhân hải quân đã có mặt trong vụ đụng độ để ca ngợi sự dũng cảm và kiềm chế của họ trước “sự khiêu khích dữ dội.” Ông Marcos cũng thể hiện sự kiềm chế đáng khen ngợi, giành chiến thắng trước dư luận toàn cầu.
Ngược lại, ĐCSTQ trông vẫn xấu tính hơn bao giờ hết. Thay vì giúp giải quyết sự hỗn loạn toàn cầu do Nga, Iran, và các thành viên trong liên minh “trục ma quỷ” khác gây ra, thì họ lại lợi dụng sự hỗn loạn đó để trục lợi. Trong khi Nga đang tấn công Ukraine và Iran đang tấn công Israel thông qua lực lượng ủy nhiệm, Bắc Kinh hy vọng sẽ giành được lợi thế ở Bãi cạn Second Thomas. Chúng ta thực sự đang bị phân tâm. Hôm 20/06, Tòa Bạch Ốc thông báo, trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục đe dọa hạt nhân, các chuyến hàng phi đạn đánh chặn phòng không của Hoa Kỳ vốn được dự định giao cho các đồng minh khác sẽ được chuyển sang cho Ukraine.
Biển Đông rất quan trọng đối với hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, vì giá trị thương mại đi qua vùng biển này hàng năm trị giá hơn 3 ngàn tỷ USD. Khu vực này có diện tích bằng Ấn Độ và có hoạt động đánh bắt cá và tài nguyên thiên nhiên dồi dào, kể cả dầu khí. Vùng biển này có tính chiến lược về mặt quân sự ở chỗ nhiều hòn đảo nhỏ và bãi cạn là nơi đồn trú cho lực lượng hải quân PLA và đóng vai trò là căn cứ không quân giúp mở rộng phạm vi hoạt động của oanh tạc cơ và hỏa tiễn về phía các lực lượng Hoa Kỳ ở Guam, Singapore, và Australia, cùng nhiều mục đích khác.
Nếu PLA có thể từ chối cho Hoa Kỳ tiếp cận Biển Đông, thì Hải quân Hoa Kỳ sẽ khó có thể bao vây và ngăn chặn hoạt động nhập cảng của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Ví dụ, Bắc Kinh có thể dễ dàng khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí trong vùng biển này hơn nếu chiến tranh ngăn cản nước này nhập cảng năng lượng từ Nga, Iran, và Saudi Arabia. Quyết định của ĐCSTQ nhằm duy trì áp lực quân sự ở Biển Đông cũng là một đòn nhử cho ưu tiên quân sự của Bắc Kinh: xâm lược Đài Loan.
Đó là một sự nhượng bộ khác đối với Bắc Kinh khi Manila và Hoa Thinh Đốn không gọi hành động gây hấn với Philippines như vậy là một “cuộc tấn công vũ trang.” ĐCSTQ chắc hẳn đang ăn mừng khi Manila gọi vụ việc vừa là “tai nạn” vừa là “vụ đụng tàu có chủ đích.” Dù người ta gọi nó là gì đi nữa, thì vụ việc này một lần nữa minh họa cách mà ĐCSTQ lạm dụng quyền lực của mình để bác bỏ các chuẩn mực quốc tế một cách đáng buồn khác.