Một chiếc lá báo hiệu mùa thu tới! Đạo dưỡng sinh trong tiết Lập thu
“Thiên nhân hợp nhất,” con người hòa hợp với tự nhiên là đạo dưỡng sinh tốt nhất. Nhìn lá rụng biết mùa thu đến, nắm bắt thời điểm Lập thu và bắt đầu dưỡng sinh từ Lập thu đến cuối thu. Những tâm pháp giữ gìn sức khỏe vào mùa thu nào được chỉ ra trong “Hoàng đế nội kinh”? Làm thế nào để ngủ ngon vào mùa thu? “Ngũ bạch sơ quả” (năm loại rau và trái cây màu trắng) để dưỡng sinh trong mùa thu là gì? Những thực phẩm nào là sự lựa chọn tốt nhất vào mùa thu?
“Lập thu” là tiết khí đầu tiên của mùa thu, vào khoảng ngày 07/08 hoặc 08/08 dương lịch. Từ Lập xuân đến Lập thu chỉ hơn nửa năm. Âm dương luân phiên nối tiếp trong âm thầm lặng lẽ, hoa xuân đã rụng hết, ngày hè nóng lên, tiết Lập thu đến, khí trời dần se lạnh.
“Thu” có nhiều ý nghĩa, mang đến nhiều nội hàm văn hóa. Theo “Thuyết văn”: mùa thu, là lúc ngũ cốc chín. “Thích danh” ghi chép: mùa thu, chính là lúc vạn vật viên thành vậy. “Lễ – Hương ẩm tửu nghĩa” nói rằng: mùa thu, chính là sầu muộn. Còn “Xuân thu – Phồn lộ” lại chép: mùa thu là nói đến sự tĩnh lặng, mà tĩnh lặng ấy là tâm trạng sầu lắng.
Thời tiết mùa thu thay đổi rất nhiều, khiến tâm tình con người cũng thay đổi không ít. Mùa thu khiến người ta vui vẻ khi được thu hoạch, nhưng cũng mang cảm xúc thời khí mà buồn lo. Từ đó, hình thành nên nội hàm văn hóa của mùa thu, giống như lá đỏ triển hiện ra diện mạo và vẻ đẹp đa sắc thái của nó vậy.
Vạn vật chờ đợi tiết Lập thu
“Dật Chu thư – Thời tấn giải” viết: “Ngày Lập thu, gió mát đến, năm ngày tiếp theo sương trắng rơi, năm ngày sau đó, tiếng hàn thiền kêu vang.” Hàn thiền là loại ve có hình thể tương đối nhỏ, còn gọi là hàn điêu, hàn tương. “Sinh lúc khí dương thịnh, cảm khí âm mà cất tiếng kêu,” loài ve này chủ yếu cất tiếng vào lúc hoàng hôn mùa thu, tiếng kêu u sầu, thường gọi là “đô liễu”[1], dường như mang ý nghĩa vạn vật đều đang thâu hợp lại.
Khí thu cảm biết vạn vật, lá cây ngô đồng rụng trước
“Hoàng đế nội kinh – Tố vấn” viết: “Trước tiết tuế bán (nửa năm), khí trời làm chủ, sau tiết tuế bán, khí đất làm chủ.” “Tuế bán,” tức là ngày Lập thu. Sau ngày Lập thu, khí dương dần hạ xuống, khí âm xuất khỏi mặt đất, cái nóng bức lúc khí dương thịnh chuyển sang trạng thái khí âm xâm nhập, vạn vật ứng theo tiết khí mà biến đổi, cảm thời mà dần dần héo tàn.
Văn hóa Trung Hoa có câu thành ngữ “Nhất diệp tri thu” (một chiếc lá rơi biết mùa thu tới), chính là miêu tả bức tranh vào tiết Lập thu. “Bốc tuế hằng ngôn – quyển 4’ viết về cây ngô đồng: “Ngày Lập thu, tiết Lập thu hằng năm, khi thu đến cũng là lúc một chiếc lá rơi rụng xuống. Vì vậy có câu nói: một chiếc lá ngô đồng rơi, khắp nơi đều đã nhuốm màu thu.” Loại cây ngô đồng này rất mẫn cảm với khí thu, một khi tiết Lập thu đến sẽ bắt đầu rụng lá.
“Mông Lương lục” ghi lại rằng, vào thời nhà Tống, trong hoàng cung trồng cây ngô đồng. Vào tiết Lập thu, triều đình sẽ tổ chức nghi thức “báo thu.” Mỗi khi sắp đến thời điểm Lập thu, Thái sử quan sẽ bẩm báo “thu đến.” Lúc này, ngô đồng trong cung rơi rụng một, hai phiến lá. Nhà thơ Đỗ Mục thời Đường, có thơ ngâm rằng: “Phong xuy nhất phiến diệp, vạn vật dĩ kinh thu” (Gió thổi rơi chiếc lá, vạn vật đã nhuốm thu). Đây là một cách miêu tả khác của “nhất diệp tri thu,” cũng nói lên một nét buồn của tiết thu.
Dưỡng sinh vào mùa thu
Đối mặt với khí lạnh của mùa thu, y học cổ truyền Trung Quốc giảng nói: mùa thu dưỡng thâu. Mùa thu là tiết khí thâu nạp, khí huyết trong cơ thể con người cũng có sự chuyển dịch từ ngoài vào trong. Vì vậy, dưỡng sinh cũng cần phải dưỡng thâu, bổ âm, không để thân thể và tâm thần quá mệt mỏi, tiêu hao dịch thể.
“Hoàng đế nội kinh – Tố vấn – Tứ khí điều thần đạt luận” viết: “Sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình, thu liễm thần khí, sử thu khí bình, vô ngoại kỳ chí, sử phế khí thanh, thử thu khí chi ứng dưỡng thu chi đạo dã”. Ý rằng, mùa thu khiến chí an tĩnh, làm hoãn hình phạt, kiềm chế thần khí, làm cho khí thu bình hòa, không nằm ngoài cái chí ấy, khiến khí phổi thanh sạch; khí mùa thu này ứng với đạo dưỡng thâu vậy.
Nói chung, có ba tâm pháp để dưỡng sinh vào mùa thu:
Một, an tĩnh tâm chí
“Hoàng đế nội kinh” nói: “Sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình.” “Chí” chính là chỉ hoạt động ý chí và tư tưởng, có ảnh hưởng đến sự lưu thông của khí trong cơ thể con người. “Thu hình” chỉ sự tàn lụi của vạn vật bởi khí lạnh của trời đất. Khí thu gấp gáp và mang theo sát khí, vì vậy mọi cảm xúc và suy nghĩ của con người cần chậm lại, để điều hòa giữa khí của nhân thể với khí trời. Y học cổ truyền Trung Quốc nói về “thiên nhân hợp nhất,” sự hợp nhất giữa con người và thiên nhiên. Vào mùa thu, khí huyết trong cơ thể chuyển từ ngoài vào trong. Lúc này, “chí” của con người cũng nên thu lại để tránh phạm sát khí.
Hai, kiềm chế tâm thần
“Hoàng đế nội kinh” nói: “thu liễm thần khí, sử thu khí bình.” Tâm thần quá mệt mỏi sẽ khiến ý chí mê loạn, tinh khí suy kiệt. Mùa hè, tinh thần hoạt động phóng thích ra bên ngoài. Đến mùa thu, tinh thần phóng túng nên được kiềm chế và trở về trạng thái bình hòa. Điều tiết tinh thần và tu dưỡng bản thân là chìa khóa quan trọng nhất để dưỡng sinh, giữ gìn sức khỏe. Bảo trì tâm thần bình tĩnh và an hòa, làm nhưng không cầu thành tựu, thành tựu cũng không lấy đó làm công lao. Chỉ có an tĩnh đối mặt với những thăng trầm thì mới có thể chầm chậm hóa giải được sát khí.
Các thí nghiệm đã chứng minh rằng, một số cách hiệu quả có thể tăng cường năng lượng tích cực. Chẳng hạn như thiền định, thưởng thức âm nhạc Shen Yun tao nhã hoặc âm nhạc cổ điển, có thể làm dịu tâm trí, khiến con người bình tĩnh và an hòa, đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch và năng lượng tích cực. Ngoài ra, thiện tâm và thiện niệm khi đối đãi với mọi người và vạn vật, năng lượng thiện lành ấy cũng được tăng cường mạnh mẽ.
Ba, chuyển hướng vào trong
“Hoàng đế nội kinh” nói: “vô ngoại kỳ chí, sử phế khí thanh” (không ra ngoài chí ấy, khiến khí phổi được thanh sạch). Thời tiết mùa thu thay đổi dễ làm tổn thương phổi, dễ xuất hiện các triệu chứng ho, hen suyễn. Vào mùa thu, nếu mọi người còn suy tư quá nhiều, không thể hòa hợp với nhịp điệu có phần đã thâu liễm của tự nhiên, sẽ khiến phổi gánh chịu nhiều áp lực. Tiết Lập thu đến rồi, chúng ta nên hướng các hoạt động tinh thần từ bên ngoài vào bên trong, hướng nội và an tĩnh, bớt suy nghĩ, bớt lo lắng, khiến khí phổi được thanh sạch.
Ba điểm này nhắc nhở mọi người chú ý đến tầm quan trọng của việc giữ gìn sức khỏe tinh thần. Phép tắc dưỡng sinh vào mùa thu không nằm ngoài một chữ “thâu.” Những ai vẫn còn đang suy nghĩ lên kế hoạch hoặc tìm kiếm các hoạt động mở rộng, cần cân nhắc thu hồi lại. “Hoàng đế nội kinh – Tố vấn” cũng nhắc nhở chúng ta: “Làm ngược lại sẽ hại phổi, mùa đông sẽ bị tiêu chảy, nếu thuận theo việc ẩn giấu bớt đi thì sẽ ít bị bệnh hơn. “ Điều này chính là nói, nếu làm trái với đạo “thiên nhân hợp nhất,” sẽ không thể dưỡng sinh tốt vào mùa thu; trước hết phổi sẽ dễ tổn thương, cứ vậy đến mùa đông dễ bị các vấn đề về đường tiêu hóa, cơ thể không thể tích trữ tinh chất cho việc dưỡng sinh!
Bốn, thực phẩm dưỡng sinh vào mùa thu
Thực phẩm màu trắng là loại thực phẩm dưỡng sinh tốt nhất trong mùa thu, bổ sung thêm thực phẩm có vị chua để kiềm chế khí trong phổi. Vào mùa thu, có thể dùng nhiều rau trái và thực phẩm có màu trắng, vị chua; đồng thời hạn chế đồ ăn có vị cay và tính kích thích như hành, gừng, tỏi, tỏi tây, ớt… để tránh làm tổn thương khí trong phổi.
Bác sĩ Hoàng Chí Viễn (Huang Zhiyuan), giám đốc Phòng khám Trung y Duy Khang tại Đài Loan, khuyến nghị “năm loại rau và trái cây màu trắng” thích hợp cho dưỡng sinh vào mùa thu. Tuy nhiên, thực vật màu trắng chủ yếu có tính hàn. Người có thể chất thiên về hàn hư cần phải cân nhắc, nên căn cứ theo thể chất của mình mà điều chỉnh lượng dùng phù hợp.
Năm loại rau và trái cây có màu trắng
- Bách hợp: nhuận phổi, giải khát, trừ tâm phiền.
- Sơn dược: hồi phục mắt sáng tai thính, khiến thân thể nhẹ nhõm, kéo dài tuổi thọ.
- Nước lê: Lê có mỹ xưng là “thiên nhiên khoáng tuyền thủy” (nước khoáng thiên nhiên), có thể nhuận phổi mát tim, tiêu đờm hạ hỏa, nếu ăn kèm với mật ong, bách hợp .v.v. sẽ gia tăng hiệu quả. Người thể chất hàn hư nên ít ăn lê, người bị cảm ho không nên ăn lê sống, có thể hấp cách thủy hoặc hầm nhừ để dùng.
- Bạch mộc nhĩ: còn gọi là Ngân nhĩ, bổ âm nhuận phổi, tốt cho dạ dày, tăng tiết dịch. Bạch mộc nhĩ dùng kèm câu kỷ cũng có thể tăng thêm hiệu quả.
- Liên ngẫu (Củ sen): Dân gian có câu “thu ngẫu tối bổ nhân.” Củ sen vào mùa thu có công hiệu co mạch, làm mát máu và cầm máu. Cách làm khá đơn giản, ép củ sen tươi uống với mật ong, hoặc luộc củ sen trộn dùng với dầu giấm.
Những thực phẩm bổ dưỡng trong mùa thu
Vào mùa thu, cách giữ gìn chính khí trong cơ thể nằm ở hai chữ “bình bổ.” Có thể chọn những đồ ăn có tính thanh mát, bổ nguyên khí, cũng như những món giàu chất đạm như trứng gà, thịt gà tơ, cá, sữa đậu nành .v.v. giúp tăng cường chính khí của cơ thể.
“Thiên nhân hợp nhất” là đạo dưỡng sinh tốt nhất. “Nhất diệp tri thu” nhắc nhở con người nắm bắt xu thế diễn biến của sự vật từ những dấu hiệu nhỏ, sớm chuẩn bị để thích nghi tốt với khí của trời đất. Chúng ta hãy bảo vệ sức khỏe vào mùa thu bắt đầu từ tiết Lập thu.
Chú thích: